Ngày 26-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ông đã thấy và đã tin
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:47 26/03/2016
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

Khi nghe các bà về báo tin Chúa đã phục sinh thì nhiều môn đệ còn nghi ngờ nhưng khi hai môn đệ chạy ra mồ, Tin Mừng tường thuật rằng các ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Chuyện trăm nghe không bằng một thấy như là chuyện thường tình của kiếp người không chỉ trong lãnh vực đời thường mà cả trong đời sống đức tin. Xin thử hỏi người các môn đệ đã thấy những gì khiến lòng tin của các vị vững mạnh ?

1.Ngôi mộ trống: Dù là dấu chỉ mang chiều kích tiêu cực nhưng đó là dấu chỉ ắt có là tất yếu phải có. Nếu Chúa Kitô đã phục sinh thì ngôi mộ phải không còn thi hài của Chúa. Chúa đã phục sinh thì Chúa không còn ở “chỗ kẻ chết” như lời thiên sứ nói với quý bà: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi.”(Lc 24,5-6).

Thiết tưởng công bố Tin Mừng Phục Sinh theo Nghi Lễ Phụng Vụ xem ra không khó, nhưng làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh mới là vấn đề. Vì nó đòi hỏi chúng ta ra khỏi sự yên ổn thụ động ích kỷ như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nhắn nhủ các giám mục là nếu các vị muốn “yên ổn” theo nghĩa tiêu cực ích kỷ thì chỉ có tìm nơi các nghĩa trang. Ngài cũng đã từng khuyên bảo các linh mục đừng tìm sự yên ổn trong các “pháo đài phòng áo lễ”.

Ngôi mộ không chỉ nói về không gian nơi chốn mà còn biểu thị tình trạng. Trước hết hình ảnh ngôi mộ trống còn nhắc nhớ chúng ta phải ra khỏi tình trạng “chết” về đời sống ân sủng, đức tin. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến tình trạng xơ cứng, không còn sự sống, không có sự đổi thay. Truyền thống tuy tốt đẹp nhưng nó cũng dễ biến thành nấm mộ, nơi chỉ còn công thức và tín điều thiếu sức sống và tình yêu. Chúa Kitô đã từng nhiều lần phải trả giá khi muốn đập vỡ tình trạng xơ cứng này của truyền thống Do Thái giáo thời bấy giờ. Tạ ơn Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tiếp bước Chúa Kitô khi Ngài thẳng thắn phê bình nhưng cung cách hành xử cứng cỏi với kiểu biện minh “xưa nay vẫn vậy”.

2.Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Các môn đệ, mà theo thánh Phaolô thì trên dưới năm trăm người đã từng thấy Đấng Phục Sinh. Có phải các vị đã thấy một ai đó với hình hài vóc dáng như Thầy Giêsu trước đây không. Đọc Tin Mừng thì chúng ta có thể khẳng định là không. Nếu Chúa Phục Sinh hiện ra với vóc dáng hình hài như trước đây thì giải thích thế nào chuyện các môn đệ thường không nhận ra Chúa, Đấng mà mình đã từng ăn ở suốt cả ba năm ? Giải thích thế nào chuyện một Mađalêna vốn gắn bó với Đấng đã giải thoát mình khỏi bảy quỷ đến độ can đảm đứng dưới chân thập giá thế mà vẫn không nhận ra Thầy mình và đã lầm tưởng là người giữ vườn. Giải thích thế nào chuyện hai môn đệ đi làng Emmau ròng rã gần cả ngày vừa đi vừa đàm đạo với Thầy Giêsu mà cũng không nhận ra Người. Chắc chắn diện mạo của Đấng Phục Sinh có chút nào đó đổi thay. Thế thì căn cứ vào đâu mà các môn đệ xác tín Đấng hiện ra với mình là Thầy chí thánh năm xưa ?

Dựa vào các dữ liệu Tin Mừng chúng ta có thể xác định rằng dù vóc dáng hay diện mạo Đấng Phục Sinh đã có chút gì đổi thay khác trước đây, nhưng tấm lòng, cung cách hành xử của Người vẫn chẳng hề đổi thay. Dù là khách được mời nhưng Người lại làm công việc của người phục vụ, cầm lấy bánh bẻ ra trao cho hai môn đệ và hai vị đã nhận ra Thầy chí thánh năm xưa đã hơn hai lần làm công việc này phục vụ trên dưới mười ngàn người no nê bánh cá (x.Lc 24,13-35). Thầy đây, đừng sợ ! Các môn đệ không thể nào quên vị Thầy luôn sát cánh bên mình những khi mình gặp sóng gió hiểm nguy (x.Lc 24,36-43). Hãy thả lưới bắt cá ! Và một mẽ cá lạ lùng khiến Phêrô và nhiều môn đệ khác trên bờ hồ Tibêria làm sao quên được cách đây ba năm đã từng được một mẽ cá nặng chất đầy hai thuyền gần chìm (x.Ga 21.1-14).

Làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh tức là làm cho cho tha nhân, nhất là bà con lương dân, anh chị em khác đạo nhận ra Đấng đã phục sinh, Người đang sống và mãi đồng hành với nhân loại để yêu thương, phục vụ nhân loại cho đến chết bằng chính cuộc sống của những người tin rằng Chúa Kitô đang sống trong mình thì mới là vấn đề. Và đây chính là trọng tâm và là điểm tới của việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Tạ ơn Chúa qua truyền thông, tôi cảm nhận Chúa Phục Sinh đang sống trong vị cha chung toàn Giáo Hội, Đức Phanxicô khi thấy Ngài sau khi cúi xuống rửa chân cho 12 anh chị em tị nạn thì Ngài ngước mắt lên nhìn họ và mĩm cười, bắt tay. Một chút niềm vui tự nhiên và cả thánh thiêng khi phục vụ tha nhân minh chứng cho sự đích thực của tình yêu tự hiến. Mong sao có được rất nhiều người thấy và tin, tin Đấng Phục Sinh đang sống, đồng hành với mình giữa cảnh đời nhiễu nhương này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sự lạ Thứ Sáu Tuần Thánh: chiếc gai cuả Chuá ở Andria lại chảy máu.
Trần Mạnh Trác
13:09 26/03/2016


Kể từ năm 1633 là lúc mà người ta bắt đầu ghi chép những biến cố xảy ra cho 'chiếc gai cuả Chuá' thì từ đó đến nay, không hề sai trật, hễ cứ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mà lại trùng hợp với ngày Lễ Truyền Tin, tức là ngày 25 tháng 3, thì chiếc gai lại rỉ máu.

Lần chót sự lạ này xảy ra là vào năm 2005, và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cũng trùng với lễ Truyền Tin, cho nên chiếc gai lại chảy máu nữa.

Ngày lễ Truyền Tin thường là ngày 25 tháng 3, tuy nhiên để tránh trùng hợp với Tuần Thánh cho nên Hội Thánh Công Giáo và nhiều giáo phái Tin Lành thường di dời ngày lễ này qua một ngày khác một cách tạm thời cho năm đó, nhưng những nơi theo Nghi Lễ đông Phương thì vẫn giữ y như thế.

Sự trùng hợp giữa hai ngày lễ này thì không nhiều, chúng ta may mắn được chứng kiến tới 2 lần trong vòng 10 năm qua, nhưng lần sau thì phải đợi tới 141 năm nữa, tức là năm 2157.

'Chiếc gai cuả Chuá' là một chiếc gai nhọn, tương truyền là lấy được từ chiếc 'mão gai' mà quân lính Roma đã đội cho Chuá trong cuộc Thương Khó cuả Người. Lai lịch đích xác về chiếc gai này thì không được xác định theo phương pháp khoa học hay lịch sử, người ta chỉ biết là nó đã xuất hiện và được tôn kính tại nhà thờ chính toà cuả thành phố Andria cuả Ý từ năm 1308.

Vì có sự lạ như thế cho nên mỗi lần có sự trùng hợp giữa hai ngày lễ thì người ta lập một hội đồng gồm nhiều giáo sĩ và khoa học gia để quan sát chiếc gai.

Năm nay cũng vậy, một hội đồng đông đảo đã đến quan sát tại chỗ, và sau cùng thì Đức Giám Mục về hưu là Raffaele Calabro, ở Andria, đã tuyên bố chiếc gai đã bắt đầu chảy máu nữa.

Theo sự đồng thuận cuả ủy ban thì đây là một phép lạ, với 3 giọt trông như "đá hồng ngọc" xuất hiện và đọng trên chiếc gai, ở dưới chiếc điã cũng có những giọt 'hồng ngọc' khác nữa nhưng họ cho rằng đó là những vật thể đã xuất hiện từ phép lạ năm 2005 và bây giờ thì được 'tái sinh'.

Sau khi mở ra quan sát xong, người ta đã cẩn thận niêm phong 'thánh tích' lại.

Đức Giám Mục Calabro đã dâng lời cảm tạ Chúa "về những hồng ân, là một phép lạ và cũng là một món quà tình yêu của Thiên Chúa, mà Ngài đã ban cho cộng đồng này."

Xem video cuộc khảo sát chiếc gai:

 
Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Lễ Vọng Phục Sinh 26/03/2016
J.B. Đặng Minh An dịch
20:00 26/03/2016
“Ông Phêrô chạy đến ngôi mộ” (Lc 24:12). Những suy nghĩ nào loé lên trong tâm trí của Phêrô và khuấy động tâm hồn ông khi ông chạy đến mộ? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng mười một tông đồ, bao gồm Phêrô, đã không tin lời của những người phụ nữ, là lời công bố Phục Sinh của các bà. Trái lại, “những lời này dường như chỉ là một câu chuyện ngồi lê đôi mách” (c. 11). Như vậy là có sự nghi ngờ trong lòng Phêrô, cùng với rất nhiều lo âu khác: nỗi buồn vì cái chết của Thầy kính yêu và vỡ mộng vì đã chối Người ba lần trong cuộc thương khó.

Tuy nhiên, vẫn có một cái gì đó cho thấy có một sự thay đổi trong lòng ông: sau khi nghe những người phụ nữ và từ chối không chịu tin họ “Phêrô bật dậy” (câu 12). Ông không còn an nhiên trong tư tưởng; ông không ở nhà như những người khác. Ông không chịu nổi bầu không khí ảm đạm của những ngày đó, ông cũng đã bị choáng ngợp bởi những nghi ngờ của mình. Ông đã không buông mình đắm chìm trong ân hận, sợ hãi hay những tin đồn liên tục chẳng đi đến đâu. Ông đã tìm kiếm Chúa Giêsu, chứ không phải chính mình. Ông thích con đường của gặp gỡ và tin tưởng. Và như vậy, ông đứng bật dậy, hăng hái như trước, và chạy nhanh về phía ngôi mộ là nơi từ đó ông sẽ trở về lòng đầy “kinh ngạc” (c. 12). Điều này đánh dấu sự khởi đầu của sự phục sinh của Phêrô, sự sống lại của trái tim ông. Không buông mình trong buồn sầu hay bóng tối, ông hy vọng: ông để cho ánh sáng của Thiên Chúa đi vào trái tim mình, không che kín nó.

Cả những người phụ nữ, là những người đã đi ra ngoài vào buổi sáng ban mai để thực hiện một công việc của lòng thương xót, khi lấy dầu thơm mang đến mồ, cũng có những kinh nghiệm tương tự. Họ “sợ hãi và cúi gầm xuống đất”, nhưng họ rúng động sâu xa bởi những lời các thiên thần: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Câu 5.).

Như Phêrô và những người phụ nữ, chúng ta không thể khám phá ý nghĩa cuộc sống bằng thái độ buồn bã, hoàn toàn tuyệt vọng. Xin đừng giam cầm chính mình bên trong chúng ta, nhưng hãy phá vỡ mở ngôi mộ kín của chúng ta với Chúa để Ngài có thể bước vào và ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta hãy trao cho Ngài tảng đá hận thù của chúng ta và các tảng đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã của chúng ta. Đức Kitô muốn đến và nắm tay chúng ta để đưa chúng ta ra khỏi nỗi sầu của chúng ta. Đây là viên đá đầu tiên cần phải được di chuyển sang một bên đêm nay: đó là tâm lý thiếu hy vọng đã giam cầm chúng ta bên trong chính mình. Nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, khỏi cái tình trạng là Kitô hữu mà chẳng có chút hy vọng nào, là Kitô hữu mà sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể những vấn đề của chúng ta mới là trung tâm đời sống chúng ta.

Chúng ta thấy và sẽ tiếp tục thấy những vấn đề cả trong lẫn ngoài. Lúc nào cũng có những vấn đề. Nhưng đêm nay, điều quan trọng là hãy để ánh sáng của Chúa Phục Sinh chiếu rọi lên các vấn đề của chúng ta, và trong một nghĩa nào đó, hãy “rao giảng Tin Mừng” cho chúng. Xin đừng để cho bóng tối và sợ hãi đánh lạc hướng chúng ta và kiểm soát chúng ta; chúng ta phải gào to lên với chúng: Chúa “không ở đây, nhưng đã sống lại!” (câu 6.). Ngài là niềm vui lớn nhất của chúng ta; Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta và sẽ không bao giờ làm ta thất vọng.

Đây là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, chứ không chỉ là thái độ lạc quan, cũng chẳng phải là thái độ tâm lý hoặc lòng ao ước muốn được can đảm. Hy vọng Kitô giáo là một ân sủng Chúa ban cho chúng ta nếu chúng ta ra khỏi chính mình và mở rộng lòng mình với Ngài. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng vì chính Chúa Thánh Thần đã gieo nềm hy vọng ấy vào lòng chúng ta (Rm 5: 5). Đấng Bào Chữa không làm cho mọi thứ trông hấp dẫn. Ngài không loại bỏ cái ác với một cây đũa thần. Nhưng Ngài đổ vào chúng ta sức sống cho một cuộc đời không phải là không có những vấn đề, nhưng có một sự chắc chắn là chúng ta luôn luôn được yêu mến và tha thứ bởi Chúa Kitô, Đấng vì chúng ta đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và sự sợ hãi. Hôm nay là lễ của niềm hy vọng của chúng ta, của những kỷ niệm về sự thật này: không có gì và không một ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8:39).

Chúa đang sống và muốn được tìm kiếm giữa những người sống. Sau khi tìm thấy Ngài, mỗi người được Người gửi đi công bố thông điệp Phục Sinh, để thức tỉnh và làm sống lại hy vọng nơi những tâm hồn bị đè nặng bởi ưu phiền, nơi những ai cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Điều này, hiện nay rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không được công bố chính mình. Thay vào đó, là tôi tớ hân hoan của niềm hy vọng, chúng ta phải công bố Đấng Phục Sinh bằng cuộc sống và tình yêu của chúng ta; nếu không chúng ta sẽ chỉ là một tổ chức quốc tế có đông đảo các tín đồ với những luật lệ tốt đấy, nhưng không có khả năng đưa ra niềm hy vọng mà thế giới đang chờ đợi.

Làm thế nào chúng ta có thể tăng cường niềm hy vọng của chúng ta? Phụng vụ đêm nay đưa ra một số hướng dẫn. Phụng Vụ dạy cho chúng ta phải nhớ đến những kỳ công của Thiên Chúa. Các bài đọc mô tả sự trung tín của Thiên Chúa, và lịch sử tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Lời Hằng Sống của Thiên Chúa có thể lôi cuốn chúng ta vào trong lịch sử tình yêu này, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta và đổi mới niềm vui của chúng ta. Tin Mừng cũng nhắc nhở chúng ta điều này: để nhen nhóm hy vọng trong trái tim của những người phụ nữ, thiên thần nói với họ: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà” (câu 6.). Đừng quên lời nói và những kỳ công của Ngài, nếu không chúng ta sẽ đánh mất hy vọng. Trái lại, chúng ta hãy nhớ đến Chúa, sự tốt lành và những lời ban sự sống của Người là những điều đã làm chúng ta xúc động. Chúng ta hãy nhớ đến những điều đó và biến chúng ta trở thành những tuần canh của hừng đông, những người biết làm thế nào để giúp người khác nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa Phục Sinh.

Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng chúng ta cho hy vọng và hãy tiến ra. Nguyện xin cho ký ức về các kỳ công và lời nói của Người là ánh sao sáng soi bước cho chúng ta trên những nẻo đường đức tin hướng về một lễ Phục sinh vĩnh cửu.
 
Hãy để họ phục vụ: Hằng trăm người bên ngoài tòa án ủng hộ các nữ tu dòng Bé Mọn
Giuse Thẩm Nguyễn
21:56 26/03/2016
Hãy để họ phục vụ: Hằng trăm người bên ngoài tòa án ủng hộ các nữ tu dòng Bé Mọn

(EWTN News/CAN) Hằng trăm người, đa số là phụ nữ đã tham gia với các nữ tu bên ngoài Tòa Án Tối Cao vào ngày thứ Tư cùng hô vang “ Hãy để phục vụ! Hãy để họ phục vụ!”

Những người chống đối đến để ủng hộ các Nữ Tu Dòng Bé Mọn của Người Nghèo và những nguyên đơn khác lý giải rằng các nữ tu không nên bị bắt ép phải chọn lựa giữa phá sản, bao gồm việc nộp phạt và vi phạm niềm tin tôn giáo của mình, qua lệnh buộc phải cung cấp thuốc ngừa thai của Liên Bang.

Nữ tu Loriane Maria Maguire, bề trên tỉnh dòng của nhà dòng các Nữ Tu Bé Mọn của Người Nghèo, đã nói với đám đông rằng chăm sóc cho “ các thành viên dễ bị tổn thương của xã hội chúng ta là một “ đặc quyền” và là “ một niềm vui.”

Nữ tu phát biểu rằng “Chúng tôi chỉ yêu cầu là cho chúng tôi được tiếp tục làm công việc này”,

Cuộc tuần hành vào ngày 23 tháng Ba đã xảy ra bên ngoài Tòa Án Tối Cao trong khi bên trong tòa án đang diễn ra cuộc tranh luận giữa Zubik và Burwell, đặt lại việc đề nghị “tương nhượng” đối với các cơ sở tôn giáo không lợi nhuận của chính quyền liên quan đến lệnh buộc cung cấp thuốc ngừa thai vào năm 2012. Vụ án này là một tổng hợp gồm bẩy vụ được đưa ra trước tòa, và nguyên đơn gồm các nữ tu Bé Mọn của Người Nghèo, Tổng Giáo Phận Washington, Giám Mục David Zubik của Pittsburgh, và một vài trường đại học Kitô giáo.

Theo lệnh buộc, các chủ cơ sở phải cung cấp thuốc ngừa thai và các sản phẩm ngừa thai trong chương trình bảo hiểm sức khỏe cho các công nhân của họ. Giáo Hội và các cơ sở tôn giáo được miễn trừ lệnh bắt buộc này, nhưng các tổ chức bác ái tôn giáo và những tổ chức phi lợi nhuận khác như các trường đại học tôn giáo và dòng tu như dòng Nữ Tu Bé Mọn của Người Nghèo thì vẫn phải cung cấp phần bảo hiểm mà họ tin là phi đạo đức.

Chính quyền lý luận rằng việc bảo hiểm này tách rời các tổ chức phi lợi nhuận tôn giáo ra khỏi tiến trình cung cấp thuốc ngừa thai. Dù vậy các tổ chức phi lợi nhuận tôn giáo nhất quyết cho rằng họ vẫn còn liên quan đến tiến trình cung cấp loại bảo hiểm vi phạm đạo đức.

Nữ tu Maguire nói với đám đông những người chống đối rằng bản thân mình và các nữ tu khác “ không hiểu nổi tại sao chính quyền lại làm việc này đang khi có cách giải quyết dễ dàng hơn không liên quan đến chúng tôi – mà nó cung cấp các dịch vụ này như là một sự trao đổi.”

“Cũng càng khó hiểu hơn tại sao chính quyền lại làm việc này đang khi một phần ba dân Mỹ, ngay cả họ cũng không có bảo hiểm của luật buộc này, và những công ty lớn như Exxon, Visa và Pepsi thì lại hoàn toàn được miễn trừ, nhưng chính quyền lại đe dọa phạt chúng tôi với mức phạt 70 triệu Mỹ Kim nếu chúng tôi không chấp hành.”

Nữ tu nói tiếp rằng cung cấp phục vụ ngừa thai sẽ “vi phạm sâu xa niềm tin tôn giáo của chúng tôi.”

Jeanne F. Mancini, chủ tịch hội March for Life Education và Defense Fund nói với đám đông tập trung trước Tòa Tối Cao rằng vụ án của các nữ tu Bé Mọn làm nổi bật cái tính “ kẻ cả của luật buộc “- chính quyền dành quyền xác định nhóm tôn giáo nào thì đạt đủ tiêu chuẩn được miễn trừ.

“Chính quyền không có quyền công bố rằng phục vụ người già yếu,nghèo khổ hay giáo dục học sinh sinh viên của một tổ chức tôn giáo thì không đủ tiêu chuẩn để được miễn trừ như các cơ sở tôn giáo khác,” Mancini nói rằng “Theo lời của một trong các nhà lãnh đạo Kitô giáo thì trong trường hợp này ngay cả Chúa Giêsu cũng không đủ điều kiện để được miễn trừ.”

Meg McDonnell, Giám Đốc điều hành của Women Speak for Themselves (Tiếng nói Phụ Nữ) một hiệp hội gồm hằng ngàn các phụ nữ thuộc nhiều nhóm khác nhau trên khắp Hoa Kỳ đã đấu tranh chống lại luật bắt buộc cung cấp thuốc ngừa thai, nói với CNA rằng chính quyền đã không đánh giá đầy đủ vai trò của người phụ nữ trong tôn giáo và các tổ chức tôn giáo tốt lành phục vụ cộng đồng của họ.

“Khi chính quyền quyết định luật buộc này, họ đã tính toán nhầm về sức mạnh của phụ nữ, đặc biệt cảm nhận về quyền được sống theo niềm tin của mình. Những gì chúng ta nhìn thấy hôm nay chính là đại diện cho các tổ chức tôn giáo khác nhau nói lên cách mà các tổ chức ấy phục vụ cho cộng đồng,” họ là những người dấn thân phục vụ cũng như những người được phục vụ bởi các tổ chức tôn giáo.”

McDonnel, đại diện cho các tiếng nói và các thành viên của Women Speak For Themselves phát biểu rằng việc đòi hỏi của mọi người là “chính quyền cho phép các tổ chức được tiếp tục phục vụ “những người khốn cùng này”

Celia Harris, một sinh viên năm cuối tại đại học Geneva, một trong nguyên đơn của vụ kiện này, nói với CNA rằng cô hy vọng những người trẻ sẽ nhìn ra luật buộc này là một thách thức đối với những quyền hiến định của họ. “ Đây không phải chỉ là vấn đề thuốc ngừa thai, mà là về quyền tự do của chúng ta đang bị đe dọa.”

Harris cũng xác định rằng việc bảo vệ niềm tin tôn giáo đại học của cô là sự phát triển tự nhiên của dòng lịch sử tiến bộ. Đại học Geneva là một trong các đại học đầu tiên cổ vũ cho việc chấm dứt tình trạng nô lệ, ủng hộ Underground Railroad ( hệ thống giải thoát nô lệ ) và cũng là một trong số đại học đầu tiên nhận sinh viên nữ. Cô Harris giải thích cho CAN như vậy.

“Chúng tôi đang rất tiến bộ trong thời đại của chúng tôi. Chúng tôi không xem đây là một bước lùi. Chúng tôi không xem đây là một kiểu lỗi thời. Chúng tôi xem đây như là một sự diễn tả về các quyền mà các nhà lập quốc đã gầy dựng lên.”

Gloria Purvis, chủ tịch của hội Black Catholic for Life và thành viên đài phát thanh EWTN, Moring Glory, cũng đã phát biểu tại cuộc tuần hành. Cô nói với CAN rằng cô rất “ kinh ngạc” bởi việc chính quyền đóng khung việc này trong phạm vi sức khỏe trong khi họ có nhiều con đường khác để đạt tức mục đích của việc ngừa thai.

“Thực ra đây là điều mà chính quyền bắt những người không tin như chính quyền tin phải hoặc là phá sản hoặc là tuân hành – nó vi phạm quyền lương tâm của chúng ta.”

Purvis nói tiếp, theo quan niệm của cô, những nhóm như Các Nữ Tu Bé Mọn của Người Nghèo lẽ ra không nên phải có sự chọn lựa giữa lương tâm và công việc của mình.

“Hãy để cho họ phục vụ, hãy để họ bước theo đức tin của họ và chính quyền không có vai trò gì trong việc làm rõ đức tin của người dân.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Vọng Phục Sinh Tại Cộng đoàn Công giáo Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
06:57 26/03/2016
Melbourne, Sau buổi rước Đàng Thánh Giá ngoài trời trọng thể lúc 10 giờ sáng. Chiều thứ Bảy Tuần Thánh, lúc 8 giờ tối, Ngày 26/3/2016 với tiết trời có mưa, có chút ảnh hưởng đến Thánh lễ, không khí tuy về đêm nhưng không lạnh. Ai ngồi dưới dù không bị ảnh hưởng nhiều của mưa, còn những ai ngồi ngoài thì đều chạy vào trong nhà. Tại khuôn viên Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, cờ xí và lễ đài đã trang trí lại sau mùa thương khó, để vui đón mừng Lễ Chúa Phục Sinh. Đại lễ năm nay do Linh mục quản nhiệm Giuse Trần Ngọc Tân và cùng đông đảo mọi thành phần Dân Chúa về hiệp dâng Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh.

Mời xem hình

Đúng 8 giờ, buổi đại lễ Vọng Phục Sinh bắt đầu. Đèn điện được tắt hết để chuẩn bị cho các nghi thức làm phép lửa và nến Phục Sinh. Toàn thể cộng đoàn hướng về cổng tam quan của trung tâm để cùng Linh mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân cử hành các nghi thức làm phép lửa và phép nến.

Nến Phục Sinh được thắp sáng từ lửa mới làm phép, linh mục quản nhiệm nâng cao rước lên bàn thờ có ba lần ngừng lại để linh mục chủ tế tôn vinh ánh sáng: “Ánh Sáng Chúa Kitô.” Khi lần tôn vinh thứ hai, từ nến Phục Sinh, ánh sáng Chúa Kitô được các em thiếu nhi truyền tiếp đến mọi người, chỉ phút chốc là lan tỏa ra khắp cộng đoàn, ánh sáng của hy vọng và ấm nồng tình thương yêu cứu độ đã tỏa ra đến hết nhân gian. Các lời dẫn được các anh chị trong ca đoàn đọc để cộng đoàn cùng suy niệm về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Khi nến Phục Sinh đến bàn thờ, thì ánh sáng đã bừng sáng, như ánh sáng Chúa đã ban ra khắp thế gian, soi sáng đến cả những nơi u tối nhất.

Sau các bài đọc Sách Sáng Thế, Sách Xuất Hành từ Cựu ước tới Tân ước, khăn bàn thờ mới được trải lên, hoa đèn được trang trí và khi kinh Vinh danh được hát vang cùng với tiếng chuông reo vui. Ca đoàn Cecillia trong đồng phục đại lễ đã thật xuất sắc và điêu luyện đã dùng lời ca tiếng hát nâng tâm hồn mọi người lên trong niềm vui mừng trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.

Bài chia sẽ của linh mục Chủ tế về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và nói về các đại lễ vọng của người Do Thái thật đặc biệt, trong đó có một lễ mà tổ phụ Ap - ra - ham đã chuẩn bị sát tế con trai mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã được Thiên Thần Chúa ngăn lại vv. Tuy nhiên con một Thiên Chúa, một của lễ tinh tuyền Thánh thiện đẹp lòng Đức Chúa Cha, như của lễ hoàn hảo nhất mà Đức Chúa Cha chấp nhận, nên hôm nay mọi người được hưởng nhờ ơn cứu độ Phục Sinh.

Nước được làm phép và nước cũng được đón nhận ánh sáng từ Nến Phục Sinh nhập vào. Nước nuôi sống và rửa sạch các vết nhơ tội lỗi đã được làm phép. Lời tuyên xưng đức tin tuyên hứa của cộng đoàn được long trọng lập lại trước linh mục quản nhiệm đại diện cho Hội Thánh Chúa.

Ôi đêm cực Thánh với niềm vui Chúa Phục Sinh, tiếng ca khải hoàn mà Ca đoàn Cecillia đã phụng vụ Thánh nhạc thật xuất sắc đã giúp cho mọi người nâng tâm hồn lên để đón nhận hồng ân cứu độ Phục Sinh. Cũng phải kể đến phần âm thanh với kỹ thuật cao của anh chị Bằng Uyên đã giúp cho Lễ vọng Phục Sinh thật tốt đẹp.
 
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự Nghi Thức Đi Đàng Thánh Giá tại Giang Sơn Ban Ma Thuột
Vũ Đình Bình
10:23 26/03/2016
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự Nghi Thức Đi Đàng Thánh Giá tại Giang Sơn

Đồi Thánh Giá Giang Sơn là ngọn đồi linh thánh, bên cạnh dòng Krông Ana thơ mộng, nước chảy hiền hòa qua một vùng quê an bình, thánh thiện, nằm trên trục đường quốc lộ 27 cách Thành phố Buôn Ma Thuột 30km về phía đông nam hướng đi Đà Lạt. Đồi Thánh Giá được khởi công xây dựng từ năm 1961, thời cha Nguyễn Hữu Nghị. Qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngọn đồi này đã trở thành Trung tâm hành hương của Giáo phận Banmêthuột. Năm 2014, Đồi Thánh Giá Giang Sơn được tôn tạo, kiến thiết lại khang trang, sạch đẹp đáp ứng nhu cầu tâm linh của giáo dân. Vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng, đặc biệt là Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, giáo dân khắp nơi tụ họp về đây tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu để được sống trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài.

Xem Hình

Theo thông lệ đó, sáng nay 26.3.2016, Thứ Bảy Tuần Thánh, tại Đồi Thánh Giá Giang Sơn, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận đã về chủ sự Nghi thức suy niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu. Cùng tham dự có Cha Quản hạt Giáo hạt Giang Sơn, quý Cha quản xứ, quý Cha phó của các Giáo trong Giáo hạt; Quý tu sĩ nam nữ, Quý Chức và khoảng hơn 5.000 tín hữu gần xa; trong đó có đoàn hành hương đến từ Giáo phận Sàigòn.

Trước khi khai mạc Nghi thức Đi Đàng Thánh Giá, Cha Phêrô Bùi Văn Thục, quản xứ Giang Sơn, kêu mời cộng đoàn đặt mình vào bối cảnh năm xưa, theo chân Chúa vác thập giá lên đồi Golgotha. Cùng nhau suy gẫm những chặng đàng thương khó Chúa Giêsu để cảm nghiệm tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng đã yêu và thí mạng vì chúng ta. Hành trình lên đỉnh đồi qua những chặng Đường Thánh Giá năm nay, dựa theo chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót và “Tân Phúc Âm Hóa đời sống xã hội”.

Ngay từ Chặng Thứ Nhất, khi Đức Cha Vinh Sơn vác Thánh Giá hướng lên đồi cao, toàn thể cộng đoàn như lặng đi, không gian chùng lại, sâu lắng. Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như hiện ra trước mắt rõ nét và sống động.

CHẶNG THỨ NHẤT: Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu – Xin cho chúng con có lòng xót thương, biết tha thứ, cảm thông, không xét đoán và kết án nhau.

CHẶNG THỨ HAI: Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá – Xin cho chúng con biết quan tâm đến nhau, biết nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện, bằng nụ cười cảm thông, bằng ánh mắt nhân ái, dịu hiền.

CHẶNG THỨ BA: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất – Xin cho chúng con có lòng xót thương, giúp nhau vững bước vác Thánh giá theo chân Chúa.

CHẶNG THỨ BỐN: Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá - Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ mà thầm lặng hiệp thông, chia sẻ nỗi đau của anh em đồng loại.

CHẶNG THỨ NĂM: Ông Simon vác thập giá đỡ Đức Chúa Giêsu – Xin cho chúng con có lòng xót thương, như ông Simon, biết đỡ gánh nặng cho nhau.

CHẶNG THỨ SÁU: Bà Vêrônica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt – Xin cho giáo xứ chúng con trở thành “hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng” trong thế giới ngày nay.

CHẶNG THỨ BẢY: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai – Xin cho chúng con biết xót thương, biết nâng dậy những người anh em yếu đuối, sa ngã, mải mê trong vũng bùn tội lỗi.

CHẶNG THỨ TÁM: Đức Chúa Giêsu đứng lại an ủi con thành Giêrusalem - Xin cho chúng con có lòng xót thương thực sự, tìm đến giúp đỡ anh em mà không vụ lợi, phô trương.

CHẶNG THỨ CHÍN: Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba – Xin cho chúng con có lòng xót thương, đem an ủi đến cho tha nhân, nhận chìm đau khổ bản thân vào đại dương lòng thương xót Chúa.

CHẶNG THỨ MƯỜI: Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu – Xin cho chúng con có lòng xót thương, biết yêu thương và tôn trọng phẩm giá của nhau.

CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT: Quân dữ đóng đinh Đức Chúa Giêsu – Xin cho chúng con có lòng xót thương, biết đón nhận những điều nghịch cảnh xảy đến cho chúng con vì lòng yêu mến Chúa.

CHẶNG THỨ MƯỜI HAI: Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh giá - Xin cho chúng con có lòng xót thương, biết học nơi Chúa đức vâng lời khiêm hạ, hết lòng tin tưởng phó thác cuộc đời trong tay Chúa.

CHẶNG THỨ MƯỜI BA: Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó trong tay Đức Mẹ - Xin cho chúng con biết thông phần đau khổ với Chúa qua sự liên đới với anh chị em đang gặp đau khổ, biết can đảm đón nhận khổ đau và kết hiệp khổ đau ấy với Đức Chúa Giêsu.

CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN: Táng xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá - Xin cho chúng con có lòng xót thương, để có thể yêu thương những người đã gây đau khổ cho chúng con bằng sự thù nghịch. Cho chúng con biết chia sẻ vào cuộc khổ nạn của Chúa hầu được thông phần vào niềm vui và vinh quang của Chúa Phục Sinh.

CHẶNG THỨ MƯỜI LĂM: Chúa Giêsu Phục Sinh - Xin cho chúng con luôn ý thức về căn tính Kitô hữu của mình, để cố gắng ngày càng “trở nên đồng hình, đồng dạng với Cháu Kitô” hơn.

Tại đây, trên Đồi Phục Sinh chan hòa ánh sáng, trước ngôi mồ trống, trước tượng Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ: Đi đàng Thánh giá không chỉ là truyền thống đức tin, là cảm nghiệm cá nhân về con đường khổ nạn Chúa đã đi qua, mà còn là dịp để chúng ta hoán cải và sống đời sống mới.

Trên chặng đàng Thánh giá hôm nay, chúng ta vừa đi vừa suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta còn nhìn thấy những bàn tay chai sạn vì lao công vất vả để nuôi sống gia đình và để thể hiện tình yêu của người cha, người mẹ dành cho con cái mình.

Xin Chúa thánh hóa lao công của chúng ta, và cho chúng ta cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa để niềm vui Phục Sinh giúp chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Nghi thức tưởng niệm Sự Thương Khó Chúa Giêsu kết thúc sau khi Đức Cha ban phép lành trọng thể. Cộng đoàn tùy nghi hôn chân Chúa trong huyệt đá dưới chân đồi Phục sinh.
 
Giồng Trôm : Mừng Chúa Phục Sinh
Người La Mã
10:34 26/03/2016
Giồng Trôm: Mừng Chúa Phục Sinh

Cùng với Giáo Hội, đêm nay, họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm mừng Chúa Phục Sinh.

Khi trời vừa xế bóng, đông đảo dân Chúa trong họ đạo Giồng Trôm quy tụ về ngôi nhà thờ nhỏ bé để cùng nhau mừng Đại Lễ Phục sinh.

Xem Hình

20 giờ, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được bắt đầu. Chủ tế Thánh Lễ tối nay là Cha sở Đaminh Nguyễn Hữu Trung. Phụ Thánh Lễ có thầy phó tế Giuse Lê Hữu Tú cùng 2 thầy Học Viện. Cộng đoàn dân Chúa ngoài họ đạo Giồng Trôm còn có một số giáo dân ở các vùng lân cận.

Sau lời Tin Mừng Phục Sinh được công bố bởi thầy phó tế Giuse Lê Hữu Tú, Cha Đaminh mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại biến cố Phục Sinh.. . và Cha mời gọi mọi cộng đoàn sống niềm tin Phục Sinh.

Lễ xong, mọi người vui mừng chia sẻ niềm vui Phục Sinh. Ước gì ơn Phục Sinh và Niềm Vui Phục Sinh được dẫy tràn trên mảnh đất nhỏ bé Giồng Trôm này
 
Lại câu chuyện Mồ Trống : Đêm vọng Phục Sinh tại giáo xứ Quảng Ngãi
LM. Giuse Trương Đình Hiền
12:30 26/03/2016
LẠI CÂU CHUYỆN “MỒ TRỐNG”
(Đêm Vọng Phục Sinh 2016 tại giáo xứ Quảng Ngãi)

Gần hai ngàn năm,
Nhân loại nghe hoài một chuyện kể,
Chuyện kể của bà Maria
trên đường về từ Ngôi Mộ Trống :
“Tôi đã thấy nấm mồ của Đức Ki-Tô.
Người đã sống lại và ra khỏi mồ.
Người đang sống vinh quang” [1]

Đêm nay, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Quảng Ngãi lại được một lần nữa cùng nhau nghe kể lại câu chuyện nầy qua cử hành Phụng Vụ long trọng Đêm Vọng Phục Sinh.

Thì ra đây,
Là đích điểm của một chuyện tình,
Một giao ước giữa Thượng đế với con người,
đã hình thành trước ngàn muôn thế kỷ.

Xem Hình

Ngôi Mộ trống trên đồi Gô-gô-tha thuở ấy,
Đã ôm trọn cả chiều dài của lịch sử con người,
Từ xa tắp cát bụi A-đam
cho đến tiếng khóc oa oa của em bé sau cùng trên trái đất…
Mộ trống của tối tăm, ngục tù chết chóc,
Của đau thương, tội lỗi, thất vọng, đọa đầy…
Mộ trống của muôn kiếp phận xưa nay,
Bị giam kín dưới quyền lực của tử thần âm phủ.

Nhưng viên đá lấp mộ,
Đã lăn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất,
Buổi sáng diệu kỳ làm lóa mắt người thôn nữ Maria,
Một người đã chết,
một một Đấng Phục Sinh đầy uy dũng bước ra,
Bỏ lại sau lưng cánh cửa mộ âm u,
Cùng với lịch sử nhân loại với cả con đường hầm tăm tối.

Vâng, giáo dân tụ họp trong Đêm Cực Thánh nầy không chỉ để lắng nghe một chuyện kể mà để cùng nhau sống lại một biến cố vĩ đại, một mầu nhiệm khôn lường liên quan đến thân phận và cuộc sống vĩnh hằng của chính mình.
Cho nên :
Tin Mừng Phục Sinh và câu chuyện “Mộ Trống” đó,
Sẽ cứ mới hoài cho đến mãi ngàn sau !

BC : Những chữ in nghiêng là các trích đoạn trong bài thơ “MỘT CÂU CHUYỆN TẦM THƯỜNG ĐẾN THẾ !” của Sơn Ca Linh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đối thoại với người bạn vong niên
Nguyễn Văn Nghệ
10:39 26/03/2016
ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI BẠN VONG NIÊN

Tôi có một người bạn vong niên, sinh năm 1930, lớn hơn tôi 32 tuổi. Ông là hậu duệ của cụ Phạm Phú Thứ- Phó sứ trong phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam, ông đi theo kháng chiến và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trên chiến khu ông là cán bộ nghiên cứu của Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Khánh Hòa, phụ trách tờ báo Khánh Hòa ( Nguyễn Sung- nhà thơ Giang Nam- phụ trách bên văn nghệ) . Sau năm 1954 ông được cài lại ở miền Nam để hoạt động và bị bại lộ, từ đó đến nay ông thôi không sinh hoạt đảng nữa. Năm 2000, tôi tham gia sinh hoạt ở Văn miếu Diên Khánh và gặp ông. Từ đó tôi và ông trở thành đôi bạn vong niên. Tôi và ông thường đối thoại nhiều vấn đề liên quan đến đạo đời một cách thẳng thắn

Ai không được rửa tội thì không được vào thiên đường.

Khi đề cập đến đạo Công Giáo, ông bạn vong niên của tôi không đồng í với quan điểm của giáo lí Công Giáo: Ai không chịu phép rửa thì không được vào Nước Trời (Thiên đường). Ông nói : Chẳng lẽ những người không được rửa tội mà sống ngay lành cũng xuống hỏa ngục hay sao? Tôi bèn kể cho ông câu chuyện mà tôi đã gặp: Trong thời gian học đại học ở Huế, ở phòng trọ kế bên có mấy anh quê Phù Mỹ, Bình Định cùng ở trọ, trong đó có một anh theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm, anh ta thường khuyên mấy anh bạn cùng phòng trọ gia nhập đạo Cơ Đốc Phục Lâm để lãnh phép Báp têm (Rửa tội) để sau khi chết được vào thiên đường. Mấy anh bạn mới hỏi vặn lại: Chúng tôi chịu phép Báp têm và sau khi chết được lên thiên đường , còn ông bà tổ tiên, cha mẹ anh em của chúng tôi thì sao? Anh bạn theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm trả lời: tất cả đều xuống hỏa ngục bởi vì chưa chịu phép Báp têm. Mấy anh kia mới nói: Vậy thì chúng tôi lên thiên đường làm gì cho buồn, ở hỏa ngục có người thân không vui hơn hay sao!

Sau khi kể xong câu chuyện, tôi mới nói với ông bạn vong niên: Thiên Chúa là đấng phán xét chí công và giàu lòng nhân ái, Thiên Chúa có muôn vàn cách để đưa những người sống ngay lành mà chưa lãnh bí tích rửa tội vào nước thiên đường. Trong Kinh Nguyện Thánh thể IV có câu: “ Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Ki tô, và tất cả mọi người quá cố, mà chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”.

Tôi đã nhấn mạnh câu: “ chỉ có một mình Chúa biết lòng tin của họ”. Ông bạn vong niên khi ấy mới nói: Như vậy mới đúng là Thiên Chúa.

Đạo Công Giáo là nguyên nhân để Việt Nam bị thực dân Pháp xâm chiếm.

Từng là đảng viên Đảng Cộng sản và là người có trình độ nên ông hiểu rõ học thuyết Mác- Lê nin. Trước khi quen biết với tôi , ông bạn vong niên không mấy thiện cảm với đạo Công Giáo, ông cho rằng: Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ là do đạo Công Giáo, nếu không có đạo Công Giáo truyền sang Việt Nam thì thực dân Pháp đâu có xâm chiếm Việt Nam.

Tôi mới đặt vấn đề với ông: Theo chủ nghĩa duy vật lịch sử thì Việt Nam mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu hay không tất yếu? Ông trả lời: tất yếu, bởi vì phương thức sản xuất sau tiến bộ sẽ thắng phương thức sản xuất lạc hậu cũ kỹ. Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam thì khi ấy, nền khoa học kỹ thuật của Pháp đã vượt quá xa Việt Nam. Tôi nhắc lại cho ông bài thơ : “Thuyền đề Gia Định” của cụ Phạm Phú Thứ ghi trong Tây trình nhật kí khi cụ và phái đoàn Phan Thanh Giản từ kinh đô Huế vào Sài Gòn để rồi sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Tích văn Thuận Hải quá Cần Hải/ Lãng bạc phong phàm lệ giáp thần/ Quái để!Nghịch phong thiên lí ngoại/ Hỏa thuyền tam nhật đáo Ngưu tân” (Xưa nghe cửa Thuận- Cần Giờ/ Thuyền buồm lướt sóng mười hai ngày trời/ Lạ! Nay gió ngược dặm khơi/ Ba ngày thuyền đã tới nơi Bến Thành – Quang Uyển dịch).

Tôi cũng đọc thêm cho ông bạn nghe đọan thơ của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn khi tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp từ kinh đô Huế vào Sài Gòn vào tháng tư năm Nhâm Tuất (1862) để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “ Ngày hai mươi bốn tháng tư/ Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu Ta/ hai bên mừng rỡ lại qua/ Cột dây dắt thẳng chạy ba đêm ngày/ Đến cửa Cần Giờ vào ngay/ Tàu đi như bắn khói bay nửa lừng/ Đến thành Gia Định tàu ngừng/ Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai”.

Cả linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn và quan đại thần Phạm Phú Thứ đều khiếp phục trước sức mạnh của hỏa thuyền (thuyền chạy bằng máy hơi nước) của Pháp. Lâu nay hành trình từ cửa biển Thuận An vào đến Gia Định của tàu buồm Việt Nam phải mất 12 ngày đêm (giáp thần= 12 ngày đêm) ,nhưng nay với hỏa thuyền của Pháp chỉ mất có ba ngày đêm mà thôi.

Trong Lời Tựa tác phẩm Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim đã viết: “…Những đình thần (quan lại thời vua Tự Đức- TG) thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa. Một phần vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc bảo hộ (xâm lược- TG) ngày nay”.

Ngoài lòng yêu nước chúng ta còn cần phải có nền kinh tế, quốc phòng hùng mạnh mới mong bảo vệ Tổ quốc khỏi họa ngoại xâm, chớ không thể lí luận: “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.

Yêu người dưới nhãn quan Công Giáo

Ông bạn vong niên của tôi tuy không quy y nhưng lại nghiên cứu kinh điển Phật giáo và hay giúp đỡ cho các nhà sư chùa Diên Thọ (dân trong vùng quen gọi là chùa Phật Học Diên Khánh). Để giới thiệu với ông về hành trình trở lại đạo Công Giáo của một con người sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo và có nhiều thành kiến chẳng mấy tốt đẹp về đạo Công Giáo, tôi đã cho ông mượn cuốn “Hồi kí Giáo sư Nguyễn Khắc Dương” (Giáo sư Nguyễn Khắc Dương là con của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, là em Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện). Sau khi đọc xong, ông ghi ở trang cuối cuốn Hồi kí: “ Phân tích ở trang 39- 40 là tuyệt vời”.

Trong Hồi kí ở trang 39 và 40 Giáo sư Nguyễn Khắc Dương đã phân tích sự khác nhau về yêu người giữa Công Giáo và Phật giáo: “Tôi xin lấy một ví dụ cho rõ: tôi được hân hạnh quen biết một vị sư mà tôi hết sức kính mến, đó là Thượng tọa Thích Mật Thể. Đứng về phương diện đạo đức luân lí, ngài là một bậc chân tu, đạo hạnh rất cao, có lẽ ít linh mục tu sĩ Công Giáo nào sánh kịp. Thế nhưng mỗi lần tiếp xúc với ngài, tôi tuy biết rằng ngài có thể liều cứu tôi, nhưng động thái (comportement) của ngài có cái gì lạnh nhạt. Tôi có cảm tưởng dù thương tôi hết sức, nhưng ngài thương tôi trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Và tôi xin vô lễ (vì tôi rất kính mến ngài) mà cả gan suy diễn rằng có lẽ ngài xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của tôi, thay vì vui mừng vì hiện hữu của tôi như một “ngã vị”. Và xin thú thật rằng: tôi rất tôn kính Đức Thích Ca, nhưng mỗi lần chiêm ngưỡng tượng Ngài điềm nhiên trên tòa sen, tôi vẫn có cảm tưởng như vậy. Tôi được chiếu rọi bởi ánh từ bi của Ngài, nhưng không có cảm tưởng được sưởi ấm cõi lòng bởi lửa yêu mến của Ngài”

Đối với Công Giáo, Giáo sư Nguyễn Khắc Dương nhận xét: “Trái lại , một linh mục, một tu sĩ, một giáo dân Công Giáo, dầu về mặt đạo hạnh theo nghĩa luân lí đạo đức, so với Thượng tọa Mật Thể dù còn thua xa, nhưng trong động thái thì có cái gì ấm áp hơn, có lẽ bắt nguồn từ Ngọn Lửa Yêu Mến mà Chúa Giê su đã tỏ ra qua Thánh Tâm Ngài đã bị lưỡi đòng đâm thủng. Mà cũng có lẽ vì vậy mà – theo một số bạn bè của tôi nhận xét thì – hình như phái nữ Công Giáo “đa tình” hơn. Có phải chăng là do từ tấm bé, chữ “Yêu” đã được nhập tâm và in sâu hình ảnh hai trái tim bị đau đớn vì YÊU: Trái tim Chúa Giê su và Trái tim Đức Mẹ Maria?”

Có đối thoại chân thành với nhau thì mới mong xóa đi những định kiến không tốt trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây I, Thị trấn Diên Khánh- Khánh Hòa
 
Văn Hóa
Tuần Thánh Trên Quê Hương Tôi
Jos. Vĩnh SA
01:38 26/03/2016
Chuyện phiếm hồi ký

Gia đình tôi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, định cư trong vùng Bắc Kỳ Công Giáo toàn tòng, cho nên hàng năm, nếu có bất kỳ ngày lễ trọng đại nào, là Hội Đồng Giáo Xứ lại tổ chức rước sách linh đình và diễn lại những hoạt cảnh đúng như các nghi thức phụng vụ trong kinh thánh của ngày lễ ấy, rất là rềnh rang. Đặc biệt nhất là các nghi thức trong Tuần Thánh, đã tạo cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ rất nhiều ấn tượng sâu đậm cho đến ngày nay.
Tôi xin được kể ra đây một vài nghi thức trong Tuần Thánh, mà giáo xứ của chúng tôi đã diễn thành những hoạt cảnh sống động, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Hồi đó vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Tiệc Ly và nghi thức Rửa Chân được cử hành. Ban Hành Giáo cắt cử 12 vị đại diện của các giáo họ và các đoàn thể làm tông đồ, thường là các ông từ 50 tuổi trở lên. Những giáo dân ở vào tuổi lưng mưng hay bậc trung niên thường bàn tán, chế diễu các cụ. Nào là cụ này chân thơm, cụ kia chân hôi.
Có một chàng thanh niên phát biểu một câu: “Tớ mà được làm tông đồ, tớ sẽ đi ra ruộng lội bùn, rồi đưa chân cho cha rửa mới đã”.
Nói chơi, thì nói như vậy thôi; Chứ tôi thấy bất cứ ai được đề cử làm tông đồ, cũng lo lắng tắm táp và rửa chân cho thật sạch, có khi rửa đến năm lần, bảy lượt trước khi đi lễ.
Ông quản Mừng ở kế bên nhà tôi, được Ban Hành Giáo đề cử làm tông đồ. Trước Chúa Nhật Lễ Lá, tôi nghe lén được, ông Mừng bắt bà nhà đi chợ, mua cho ông một lố xà bông hiệu Cô Ba. Bà Mừng nói: Cái ông ranh này, sao mà kỳ này lại dở chứng, cứ bắt mình phải đi mua xà bông cho bằng được, để làm cái gì? Mãi về sau có người mách lẻo, cho biết ông nhà được đề cử làm tông đồ. Bà Mừng mới té ngửa ra, là ông phải lo lắng rửa chân cho sạch để đi làm tông đồ. À! Thì ra là thế….Hồi đó xà bông nhãn hiệu Cô Ba có tiếng là thơm nhất miền Nam Việt Nam.
Đó quí vị thấy chưa? Hễ ai nhận việc gì trước công chúng, thì cũng phải lo lắng cho việc đó ngay!
Ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi thấy Ban Hành Giáo làm một chồng bánh dầy và một con chiên bự, nhìn giống như con chiên thật, trần trụi, được nặn bằng cơm nếp mật, sau đó người ta lấy từng cụm bông gòn gắn vào khắp mình, cho nó giống như một bộ lông xù trắng tinh, trông rất đẹp. Trên đầu con chiên có hai cái xừng làm bằng hai củ khoai mì dài. Con chiên này được dùng cho ngày lễ sát tế chiên vượt qua,
Trong lúc cử hành Thánh Lễ, khi đọc đến đoạn phúc âm Lễ Vượt Qua, thì một số người đã được cắt cử lên giết chiên, xẻ thịt ra ăn. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ phải ngồi vào chỗ đoàn thể Nghĩa Binh rất gần gian cung thánh, nên được chứng kiến rõ sự lạ này, chúng tôi cứ tủm tỉm cười. Có đứa cười to, đã bị ông bà quản quất cho mấy roi tre, đau quắn cả người.
Sau nghi thức rửa chân, là cuộc tung hoa rước Thánh Thể đến các nhà tạm được thiết kế thật lộng lẫy, dựng trên con đường kiệu chung quanh khuôn viên nhà thờ, với đèn đuốc sáng trưng.
Các giáo họ và các đoàn thể thứ tự phân chia, thay phiên chầu lượt suốt đêm.
Ngoài các giờ chầu, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau ra ngoài, tụm năm túm ba lại, nói chuyện đùa giỡn với nhau tới khuya vẫn chưa muốn về.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày phụng vụ dài nhất. Khoảng 1 giờ chiều, bố mẹ chúng tôi đã hối chúng tôi chuẩn bị đi đến nhà thờ, cách nhà tôi khỏang 2 cây số để tham dự chặng Thánh Giá.
Xin được lược qua vị trí Nhà Thờ của giáo xứ chúng tôi, để quí vị hiểu khái quát. Địa thế giáo xứ của chúng tôi năm dọc trên một nửa con kênh dài khoảng 6 cây số. Hai bên bờ kênh có hai con đường và nhà dân chúng ở kế ngay sát mặt đường, mổi nhà cách nhau khỏang 30 mét. Nhà thờ chính ờ giữa, hai nhà thờ nhỏ của hai giáo họ ở cách xa hai bên nhà thờ chính. Mỗi nhà thờ nhỏ cách nhà thờ chính xứ khỏang 2 cây số. Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ lớn, chúng tôi phải tập trung về nhà thờ chính. Chặng Đàng Thánh Giá mỗi năm phải đổi hướng đi đến một giáo họ khác, cho có sự phân chia công bằng giữa 2 giáo họ.
Ngày ăn chay thứ Sáu Tuần Thánh năm đó, ông Hịu ở khu tôi đóng vai thằng quỉ đi cám dỗ Chúa và dân thành. Người ta trang điểm cho ông giống hệt như thằng qủi, đầu thì đội cái mũ có gắn cặp sừng, mặt bôi lọ nồi đen bóng, ở trần, đóng khố, ông cầm cái đòng 3 chĩa vừa đi, vừa nhảy múa tưng tưng trước đoàn người, trông rất dữ tợn.
Vì đóng khố, nên trong lúc ông Hịu nhảy, cái khố lỏng ra, Củ Từ của ông cứ thập thò ra ngoài cái khố. Chúng tôi trông thấy nó, nên cười như nắc nẻ, ông thấy chúng tôi cười to, ông tưởng là mình diễn hay, nên càng nhảy hăng. Càng nhảy hăng, thì cái “Củ Từ” càng thập thò mạnh ra ngoài. Chúng tôi lại càng cười bạo. Chiều hôm đó, có người về mách bà Hịu. Tôi nghe nói, lúc ông về nhà, bị bà xã dũa cho một trận te tua. Ông Hịu có thằng con tên là Hiu học cùng lớp với tôi. Về sau mỗi khi đi học, chúng tôi hay trêu chọc nó, vì điển tích của bố nó. Chúng tôi đặt cho nó cái tên hỗn danh là “Hiu Củ Từ”.
Mỗi lần đi Chặng Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh, thì HĐGX cắt cử các đoàn thể sắp xếp và chuẩn bị đầy đủ các trang cụ sẵn sàng. Cha chủ sự, ca đoàn và ban chiêng, trống được xuống kênh, ngồi trên những chiếc xuồng, chèo theo đoàn rước và hướng dẫn đoàn rước, với hệ thống loa và âm thanh đem theo.
Ba hồi chiêng trống bắt đầu vang lên từ trên xuồng. Hoạt cảnh quan Phi La Tô xử án Chúa được diễn ra.
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và đoàn Thanh Niên cử các diễn viên đóng vai quân dữ và quan Phong-Xi- Ô-Philatô, hội Gia Trưởng chọn một ông thuộc họ nhà xứ làm diễn viên đóng vai Chúa Giêsu mặc áo đỏ, được quân dữ trói, điệu ra dinh quan trấn, nơi bậc thềm tam cấp trên cao ở cuối nhà thờ, dùng làm toà án. Một màn kịch ngắn xử án Chúa tại dinh quan Philatô. Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Quan truyền lệnh phải đóng đinh treo trên thập tự.
Kết thúc bản án, quân lính đội lên đầu cho Chúa một mạo gai tròn, làm bằng cành găng có gai.
Ca Đoàn bắt đầu cất hát bài Thánh Ca:
Lạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua,
Con đường nào Ngài ra pháp trường
Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài,
Xin cho con cùng chết Ngài, để được sống với Ngài trong vinh quang

Thì quân dữ bắt đầu dẫn Chúa xuống bậc thềm nhà thờ, rồi lôi kéo Chúa đi ra tới chỗ có cây Thánh Giá chặng thứ I đã được dựng sẵn. Các chặng đàng có cắm dấu thứ tự dọc trên con đường theo hai bên bờ kênh. Các ông đóng vai quân lính cho hạ cây Thánh Giá xuống, bắt Chúa Giêsu vác đi.
Cuộc vác thánh giá như thật được diễn tiến theo các bài đọc trong Kinh Thánh. Khi cha chủ sự và ban phụng vụ đi đò dưới kênh đọc và suy gẫm tới đâu, thì những diễn viên và giáo dân đi trên đường làm theo như vậy. Chặng đàng nào Chúa vác Thánh Giá bị té, thì diễn viễn cũng phải té theo. Đi trên đường, có cả diễn viễn đóng vai ông Simon, sớ rớ đến gần đấy coi, bị quân lính thộp cổ, đẩy vào vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu. Một nhóm các bà trong hội Các Bà Mẹ đóng vai dân thành Giêrusalem than khóc khi Chúa đi qua.
Nhiều người bên lương thờ ông bà, ở chung quanh làng, cũng kéo nhau ra xem. Lúc bấy giờ, chúng tôi cứ tưởng như mình là dân Do Thái đang đứng xem một cảnh xử án thật.
Tôi còn nhớ năm đó ông Chưởng thuộc họ nhà xứ đóng vai Chúa Giêsu. Vì phải đóng vai nhân vật chính quan trọng, nên vào trước lúc trưa hôm đó, ông Chưởng chuẩn bị cẩn thận, ăn uống no nê, để khi diễn xuất vác thánh giá trên đường dài không bị mệt và đỡ đói.
Muốn cho tinh thần thêm phấn chấn. Bố Chưởng nhà ta uống thêm 2 ly xây chừng rượu đế cho hăng tiết vịt và lên tinh thần. Tuần Thánh ở VN thường bắt đầu vào mùa hè nên rất nóng nẩy. Trên đường vác thập giá, ông Chưởng khát nước và xin nước uống lia chia, nhưng lại không dám đi xả.
Hôm đó, lúc đến chặng thánh giá cuối, ông Giêsu Chưởng bị quân Do Thái cột dây hai tay, hai chân và bụng.
Họ giả bộ đóng đinh ông, rồi treo ông lên trên Thánh Giá. Lúc đó ông Giêsu Chưởng khá thấm mệt và mặt mày hơi choáng váng, xanh lè.
Khi Thánh Giá vừa dựng, treo ông lên cao được chừng vài chục phút, thì ông cảm thấy khó chịu buồn nôn.
Trong lúc đó các bà đóng vai Mẹ Maria, Madalena và..v.v…đang kéo nhau, quì ôm chân thánh giá khóc than Chúa thảm thiết. Ông Chưởng không biết phải làm sao để kêu các bà tránh ra xa cho ông ói một cái. Ông cố nín, nhưng không được nữa, đành phải giả giọng Chúa Giêsu phán ra một câu thật lớn:
“Các con hãy giang xa ra, kẻo mọi sự khốn khó sẽ đổ trên đầu các con”
Các bà đang than khóc dưới chân Thánh Giá mùi mẫm, nghe thấy Chúa Giêsu Chưởng phán vậy, thì nghĩ rằng ông đang diễn theo lời Chúa, nên các bà lại càng hăng hái khóc to và đáp trả, lạy Thầy:
“Dù có phải chịu trăm ngàn sự khốn khó, chúng con vẫn ở bên Thầy”.
Ông Giêsu Chưởng không còn nín được nữa, choáng váng mặt mày, ông ói mửa và phun tùm lum xuống trên đầu các bà. Thế là các bà lãnh đủ một màn mưa, phun châu nhả ngọc của ông Chưởng với những thức ăn chua léc đầy đầu.
Các ông đóng vai quân Do Thái đứng gác gần đó, mặt mày đang hầm hầm sát khí, thấy vậy phải vội vã chạy lại hạ thánh giá, tháo đinh và gỡ dây cột cho ông Chưởng ngay tức khắc. Những giáo dân đang đứng chung quanh xem cũng tái mặt, rồi tức giận.
Ông Chưởng thoát khỏi cây thập tự, trốn về nhà biệt tăm. Từ đàng xa, có những bà tức quá nên phát biểu: “Đã biết mình đóng vai quan trọng như thế, mà còn nốc cho đẫy vào”.
Sau Chúa Nhật Phục Sinh ông Chưởng đã bị nhiều người nói này, nói kia. Cha Xứ phải lên tiếng trong nhà thờ, để dẹp tan dư luận. Những năm kế tiếp Ban Hành Giáo phải chọn người rất cẩn thận.
Xin được kể tiếp, đến phần cuối, kết thúc chặng đàng thánh giá là phần phụng vụ tháo đinh táng xác. Hội Đồng Giáo Xứ đã dựng sẵn Thánh Giá có tượng Chúa, được phủ màn tím, phía bên trong nơi cuối nhà thờ. Khi phụng vụ đọc đến đoạn sách tháo đinh thì các ông đóng vai: Thánh Giuse, Gioan, Nicôđêmô vác thang đến, leo lên tháo đinh, hạ xác Chúa xuống, đặt trên một cái bàn phủ khăn trắng. Trong khi tượng Chúa đang được tẩm liệm, thì 12 đạo tùy khiêng quan tài đến và họ đặt tượng Chúa vào trong quan tài, kiệu đám tang ra ngoài, đi chung quanh khuôn viên nhà thờ với giáo dân cầm đèn đuốc trên tay, thắp sáng trưng cả khu vực rước. Khi quan tài đi hết một vòng ngoài nhà thờ, thì được di chuyển vào bên trong thánh đường đến mồ huyệt đã làm sẵn, an táng Chúa trong đó. Nắp quan tài của Chúa được mở ra cho giáo dân chiêm ngắm và trốc quan tài phía dưới chân của Chúa cũng được mở ra để mọi người đến kính viếng và hôn chân.
Bên trong quan tài, người ta trải nẻ rang rất thơm, bằng bắp nổ trắng, đổ chung quanh xác Chúa và rất nhiều nẻ nơi phía chân Chúa đang nằm.
Trong mồ huyệt, hai bên quan tài có 2 chỗ cho nhóm các bà than hang đá, ngồi ngâm nga, hát ê! a! khóc than Chúa theo điệu hát quan họ Bắc Ninh. Bên kia quan tài là nhóm các ông trong hội Bát Âm, ngồi thổi kèn tàu, kéo đàn nhị và thổi sáo theo cung điệu than khóc của các bà, thật não nề, thảm thương. Giáo dân thứ tự sắp hàng, theo nhau lên hôn chân Chúa.
Lần đầu tiên, tôi hôn chân Chúa, mẹ tôi dắt tay tôi sắp hàng và đẩy tôi lên theo sau đoàn người. Tôi cảm thấy sợ sợ, nhưng khi tôi thấy chúng bạn cùng sắp hàng đi lên, tôi vững bụng đi lên theo. Khi đến gần, thấy chân Chúa có máu, tôi sợ, mếu máo khóc.
Mẹ tôi an ủi, bà nói: Có gì đâu mà sợ, chân Chúa bằng gỗ mà. Tôi vừa run, vừa hôn chân Chúa, Mẹ tôi chỉ cách cho tôi bốc nẻ.
Sau đó bà bốc cho tôi thêm hai nắm nữa, thế là tôi có thêm rất nhiều nẻ, vì tay Mẹ tôi to hơn tay tôi. Thấy bạn bè cùng trang lứa, đứa nào khi lên hôn chân Chúa cũng bốc được đầy 2 bàn tay nẻ, ra ngoài nhồm nhoằn đứng ăn khoái chí.
Khi hôn chân Chúa xong, tôi đi ra ngoài, có nẻ trên tay, tôi vui vẻ ăn hết, rồi bạo dạn làm màn U Turn sắp hàng theo bạn bè lên hôn chân Chúa tiếp, mục đích để bốc nẻ.
Lúc này tôi đã quen và mạnh dạn hơn, không cần mẹ tôi đẩy tôi lên nữa, mà tự tôi sắp hàng đi lên, giống như những đứa bé đạo đức khác.
Mấy năm sau tôi lớn khôn hơn. Cứ đến thứ Sáu Tuần Thánh thì bọn choai choai tụi tôi rủ nhau mặc áo dài đen, (còn gọi là áo chùng thâm) xếp hàng lên hôn chân Chúa để bốc nẻ. Thay vì những năm cũ tôi bốc nẻ, thì năm nay tôi hốt nẻ. Tức là tôi xếp hàng, đi vào gần đến sát quan tài Chúa, tôi nhanh chân quì xụp xuống theo kiểu ngồi chèo đò, lết vào sát chân Chúa, đưa vạt áo ra, phủ dài trên chân, rồi hai tay tôi đưa ra phía trước, lùa xuống phía dưới chân Chúa, vừa cào, vừa hốt nẻ vào vạt áo dài, nhanh tay túm lại rồi đi ra.
Người lớn, ai mà xếp hàng theo sau chúng tôi, thấy cũng đều phì cười, chẳng còn nguyện ngắm gì được nữa.
Có kẻ lén đi méc ông bà quản, họ rình chúng tôi lên hôn chân Chúa, thấy chúng tôi hốt nẻ. Ông bà quản bất ngờ thò cái roi dài ra, quất vào tay chúng tôi. Bọn tôi co giò, kéo nhau vọt chạy.
Hàng năm cứ vào tối thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi táng xác, giáo xứ của chúng tôi tổ chức thi ngắm đứng (còn gọi là ngắm nhân tài).
Các thí sinh khi lên ngắm đứng, phải mặc áo tang, thắt khăn bỏ giọt trắng trên đầu, thể hiện đúng cung cách, ngân nga cho đúng chỗ, bái qùi theo mỗi đoạn ngắm.
Ai bái sai, ngâm sai sẽ bị gõ mõ, trừ điểm.
Ai ngắm đúng sẽ được thưởng một hồi chiêng, trống và giải thưởng là một chồng bánh đa (bánh tráng) 10 cái, với 1 nải chuối sứ.
Giờ đây nghĩ lại! cũng thấy hay và vui! Vui! Thế vậy mà đã trên 50 năm đã trôi qua.

Jo. Vĩnh SA
 
Con vẫn còn hèn nhát
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:51 26/03/2016
CON VẪN CÒN HÈN NHÁT

Một chút cảm nhận về cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu

Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta…
Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người.
(Dt 9,12.28)

“Cowards die many times before their deaths;
The valiant never taste of death but once.
(William Shakespeare, Julius Caesar)
Tạm dịch : Kẻ hèn nhát chết (giả) nhiều lần trước khi chết thiệt.
Người can đảm chỉ chết một lần thôi (1)


Một lần Chúa đã chết,
Và chỉ một lần thôi.
Nhưng vĩnh viễn muôn đời,
Trỗ sinh ơn cứu độ.

Đồi Can-vê còn đó,
Chiều tím ngát không gian,
Máu và nước tuôn tràn,
Từ trái tim rộng mở.

Mối tình sâu nặng nợ,
Đền biết mấy cho cân,
Ta có chết vạn lần,
Nợ tình không trả nổi.

Con phận người tội lỗi,
Hèn nhát hơn Phêrô,
Yếu đuối thật vô bờ,
Biết bao lần ngã quỵ

Mỗi một lần đứng dậy,
Một dốc quyết trở về,
Từ giã cõi u mê,
Bước đi trong ánh sáng.

Qua bao mùa năm tháng,
Chúa dẫn lối con đi,
Bao ân thánh diệu kỳ,
Theo con từng lối bước.

Con vẫn con hèn nhát,
Chưa chết hẵn một lần,
Xin tiếp tục đỡ nâng,
Thương dìu con bước tiếp.

Giuse Trương Đình Hiền

Lời của nhân vật Julius Caesar trong tác phẩm cùng tên của đại thi hào William Shakespeare
 
Mộ Chúa Giêsu trong Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh sẽ được trùng tu
Vũ Văn An
19:20 26/03/2016
Các nhà lãnh đạo Công Giáo, Chính Thống Hy Lạp và Tông Truyền Ácmêni vừa thông báo: mộ Chúa Giêsu tại Nhà Thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem sẽ được trùng tu nội trong năm tới.

Nhà thờ hiện nay, được xây dựng sau một vụ cháy, đã có từ năm 1810. Các kiến trúc sư vốn cảnh cáo rằng sự hư hại về cấu trúc làm cho cả tòa nhà lâm vào thế nguy hiểm. Sự cô đọng từ hơi thở của khách hành hương đã khiến vữa của tòa nhà bị biến đổi và việc sử dụng nến trong tòa nhà đã gây áp lực nhiệt lên các đá hoa cương. Đó là lời tuyên bố của Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh thuộc Dòng Phanxicô.
Ngôi một bằng đá hoa cương sẽ được gỡ từng phiến, và chỉ những phiến hư hại mới được thay thế mà thôi. Khách hành hương vẫn được viếng nhà thờ suốt trong thời gian sửa chữa này.

Chính phủ Hy Lạp sẽ giúp ngân khoản trùng tu lần này với sự đóng góp của các hệ phái Kitô Giáo có nhiệm vụ trông coi Đền Thánh.

Các việc trùng tu Nhà Thờ Mộ Thánh đã bị đình hoãn trong nhiều năm vì các tranh chấp giữa các nhóm có nhiệm vụ trông coi nó. Theo qui định do Đế Quốc Ottoman đưa ra năm 1853, dưới danh xưng Status Quo (Nguyên Trạng), việc quản trị tòa nhà là của chung các giáo sĩ Chính Thống Hy Lạp, Chính Thống Ácmêni, và Công Giáo Rôma, và một số hệ phái Kitô Giáo khác có quyền lui tới một số phần trong nhà thờ. Dù Nguyên Trạng có cung cấp nhiều điều khoản chi tiết qui định các quyền của mỗi nhóm, “nhiều cuộc tranh chấp đất đai giữa những người hàng xóm” (turf battles) vẫn thường diễn ra, đôi lúc dẫn tới bạo lực thể lý giữa các tu sĩ thuộc các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Để tránh các cuộc xung đột này, Nguyên Trạng qui định rằng: chìa khóa của chiếc cửa duy nhất của nhà thờ được trao cho một gia đình Hồi Giáo ở Giêrusalem giữ.

Chuyện lạ

Theo Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh thuộc Dòng Phanxicô, thì ngày 22 tháng Ba này, khách hành hương Mộ Chúa hẳn ngạc nhiên trước buổi lễ lạ: các tu sĩ Chính Thống Giáo Hy Lạp, Ácmêni và Dòng Phanxicô cùng tụ tập nhau để làm phép một giàn giáo!

Các Giáo Hội tại Đất Thánh, các cơ quan trông coi Nhà Thờ Phục Sinh, đã làm việc bí mật trong nhiều tháng qua để thực hiện các khảo cứu khả thi nhằm trùng tu mộ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, điều không bí mật chút nào là ngôi mộ này đang ở trong tình trạng hư hại nặng nề.
Việc làm này và các tham khảo xưa nay đã đem lại hội nghị đầu tháng Ba này tại Athens được nhiều bộ trưởng của chính phủ Hy Lạp, Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp của Athens và Giêrusalem, Theophilos II, Vị Trông Coi Đất Thánh, Pierbattista Pizzaballa, và Thượng Phụ Ácmêni, Nourhan Manougian, cũng như hàng trăm quan khách khác tham dự.

Tại hội nghị trên, Giáo Sư Antonia Moropoulou, thuộc Trường Kỹ Sư Hóa Học của Đại Học Kỹ Thuật Quốc Gia Athens, trình bầy kết quả cuộc nghiên cứu mà bà vốn thực hiện về tình trạng của tòa kiến trúc. Bà đã được sự giúp đỡ của một số khoa học gia Hy Lạp khác vì đây là một cuộc nghiên cứu đa khoa.

Giáo Sư Moropoulou cho biết các thiếu sót cấu trúc của tòa nhà từ chính lúc xây dựng. Nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng một số nhân tố hiện thời cũng góp phần vào việc làm suy yếu cấu trúc. Một trong các nhân tố này là số lượng người đáng kể tới hành hương và viếng thăm ngôi vương cung thánh đường.

Nguyên nhân chính khiến cho các phiến hoa cương làm méo mó lẫn nhau là việc biến chất của vữa. Điều này do việc tăng hơi ẩm từ hơi thở của các khách thăm viếng. Thêm vào đó, nghiên cứu nhiệt ký (thermographic) phía nam Đền Thánh cho thấy việc đốt nến hàng giờ, chỉ cách cấu trúc chừng vài phân, nếu không đụng tới chính Đền Thánh, thì cũng tạo nhiều áp lực nhiệt lên đá hoa cương. Hơn nữa, khói của nến không những tích tụ chất đen và chất dầu làm hư đá hoa cương, mà còn tạo điều kiện cho phản ứng lý hóa làm nhanh diễn trình oxy hóa và hư hao bề mặt của cấu trúc.

Do đó, các giàn giáo phải lập tức được dựng lên. Việc này sẽ bắt đầu sau các cử hành Phục Sinh của Công Giáo và ngay sau các ngày lễ nghỉ của Chính Thống Giáo. Việc trùng tu sẽ bắt đầu sau đó vài ba tuần. Ước tính phải kéo dài ít nhất 8 tháng, muộn nhất phải hoàn thành vào đầu năm 2017, tức 70 năm sau ngày người Anh dựng khung sắt xây Đền Thánh. Mọi công việc sẽ được lên tài liệu từ từ bởi 30 giáo sư thuộc các phân khoa khác nhau của Đại Học Kỹ Thuật Quốc Gia Athens. Cả các chuyên viên Công Giáo và Ácmêni cũng sẽ tham gia công trình này.

Trong thời gian trên, nơi thánh vẫn sẽ mở cửa cho tín hữu tới thờ phượng và tôn kính.

Thỏa thuận giữa các Giáo Hội là tiến hành một cuộc trùng tu vừa phải. Do đó, Đền Thánh sẽ được tháo gỡ rồi tái thiết y như cũ. Chỉ những phần nào quá yếu ớt hay hư hại mới được thay thế. Phiến đá hoa cương nào còn có thể duy trì sẽ được lau chùi và cấu trúc chống đỡ nó sẽ được tăng cường.

Dự án này được tài trợ bởi ba hệ phái Kitô Giáo chính đang trông coi Mộ Thánh: Chính Thống Hy Lạp, Dòng Phanxicô và Người Ácmêni. Chính Phủ Hy Lạp cũng sẽ chính thức tài trợ dự án, cũng như một số ân nhân tư.Thêm vào đó, Qũy Đền Đài Thế Giới cũng tỏ ý muốn đóng góp.

Đền Thánh đã được 206 năm

Được xây năm 1809-1810, sau trận hỏa hoạn lớn năm 1808 phá hoại trọn tòa nhà, Đền Thánh xây theo kiểu Baroque của Ottoman, mau chóng có những dấu hiệu dễ hư hỏng. Cho tới năm 1868, mái vòm của nhà tròn chỉ che chở nó một phần khỏi thời tiết vì ở đó có con mắt (oculus) để trống ở trên đỉnh. Tuy nhiên, vấn đề chính là Đền Thánh bắt đầu lún vì chính sức nặng của nó.

Thực ra, một phần cũng do lỗi trong thiết kế của kiến trúc sư lúc ấy là Nikolaos Komnenos: ông ta muốn duy trì các vết tích của các đền thánh trước đó. Chính vì thế, các phiến hoa cương đã được đặt lên những bức tường có sẵn. Martin Biddle, trong cuốn “The Tomb of Christ” (Mộ Chúa, xuất bản năm 1999), cho rằng đó là xây dựng theo lối bóc hành (onion-peeling thing). Xây dựng kiểu này càng tệ hại hơn sau trận động đất mạnh hồi tháng Bẩy năm 1927. Tuy nhiên, ngôi vương cung thánh đường đã sống thoát độ chấn động cao của trận động đất này (6.2 độ Richter). Chỉ có mái vòm phía trên Ca Đoàn Hy Lạp là bị hư hại nặng mà thôi.

Từ ngày Palestine bị người Anh đô hộ, các kỹ sư của Bộ Công Chánh đã buộc các nhà chức trách tôn giáo phải thực hiện một cuộc thanh tra. Các kết luận của cuộc điều tra này không khuyến cáo phải đại tu vương cung thánh đường. Tuy nhiên, cuộc khảo sát ngôi mộ do họ thực hiện xác nhận rằng cấu trúc của nó quả có bao bọc những phần còn lại của kiến trúc trước đó.

Tuy nhiên, lúc ấy, các Giáo Hội đã không làm sao đạt được một thỏa hiệp thỏa đáng. Thời tiết và các hoạt động địa chấn sau đó, nhất là trong năm 1934, liên tiếp gây hư hại từ từ cho toà kiến trúc. Nhà thờ lớn nhất của thế giới Kitô Giáo đã trở thành một rừng giàn giáo để nâng đỡ các bức tường mỏng manh của nó. Người Hy Lạp và các tu sĩ Phanxicô, nhân danh Giáo Hội La Tinh và Giáo Hội Ácmêni, đã tiến hành một số tu sửa nhưng không đụng gì tới chính ngôi mộ.

Nhưng tháng Ba năm 1947, người Anh đã dùng các đà bằng thép chống đỡ khắp chung quanh Đền Thánh. Ngày nay, trên các đà này, người ta còn đọc được hàng chữ “Bengal Steel Company” (Công Ty Thép Bengal). Họ đã không có thì giờ đi tìm sự ủng hộ của các Giáo Hội trong dự án trùng tu này. Vì sự ủy trị (mandate) của họ chấm dứt vào tháng Năm, năm 1948.

Năm 1959, ba hệ phái Kitô Giáo chính là Chính Thống Hy Lạp, Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Ácmêni tức các Giáo Hội vốn đã cùng hiện diện trong Vương Cung Thánh Đường Phục Sinh, đã nhất trí tiến hành một dự án đại tu. Mỗi Giáo Hội đảm nhiệm một số việc lớn trong khu vực dành riêng của họ, còn đại tu mái vòm và nhà vòm thì tất cả các Giáo Hội hợp tác với nhau. Công việc này kết thúc năm 1996, nhưng ngôi mộ thì chưa được đụng tới và tiếp tục trong trạng thái hư nát.

Đó là việc nằm trong dự án hiện nay.

Nhiều đền thánh đã được thiết lập trong quá khứ

Mộ Chúa Giêsu được đào ở một sườn đồi, trong một hầm đá chưa ai sử dụng. Nhưng vườn phục sinh và ngôi mộ, năm 135, đã bị chôn vùi bên dưới ngôi đền do Hoàng Đế Hadrian cho dựng. Đến khoảng năm 324, Hoàng Đế Constantinô yêu cầu Đức Giám Mục Macarius của Giêrusalem đi tỉm ngôi mộ của Chúa Kitô và xây một vương cung thánh đường ở đấy. Đó là nhà thờ Mộ Thánh đầu tiên.

Người ta đã đào chung quanh phòng nơi xác Chúa Giêsu đã được chôn để có nhiều chỗ trống. Tảng đá nguyên khởi đã được tìm thấy cùng với đá hoa cương và nhiều đồ trang trí của Hoàng Đế Constantinô. Đó là đền thánh đầu tiên.

Bị hư hại một phần do người Ba Tư gây ra năm 614, rồi bị cướp phá và san bằng năm 1009, ngôi mộ đã được thay thế bằng một đền thánh kiểu Romanesque khoảng năm 1014, theo lệnh của Al-Hakim bi-Amr Allah, được các Kitô hữu biết dưới tên Hakim Khờ.

Nhưng rồi đền thánh này lại có nhiều dấu hiệu suy yếu, cũng những nhân tố như cũ đã gây ra cùng những hiệu quả: thời tiết xấu, hoả hoạn và cướp bóc, nên tới năm 1555, nó được thay thế bằng một kiến trúc giống như kiến trúc trước đó nhưng với nhiều ảnh hưởng của Gôtích. Đây là đền thánh được dựng bởi vị Trông Coi Đền Thờ tên là Boniface thành Ragusa. Cho tới lúc đền thánh này bị hủy hoại bởi trận hỏa hoạn năm 1808 và được thay thế bằng đền thánh hiện còn tồn tại ngày nay.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Quang Từ Trời
Nguyễn Đức Cung
09:32 26/03/2016
ÁNH QUANG TỪ TRỜI
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Chúa đã phục sinh !! Alleluia !!!
 
Thánh Ca
Chúa Sống Lại Rồi - Trình bày: Ca Sĩ Như Mai
VietCatholic Network
21:58 26/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây