Ngày 13-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:56 13/05/2025

124. Ngoại trừ anh phải nổ lực tìm kiếm các loại đức hạnh và luôn thực hành nó, bằng không thì mức độ tu đức của anh dù rất cao thì cũng sẽ thấp đi một phần.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 13/05/2025
40. MẶT TRỜI KHÔNG VUÔNG

Người nọ không biết chữ nhật (日) (1), có người dạy ông ta:

- “Chữ khẩu (口 ) viết dài một chút, ở giữa gạch một vạch ngang.”

Người ấy bèn viết xuống, nhìn rất lâu rồi la lớn:

- “Anh quá trêu tôi, anh coi, hình mặt trời thì tròn tròn, từ trước đến nay làm gì mặt trời hình vuông?”

Người dạy chữ nói:

- “Đây đúng là chữ nhật, tôi thật không trêu đùa anh.”

Người ấy lại nhìn rất lâu, đột nhiên hào hứng nói:

- “Nhìn kỹ chút xíu thì rõ ràng là giống cái hộp, nó nhất định là chữ “hộp”.

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 40:

Viết chữ “nhật日” hình chữ nhật có gạch ngang ở giữa, hay vẽ hình tròn có một gạch ngang ngắn ở giữa thì đều là chữ “nhật” như nhau, có điều chữ nhật hình chữ nhật thì kiểu viết kinh điển, kiểu viết hình tròn thì là kiểu viết láu mà thôi, chứ nó không thể là giống cái hộp được.

Có một vài người Ki-tô hữu cho rằng: lần chuỗi Mân Côi thì quan trọng hơn thánh lễ, nên họ đi lễ mà miệng cứ lần hạt Mân Côi trong khi linh mục chủ tế đang truyền phép bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, họ không hiểu rằng tất cả những việc đạo đức mà người Ki-tô hữu thực hành trong cuộc sống, đều bắt đầu từ thánh lễ Mi-sa hằng ngày trên bàn thờ, bởi vì nếu không có việc Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thánh giá và sống lại, thì tất cả mọi việc đạo đức của người Ki-tô hữu sẽ trở thành những cái phèng la rỗng tuếch mà thôi, và quan trọng hơn là: không có một việc đạo đức nào của người Ki-tô hữu như lần chuỗi Mân Côi, lần chuỗi Lòng Thương Xót hay đọc thánh kinh, hoặc đọc kinh nhật tụng.v.v...mà thay thế được thánh lễ Mi-sa.

Chữ “nhật日” có nghĩa là ngày và cũng có nghĩa là mặt trời, mặt trời tròn tròn hay vuông vuông thì không quan trọng, cái quan trọng là nó chiếu ánh sáng làm cho vũ trụ xinh tươi đẹp đẽ...

Thánh lễ trên bàn thờ lớn hay bàn thờ nhỏ, bàn thờ đẹp hay bàn thờ xấu đều không quan trọng, cái quan trọng là Đức Chúa Giê-su –Mặt Trời Công Chính- đang hiện diện thật sự trong hình bánh và rượu trên bàn thờ sau khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép, chính mặt trời ấy sẽ chiếu rọi vào các việc đạo đức mà chúng ta làm vì danh Ngài, để mưu ích cho phần rỗi của mình và cho tha nhân...

(1) Chữ “nhật 日” nghĩa là “ngày”, cũng có nghĩa là mặt trời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Thật tuyệt vời cái giới răn
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:29 13/05/2025
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM C : GA 13,31-33a.34-35

31Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33a“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. 34Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”.


THẬT TUYỆT VỜI CÁI GIỚI RĂN…

Ngày nọ, một Linh mục nghe một thanh niên 16 tuổi nói với mình : “Thật tuyệt vời cái tôn giáo chỉ đòi hỏi một chuyện là yêu mến. Đức Giê-su thật tuyệt vời khi cho chúng ta một giới răn duy nhất là mến yêu !” Một thoáng im lặng rồi cậu dán mắt vào vị Linh mục : “Phần cha, cha có thực hành giới răn của Đức Giê-su không?” Vị Linh mục đã trả lời như mọi Ki-tô hữu, nếu không khó chịu, có lẽ sẽ trả lời : “Tôi đang cố gắng !”

1. Yêu thương như Thầy

Đúng thế, lòng yêu mến gần như làm nên linh hồn, ý lực cho các diễn từ thời danh của Đức Giê-su trong bữa Tiệc ly được Gio-an ghi chép và được đoản văn Tin Mừng hôm nay lấy lại. Ngỏ lời với môn đệ, Đức Giê-su đề nghị với họ “giới răn mới của Người.” Nó “mới” vì là điều khoản căn bản và độc nhất của “giao ước mới” đã được Giê-rê-mi-a loan báo (31,21-34) và được cuộc Vượt qua của Đức Ki-tô khai mạc.

Đó là một tình yêu hỗ tương (“yêu nhau”) nhờ đó không ai ở trên người khác và tất cả đều cần tình thương của tha nhân. Đó là một tình yêu nghịch lý, ngược đời : thôi yêu người thân cận như chính mình, như Cựu Ước đã dạy (x. Lv19,18) và chính Đức Giê-su cũng đã dạy (x. Mt 22,39), nhưng yêu thương “như Thầy đã yêu thương anh em”, với chính sự hiến thân toàn diện và vô biên (đến độ hiến mạng) của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.

Nhiều kẻ coi chữ “như” này tựa một liên từ so sánh : các môn đệ được kêu gọi bắt chước lối xử thế của Thầy mình. Thật ra, không chỉ biểu thị sự so sánh, liên từ đó còn biểu thị nguồn gốc của tình yêu mà Đức Giê-su đòi hỏi nơi các môn đệ. Thành ra có thể diễn dịch : “Anh em hay yêu thương nhau… vì Thầy đã yêu thương anh em, để anh em yêu thương nhau như Thầy” hoặc “Anh em hãy yêu thương nhau bằng tình yêu mà Thầy đã dùng để yêu thương anh em.” Nghĩa là “tình yêu của Chúa Con đối với các môn đệ làm phát sinh lòng bác ái nơi các môn đệ. Chính tình yêu của Người lưu chuyển đến họ, làm cho họ yêu mến anh em và được anh em yêu mến. Tình yêu của Đức Giê-su triển nở nơi các tín hữu mang dấu ấn tình yêu Chúa Cha” (x. Léon Dufour).

Cuối cùng, đó là tình yêu phải trở nên tấm thẻ độc nhất cho biết mình thuộc về cộng đoàn của Đức Ki-tô, trở nên bằng chứng sống động nhất cho thấy ta đã tin vào Người. Chính vì thế mà chân dung đẹp nhất của Giáo Hội mọi thời là chân dung được Lu-ca vẽ ra trong sách Công vụ : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (4,32).

Và như để minh họa cho giáo huấn tối hậu ấy trong giờ phút tối hậu ấy, có hai nhân vật và hai câu nói hết sức thảng thốt của Đức Giê-su : “Một kẻ trong anh em sẽ nộp Thầy !” Và “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba phen.” Hai thảm kịch này của tình bạn, của tình yêu làm sáng lên những gì Đức Giê-su vừa dạy cho cả nhóm. Giu-đa đã lao vào đêm tối (“ra khỏi phòng tiệc ly”) và y sẽ không thể trồi lên lại. Thất bại trong âm mưu đẩy Thầy tới chỗ dùng sức mạnh để tự cứu và rồi phát động một cuộc cách mạng bạo lực thay vì cách mạng tình thương, y sẽ lâm vào thất vọng đến độ tự sát, trở nên hình ảnh khủng khiếp của tuyệt vọng : tất cả chấm dứt với tôi rồi. Phê-rô cũng sẽ lường được lỗi lầm của mình, nhưng ông sẽ vẫn ở lại trong tình yêu. Ông chắc chắn mình còn được yêu mến và còn có thể yêu mến. Chính cái “còn” này giúp ông không chìm đắm vào thất vọng, như thánh ca Mùa chay hay nhất hát lên : “Không đêm tối nào mà chẳng hy vọng ánh sáng. Không gì chấm dứt với Thiên Chúa cả.”

Khi nghĩ rằng Thiên Chúa không thể tha thứ cho mình, chúng ta trở thành Giu-đa. Đang khi chúng ta luôn có thể trở thành Phê-rô và nghe được lời làm cho chúng ta sống lại : “Con có yêu mến Thầy không?” Chính cái đó mới đáng kể : “Con có yêu mến Thầy không?”

2. Yêu thương ngay cả…

Nghe những giáo huấn ấy, nhìn những tấm gương ấy, những tấm gương còn kéo dài qua lịch sử Giáo Hội, trong đời sống các Ki-tô hữu đích thực, thậm chí trong đời sống của biết bao người lành ngoại đạo, tất cả chúng ta có lẽ đều nuôi dưỡng ước mơ thầm kín là một ngày nào đó, rốt cục chúng ta sẽ thật sự đặt cược đời mình trên tình huynh đệ. Ta sẽ yêu thương ngay cả X… đúng như bản chất anh ấy, ngay cả Y… sau những gì chị ấy đã làm cho ta. Chúng ta cảm thấy rõ ràng chọn lựa của tình yêu là như thế, không chùn lại khi điều đó trở nên khó khăn. Đi cho đến cùng một chọn lựa cứng rắn : bằng bất cứ giá nào, tôi vẫn muốn yêu thương, tôi sẽ chẳng để cho quyết định thương yêu của mình cao bay xa chạy.

Chúng ta sẽ chẳng luôn luôn đạt tới đó, nhưng có thể đạt tới chỗ chẳng bao giờ cho mình những lý do để bỏ cuộc, chẳng bao giờ quyết định rằng trong một hoàn cảnh nào đó, đối với một ai đó, chúng ta không có bổn phận yêu thương. Chính tính vô điều kiện ấy của tình yêu xét như quy luật sống tuyệt đối bất khả xâm phạm mới biến ta thành Ki-tô hữu : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.” Ở điểm duy nhất này. Không có ba mươi sáu điểm, không có hàng trăm điểm !

Đúng ! Cho tới khi xảy ra với X… hay với Y… một cái gì đó khiến chúng ta nói : “Đến đây thì không thể yêu thương nổi, Thiên Chúa đâu có đòi hỏi tôi một chuyện như vậy.” Người đòi hỏi đấy ! Nếu chúng ta chẳng tin rằng mình là những kẻ được gọi là làm điều không thể, thì hãy khép sách Tin Mừng lại đi ! Bí quyết lớn lao của Tin Mừng, đó chẳng phải là dạy ta “hãy yêu thương”, nhưng là bảo rằng ta có thể làm điều ấy vì ta là những kẻ đã được cứu chuộc. Được cứu chuộc bởi Đức Giê-su Ki-tô, điểu đó muốn nói ta có thể yêu thương như Người : “Với Đấng đã chiến thắng sự chết, bạn có thể làm những điều bất khả” (Chiara Lubich). Và thành thử là yêu thương ngay cả X… ngay cả Y… Thay vì lải nhải : “Chúng ta hãy yêu thương nhau”, hãy dám can đảm đương đầu với khó khăn hiện thời của mình : “Tại sao tôi đang căm ghét X…, oán hận Y…?”

Chúng ta biết rõ mình đôi khi có những lý do mạnh mẽ để bỏ rơi hay căm ghét một ai đó. Nhưng chọn lựa yêu thương của ta phải đi đến chỗ điên rồ cuối cùng, điên rồ lớn nhất của Tin Mừng : yêu thương ngay cả trong một cuộc tranh chấp, đi đến chỗ chẳng nói xấu chút nào kẻ thù của ta, không cầu mong điều dữ song là điều lành cho đương sự, cho dẫu phải chống lại đương sự.

Vì không có chuyện chạy trốn trước một xung đột khả dĩ. Các Ki-tô hữu chẳng chống lại gì trong thế giới chúng ta như hiện thời đều là những kẻ ích kỷ và có lẽ là những kẻ hèn nhát, chứ chẳng phải là môn đệ của Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi yêu thương trong các cuộc xung đột và điều đó có thể dẫn tới chỗ gây ra một xung đột nhân danh công lý, vì công lý là một trong những khuôn mặt cao cả của tình yêu. Bác ái không thể định nghĩa được bằng ngôn từ “cảm tính” hay “sủng mộ.” Oliver Clément viết : bác ái “đâu phải là đường, nó là muối !” Ngôn từ của bác ái “không bạc nhược, nhưng dũng cảm.” Bác ái đích thật không tránh né bạo lực, mà là chuyển đổi nó thành việc tranh đấu trong cuộc sống, là tạo lập Công bình và bênh vực Sự thật. Trước những áp bức bạo hành đang nhan nhản, những dối trá lừa lọc đang tung hoành, những bất công kỳ thị đang giáng xuống những kẻ yếu thế, Ki-tô hữu không thể nhân danh bác ái để chỉ nở nụ cười xuề xòa, đưa bàn tay thỏa hiệp, giữ im lặng đồng lõa, nói những ngôn từ hết sức mang tính “ngoại giao.” Họ phải lên tiếng và hành động giải thoát các nạn nhân để đồng thời giải cứu các đao phủ !

Chúng ta cũng được mời gọi yêu thương những kẻ lắm chuyện, hay gây phiền nhiễu, những kẻ chúng ta phê phán là không thể chịu nổi và đó có lẽ là thật, nhưng điều ấy chẳng xóa bỏ yêu cầu của Đức Giê-su : Hãy yêu thương ! Chính trên yêu cầu này mà trong vài lúc nào đó chúng ta định đoạt cuộc đời chúng ta. Nếu ai đó, đọc thấy điều này, hiểu rằng mình được yêu cầu làm một bước kinh khủng, hết sức điên rồ, đương sự hãy cầu nguyện và tiến tới, lê mình tới : đương sự sẽ chẳng bao giờ gần gũi Đức Ki-tô như vậy đâu.
 
Ngày 14/05: Anh em hãy yêu thương nhau – Kính Thánh Mátthia TĐ – Thầy Vincent Nguyễn Quốc Triệu, MSC
Giáo Hội Năm Châu
17:01 13/05/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

Đó là lời Chúa
 
Thương và chọn
Lm Minh Anh
17:23 13/05/2025
‘THƯƠNG’, ‘CHỌN’
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em!”.

“Mỗi khi thất vọng, tôi để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về Jamie, một bé gái luôn mơ có một vai diễn trong vở kịch của ngày bế giảng. Vào buổi ban tổ chức tuyên bố các vai, tôi theo mẹ Jamie đến trường. Từ xa, Jamie hớt hơ hớt hải chạy về phía mẹ, bộc lộ niềm vui chực vỡ oà. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những lời mà tôi vẫn giữ mãi trong ký ức, “Mẹ ơi! Con được chọn làm người vỗ tay!”” - Maya Angelou.

Kính thưa Anh Chị em,

Việc thánh Matthia Giáo Hội mừng kính hôm nay được chọn - không phải để làm người vỗ tay, nhưng làm tông đồ, thế chỗ Giuđa - cho thấy quyền năng và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa một khi Ngài ‘thương’ và ‘chọn’ một ai.

Chúa thương ai, Ngài chọn kẻ ấy, chọn cách tự do; chẳng hỏi ai, không bàn bạc với ai. Một Abraham, một Giacob, một Môsê, một Đavít, một Giuse, một Maria, một Phêrô, một Phanxicô; hoặc gần gũi hơn cả, một Lêô hay một Matthia - người trúng thăm. Đừng quên, đây là công việc của Chúa Thánh Thần! Tất cả họ là những con người xem ra ‘nhỏ’ được mời tham gia một kế hoạch ‘lớn’ - cứu độ nhân loại - cứu độ đời đời. Đó là những con người ‘đủ yếu’ vốn sẽ trở thành những ‘người khổng lồ’ của Chúa. Chúa chọn ai, không vì người đó xứng đáng, nhưng vì người đó đáng được xót thương! “Xót thương và Tuyển chọn!” - khẩu hiệu của Đức Phanxicô.

Matthia hẳn rất hạnh phúc khi được ‘thương’, ‘chọn’ làm tông đồ dù có người cho rằng, ông chỉ là tông đồ hạng hai. Nhưng, nếu điều kiện “Phải là người đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta”; “Cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” thì Matthia đã đạt tiêu chuẩn đó. Matthia không bỏ đi vì Lời chói tai, cũng không quay lưng với nhóm mười một khi Thầy mất. Người môn đệ này không ưa xuất hiện nhưng lặng lẽ lẩn quẩn bên Nhóm Mười Hai đến nỗi có tài liệu nói, Chúa Giêsu coi ông như các môn đệ khác, những bạn nghĩa thiết - Tin Mừng hôm nay. Dẫu vậy, Matthia vẫn không có trong danh sách Nhóm Mười Hai!

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, không có gì là may, chẳng có gì là rủi; không ai hạng hai, chẳng ai hạng ba; không quan trọng khi anh đạo gốc, chị đạo dòng, tôi là dự tòng. Không ít anh chị em tân tòng sống Tin Mừng tuyệt vời hơn chúng ta - giữ đạo ‘dòng dòng’ sao? Mọi người đều bình đẳng và Thiên Chúa thật quyền năng, tự do. Gioan XXIII có một kinh nghiệm ‘thương’, ‘chọn’ tương tự, “Lúc được bầu làm Giáo Hoàng, tôi luôn lo lắng và sợ hãi. Một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một lời nói với mình, ‘Roncalli, đừng xem mình quan trọng!’. Tôi đem áp dụng câu nói ấy; và từ dạo đó, tôi ăn ngon ngủ yên như khi chưa được chọn để dẫn dắt Giáo Hội toàn cầu!”.

Anh Chị em,

“Mẹ ơi, con được chọn làm người vỗ tay!”, “Roncalli, đừng xem mình quan trọng!” được tìm thấy nơi Chúa Giêsu. Ngài đã hạ mình tận chỗ rốt hết và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài. Khiêm nhượng ví tựa chỗ trũng khi so với tính tự tôn như một ngọn đồi vừa đầy đá vừa cheo leo. Nước luôn tìm chỗ thấp như ân sủng Chúa luôn tưới đẫm kẻ rốt hèn. Khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận bao mưa hồng ân vốn không ở lâu trên những chỏm cao; trái lại, chảy xuống và đọng dưới chân đồi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hạnh phúc thay, con đang ở chỗ trũng; và đang hứng thật nhiều!”, Amen.


(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quá khứ phản văn hóa đương thời của Đức Giáo Hoàng Leo XIV và manh mối cho tương lai
Vũ Văn An
14:41 13/05/2025

Quá khứ phản văn hóa đương thời của Đức Giáo Hoàng Leo XIV và manh mối cho tương lai
Một cuộc phỏng vấn năm 2012 đã dẫn đến cuộc tranh cãi đầu tiên về triều đại giáo hoàng mới như thế nào.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV chào đón các tín đồ tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 8 tháng 5 năm 2025 trong trang phục truyền thống của một giáo hoàng mới, một chiếc mũ trắng, một mozzetta đỏ và một chiếc khăn choàng trên một chiếc áo choàng trắng và


Francis X. Rocca (*), trên National Catholic Register, ngày 10 tháng 5 năm 2025, viếtt rằng: Kể từ khi mật nghị bầu Hồng Y Robert Francis Prevost vào ngày 8 tháng 5, nhiều người đã theo dõi sát sao để tìm manh mối về cách Đức Giáo Hoàng Leo XIV sẽ đi theo hay rời khỏi con đường mà người tiền nhiệm quá cố của ngài đã vạch ra. Những người quan sát đã lưu ý đến việc ngài chọn một danh hiệu giáo hoàng truyền thống và quyết định mặc chiếc áo choàng đỏ gọi là mozzetta trong lần xuất hiện đầu tiên trên loggia của Vương cung thánh đường Thánh Peter — cả hai đều là dấu hiệu tương phản với Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập dị.

Tuy nhiên, một trong những bằng chứng được thảo luận nhiều nhất không phải là quyết định của Đức Giáo Hoàng mới mà là điều ngài đã nói cách đây hơn một thập niên, khi một đồng nghiệp và tôi ghi lại.

Tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng tương lai Leo XIV vào tháng 10 năm 2012, một ngày sau khi kết thúc thượng hội đồng về Tân Phúc âm hóa. Trọng tâm của hội nghị đó, đặc trưng của triều đại Giáo hoàng Benedict XVI, là thách thức trong việc truyền bá và duy trì đức tin trong các xã hội ngày càng hậu Kitô giáo ở phương Tây.

Trọng tâm của nhiều bài phát biểu đã được tóm tắt bởi Hồng Y Donald Wuerl của Washington, người than thở rằng một "cơn sóng thần thế tục" đang nhấn chìm Giáo hội.

Vào thời điểm đó, trước khi có những hạn chế được áp đặt theo thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các bài phát biểu của những người tham gia tại các phiên họp kín của thượng hội đồng thường xuyên được công bố cho báo chí. Một trong những bài phát biểu đáng trích dẫn và khiêu khích nhất là của Cha Robert Prevost, cựu tổng quyền của Dòng Thánh Augustinô, người đã nói về cách phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây đang thúc đẩy những gì ngài gọi là "lựa chọn lối sống phản Kitô giáo" — bao gồm phá thai, an tử và hôn nhân đồng tính — và cách Giáo Hội Công Giáo có thể phản ứng.

Vào thời điểm đó, tôi đang điều hành văn phòng Rome của Catholic News Service, một bộ phận của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và chúng tôi đã đưa tin rộng rãi về thượng hội đồng. Tôi đã viết thư cho Cha Prevost, hỏi liệu tôi có thể phỏng vấn ngài không, và ngài đã nhanh chóng đồng ý. Vì vậy, cùng với đồng nghiệp CNS của tôi là Robert Duncan, tôi đã đến gặp ngài tại văn phòng của ngài cách Quảng trường Thánh Phêrô vài mét.

Vị giáo hoàng tương lai rất lịch sự mặc dù có phần dè dặt, như tôi nhớ, nhưng trở nên sôi nổi khi thảo luận về vị thánh vĩ đại mà các tác phẩm của vị này vốn là nền tảng cho dòng tu của ngài. Tôi đã phỏng vấn Cha Prevost trên video để thảo luận về một số vấn đề bao gồm các bài học mà Thánh Augustinô đưa ra, đặc biệt là trong cuốn Tự thú của ngài, để truyền bá tin mừng cho một xã hội cực kỳ cá nhân củ nghĩa.

Chúng tôi cũng đã ghi lại cảnh Cha Prevost đọc văn bản tham luận của mình tại thượng hội đồng, mà đồng nghiệp của tôi là Robert đã chuyển thành video gồm hai phần, minh họa bằng các ví dụ về nền văn hóa truyền thông phương Tây mà vị Giáo hoàng tương lai đang chỉ trích.

Cha Prevost đã phản hồi tích cực khi tôi gửi cho ngài kết quả cuộc họp của chúng tôi. "Cảm ơn rất nhiều! Tôi rất thích xem các bài thuyết trình video và đã gửi các liên kết đến nhiều nơi khác nhau", ngài viết.

Tôi đã không gặp lại Cha Prevost trong hơn mười năm, trong thời gian đó, ngài đã hoàn thành nhiệm kỳ làm người đứng đầu dòng của mình và trở về Peru, nơi truyền giáo trước đây của ngài, để phục vụ với tư cách là giám mục của Chiclayo. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm người đứng đầu Bộ Giám mục vào năm 2023, khiến ngài trở thành cố vấn hàng đầu của ngài trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo Giáo hội trên toàn thế giới, tôi đã hơi ngạc nhiên. Nội dung bài phát biểu của ngài tại Thượng hội đồng năm 2012, nói một cách nghiêm túc, không mâu thuẫn với bất cứ điều gì trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng giọng điệu phản văn hóa của bài phát biểu đã tạo nên sự tương phản với cách tiếp cận hòa giải của Đức Giáo Hoàng người Argentina đối với văn hóa thế tục.

Tại một buổi tiếp tân do đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh tổ chức, tôi đã gặp vị bộ trưởng lúc bấy giờ và nhắc lại với ngài về cuộc gặp gỡ của chúng tôi và bài phát biểu của ngài tại Thượng hội đồng.

"Nhiều chuyện đã qua rồi kể từ đó", ngài nói một cách vui vẻ nhưng có phần bí ẩn.

Vào ngày công nghị năm 2023 khi ngài trở thành Hồng Y Prevost, đồng nghiệp cũ của tôi là Robert đã hỏi ngài rằng quan điểm của ngài về những vấn đề gây tranh cãi mà ngài đã thảo luận trong bài phát biểu tại thượng hội đồng năm 2012 có thay đổi không.

Vị Giáo hoàng tương lai trả lời: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rất rõ ràng rằng ngài không muốn mọi người bị loại trừ chỉ vì những lựa chọn mà họ đưa ra, cho dù đó là lối sống, công việc, cách ăn mặc hay bất cứ điều gì. Học thuyết không thay đổi, và mọi người vẫn chưa nói rằng, bạn biết đấy, chúng tôi đang tìm kiếm sự thay đổi như vậy. Nhưng chúng tôi đang tìm cách chào đón và cởi mở hơn, và nói rằng tất cả mọi người đều được chào đón trong giáo hội.”

Trong bài giảng đầu tiên với tư cách là giáo hoàng, phát biểu trước các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine vào ngày sau khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã nhắc lại những nhận xét trước đó của ngài về sự thù địch của nền văn hóa đối với Kitô giáo: “Ngay cả ngày nay, vẫn có nhiều bối cảnh mà đức tin Kitô giáo bị coi là vô lý, dành cho những người yếu đuối và không thông minh. Những bối cảnh mà các bảo đảm khác được ưa chuộng, như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực hoặc thú vui.”

Tuy nhiên, khi gặp lại các Hồng Y vào ngày 10 tháng 5, tân giáo hoàng đã tuyên bố ý định noi gương Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một số lĩnh vực, bao gồm “cuộc đối thoại can đảm và đáng tin cậy với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tế khác nhau của nó.”

Bây giờ, bài phát biểu năm 2012 của Đức Giáo Hoàng Leo XIV, được ghi lại trên băng, đã trở thành cơ sở cho cuộc tranh cãi đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài. Các nhà hoạt động LGBTQ đang lên tiếng hy vọng rằng bài phát biểu không phản ánh tầm nhìn của tân giáo hoàng. Cách ngài xử lý câu hỏi đó, hoặc chọn cách phớt lờ nó, sẽ là một manh mối nữa về cách ngài định lãnh đạo.

_________________________

(*) Francis X. Rocca Phanxicô X. Rocca là nhà phân tích cấp cao về Vatican cho EWTN News. Ông đã đưa tin về Vatican từ năm 2007, gần đây nhất là cho The Wall Street Journal, nơi ông cũng đưa tin về tôn giáo toàn cầu. Ông đã viết cho Time, The Times Literary Supplement và The Atlantic, cùng với nhiều ấn phẩm khác. Rocca là đạo diễn của một bộ phim tài liệu, “Voices of Vatican II: Participants Recall the Council.”
 
Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng viết thư cho Đức Giáo Hoàng Leo XIV
Vũ Văn An
14:58 13/05/2025



Tin ngày ngày 13 tháng 5 năm 2025 của Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục cho hay: Các nhà lãnh đạo của Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng viết thư cho Đức Giáo Hoàng Leo XIV để bày tỏ 'cho đến nay niềm vui của chúng con khi cùng nhau bước đi, hỗ trợ việc phục vụ của Đức Thánh Cha cho sự hiệp thông giữa tất cả các Giáo hội'.

Sau đó, khi nhắc đến Thượng hội đồng, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký, và hai phó thư ký, Tổng giám mục Luis Marín de San Martín, O.S.A. và Sơ Nathalie Becquart, X.M.C.J. nhìn với sự tin tưởng vào hành trình đang diễn ra của Giáo hội: 'Bây giờ hành trình vẫn tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, chúng con nhìn với sự tin tưởng vào những chỉ dẫn mà Đức Thánh Cha sẽ chỉ ra, để giúp Giáo hội phát triển như một cộng đồng chú ý lắng nghe, gần gũi với mỗi người, có khả năng xây dựng các mối quan hệ chân thực và chào đón - một ngôi nhà và gia đình của Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người: một Giáo hội truyền giáo theo tinh thần đồng nghị'.

Đính kèm là bức thư gốc của Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục gửi Đức Leo XIV:

SECRETARIA GENERALIS SYNODI

Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025

Kính thưa Đức Thánh Cha rất Diễm phúc, với lòng biết ơn sâu sắc, Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng tạ ơn Chúa vì Đức Thánh Cha đã được bầu làm người hướng dẫn Giáo hội. Chúng con xin bày tỏ niềm vui của chúng con với Đức Thánh Cha, người cũng chủ trì Văn phòng Tổng thư ký này, từ giờ phút này, khi cùng nhau bước đi, hỗ trợ Đức Thánh Cha phục vụ cho sự hiệp thông giữa tất cả các Giáo hội.

Thượng hội đồng là một hành trình của Giáo hội do Chúa Thánh Thần dẫn dắt, là món quà của Chúa Phục sinh, giúp chúng ta trưởng thành như một Giáo hội truyền giáo, liên tục trải qua sự hoán cải thông qua việc lắng nghe Tin Mừng một cách chăm chú. Được triệu tập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thượng hội đồng liên quan đến toàn thể dân Chúa trong một tiến trình chung, trong đó mỗi người góp phần vào việc phân định các bước cần thực hiện, theo các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ đã nhận được.

Bắt đầu vào năm 2021 với giai đoạn lắng nghe dân Chúa, tiến trình công đồng hiện đã hoàn thành giai đoạn phân định của các Mục tử với Đại hội đồng XVI của Thượng hội đồng Giám mục và với sự chấp thuận của Văn kiện cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Các chỉ dẫn có trong Văn kiện này “hiện đã có thể được thực hiện tại các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội, có tính đến các bối cảnh khác nhau, những gì đã làm và những gì vẫn phải làm để phong cách phù hợp với Giáo hội đồng nghị truyền giáo có thể được học hỏi và phát triển tốt hơn bao giờ hết” (Ghi chú kèm theo). Đồng thời, các nhóm nghiên cứu đang làm việc để đệ trình các đề xuất lên Đức Thánh Cha nhằm đưa ra các quyết định liên quan đến toàn thể Giáo hội.

Bây giờ, khi hành trình tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, chúng con tin tưởng vào các hướng dẫn mà Đức Thánh Cha sẽ chỉ ra, để giúp Giáo hội phát triển như một cộng đồng chú ý lắng nghe, gần gũi với mỗi người, có khả năng xây dựng các mối quan hệ chân thực và chào đón—một ngôi nhà và gia đình của Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người: một Giáo hội đồng nghị truyền giáo. Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng hội đồng vẫn luôn sẵn sàng phục vụ với tinh thần hợp tác và vâng phục.

Với tình cảm con thảo và lời cầu nguyện,

Mario Hồng Y. Grech Tổng thư ký
Sr. Nathalie Becquart, X.M.C.J. Phó thư ký
H.E. Msgr. Luis Marín de San Martín, O.S.A
 
Trên bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng Leo: Chỉnh sửa tài chính Vatican
Vũ Văn An
15:46 13/05/2025

Tin tốt là Giáo hoàng có cơ hội để suy nghĩ lớn, hành động nhanh chóng và tận dụng sự nhiệt tình trong những ngày đầu tiên của triều đại, tin xấu là thời gian không còn nhiều.

Đó là nhận định của Ed. Condon, đồng chủ bút của The Pillar, ngày 13 tháng 5 năm 2025.



Ông viết tiếp: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện trên loggia vào năm 2013, người ta hiểu rộng rãi rằng "giáo hoàng từ vùng ngoại vi" đã được bầu với nhiệm vụ cải cách giáo triều La Mã, và đặc biệt là dọn sạch nạn tham nhũng.

Mười hai năm sau, tình trạng hỗn loạn tài chính giáo triều có thể không phải là điều mà nhiều người mong đợi ở Đức Giáo Hoàng Leo XIV khi ngài giới thiệu bản thân với Giáo hội và thế giới, nhưng nó sẽ đứng đầu danh sách trên bàn làm việc của vị giáo hoàng mới.

Nếu có bất cứ điều gì, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với năm 2013.

Đức Phanxicô đã hành động lớn và táo bạo trong những năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của mình, ban hành các thay đổi pháp lý và quy định toàn diện và thành lập một loạt các cơ quan giám sát và giám sát giáo triều mới để mang lại một số biện pháp kiểm soát đối với những gì thường là ngân sách liên phòng ban và kế toán tự do đối với mọi người.

Nhưng, điều đáng chú ý là sự ra đi vào năm 2017 của các phụ tá chủ chốt của ngài là Hồng Y George Pell và Libero Milone đã khiến sáng kiến này bị đình trệ và một giai đoạn tái đắp lũy định chế bắt đầu.

Cuộc điều tra hình sự và phiên tòa xét xử Hồng Y Angelo Becciu và những người khác sau đó, dẫn đến việc kết án với hàng triệu đô la tiền phạt và nhiều năm tù, đã minh họa rất nhiều cho mức độ nghiêm trọng của vấn đề và hiệu quả tiềm tàng của các cải cách ban đầu của ngài — nếu không muốn nói chính là sự chuyển động trơn tru của bánh xe công lý ở Thành phố Vatican.

Nhưng việc loại bỏ tham nhũng và thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu về thông lệ tốt nhất chỉ là khởi đầu chứ không phải kết thúc để xoa dịu tình hình tài chính hỗn loạn của Vatican, và bất chấp một thập niên cảnh báo, cuối cùng vẫn có rất ít hành động được thực hiện để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách cơ cấu mất kiểm soát trong giáo triều, hoặc lấp một lỗ đen phình to trong quỹ hưu trí của Vatican.

Tình hình nghiêm trọng mà Đức Giáo Hoàng Leo đang phải đối diện đã được nhấn mạnh nhiều lần trong những tháng cuối cùng của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, khi cố Giáo hoàng ban hành một loạt các lá thư cho Hội đồng Hồng Y cảnh báo về tình hình tài chính khốn khổ mà giáo triều đang phải đối diện và thừa nhận rằng quỹ hưu trí sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình trong tương lai gần.

Đức Giáo Hoàng Leo hiện phải đối diện với nhiệm vụ gấp ba là khôi phục các cải cách cơ cấu do Đức Phanxicô khởi xướng, kiểm soát chi tiêu của Vatican và tìm kiếm các nguồn thu nhập mới cho giáo triều, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Và mặc dù triều đại Giáo hoàng của ngài chưa đầy một tuần, nhưng Đức Giáo Hoàng đang phải chạy đua với thời gian.

Đưa cải cách trở lại cuộc sống

Ba cơ quan trung tâm nhất trong những năm đầu của cải cách thời đại Phanxicô là Hội đồng Kinh tế, một hội đồng do Hồng Y lãnh đạo có nhiệm vụ giám sát các vấn đề tài chính của toàn giáo triều, Văn phòng thư ký Kinh tế, một cơ quan hành pháp có nhiệm vụ thực hiện cải cách và phê duyệt ngân sách của các bộ, và Văn phòng Tổng kiểm toán, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ.

Cả ba đều được Đức Phanxicô thành lập trong những năm đầu tiên của ngài, và cả ba hiện đều có vẻ rất cần được đổi mới. Mức độ mà Đức Leo sẵn sàng và có khả năng thổi luồng sinh khí mới và sự nhiệt tình vào chúng sẽ rất quan trọng để đưa ngôi nhà tài chính của Vatican vào trật tự.

Biên bản các cuộc họp trước đây của Hội đồng Kinh tế cho thấy rằng không có nhiều thông tin và khuyến nghị rõ ràng được đưa ra cho cơ quan này, nhưng ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của các cải cách đầu tiên của Đức Phanxicô, có vẻ như vẫn thiếu tính cấp bách thực sự.

Những người gần gũi với cơ quan này và các cuộc họp của cơ quan này kể rằng, mặc dù có và vẫn có sự ủng hộ chung đối với khái niệm cải cách quy định và tài chính, nhưng vẫn thiếu cảm giác cấp bách và vẫn có sự tôn trọng mặc định đối với những người đứng đầu các bộ và các quan chức giáo triều khi họ cảnh báo về việc đi quá xa quá nhanh.

Tương tự như vậy, kể từ khi Hồng Y Pell rời đi vào năm 2017, Ban Kinh tế, động cơ lý thuyết thúc đẩy cải cách, dường như đã gần như hết hơi.

Một loạt các nhà lãnh đạo, thay vì thúc đẩy thay đổi, dường như đã bị đẩy vào danh mục các khoản thâm hụt ngày càng tăng và các nguồn lực đang cạn kiệt — và trong đó họ thậm chí đã chấm dứt các bước đi chậm chạp hướng tới sự minh bạch tài chính, giống như thông lệ trước đây là công bố ngân sách hàng năm của Vatican.

Nếu có bất cứ điều gì, tình hình tại Văn phòng Tổng kiểm toán thậm chí còn tồi tệ hơn. Với người đứng đầu trước đây, Libero Milone, bị kẹt trong một tranh chấp pháp lý với Vatican, và cựu phó của ông đã chết trong quá trình tố tụng.

Vào năm 2023, đội ngũ nhân viên hiện tại được hướng dẫn phải thực hiện “sự thận trọng nhân từ” khi giải quyết các trường hợp tham nhũng, nói rằng các vụ bê bối tài chính “phục vụ nhiều hơn cho việc lấp đầy các trang báo hơn là để sửa chữa hành vi một cách sâu sắc”.

Việc đưa các cải cách cơ cấu của Đức Phanxicô vào cuộc sống và trở lại sẽ rất quan trọng đối với nhiệm vụ ngăn chặn Vatican trượt vào bờ vực tài chính. Công việc đó có thể đơn giản và khó khăn như việc làm mới đội ngũ lãnh đạo.

Thật không may, công việc hiện tại ít mang tính “cải cách” hơn và nhiều tính “quản lý khủng hoảng” hơn. Điều đó sẽ đòi hỏi phải ưu tiên những phẩm chất thường không được ưa chuộng ở Vatican: tư duy cấp tiến, sẵn sàng đưa ra các quyết định ngay lập tức và không được lòng dân, và động lực hành động ngay lập tức và đơn phương nếu cần thiết.

Tất nhiên là có những người như vậy. Và tân giáo hoàng sẽ không thiếu những bàn tay sẵn sàng nếu ngài yêu cầu. Tuy nhiên, thách thức đầu tiên là ngài phải xác định được những cộng tác viên hiệu quả và đủ tiêu chuẩn nhất được cung cấp, và không để mình bị dẫn dắt vào những lựa chọn "an toàn".

Hãm đà ngân sách

Văn phòng kinh tế của Vatican trước đây đã công bố bản trình bày ngân sách sứ mệnh hàng năm, nhưng đã không làm như vậy kể từ năm 2022. Vì vậy, thật khó để đưa ra bất cứ đánh giá thực tế nào về tình hình thực sự tồi tệ đối với ngân khố của giáo triều.

Theo báo cáo ngân sách được công bố gần đây nhất, các hoạt động hàng năm của giáo triều vào năm 2022 dự kiến sẽ tiêu tốn 796 triệu euro mỗi năm, với khoản lỗ hoạt động dự kiến là 33.4 triệu sau khi nhận được các khoản quyên góp dự kiến từ các nguồn bao gồm Peter's Pence {đồng xu Thánh Phêrô]— được phân bổ vào năm 2023 90% doanh thu của mình dành cho chi phí hoạt động của Vatican.

Vào tháng 10 năm 2023, giám đốc văn phòng kinh tế, Maximino Caballero Ledo đã đưa ra một dấu hiệu về quy mô của "cuộc khủng hoảng" tài chính của Vatican khi ông nói rằng Tòa thánh có thâm hụt ngân sách cơ cấu "từ 50 đến 60 triệu euro một năm", mặc dù Tòa thánh trong nhiều năm đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí và lệnh đóng băng tuyển dụng trên toàn giáo triều.

Là một phần trong nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm mang lại cải cách tài chính cho Vatican, lệnh đóng băng lương và tuyển dụng trên toàn giáo triều đã được áp dụng trong gần một thập niên — mặc dù các báo cáo ngân sách năm 2021 cho thấy lương vẫn là khoản chi tiêu lớn nhất của giáo triều với mức 139.5 triệu euro, vì vậy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã áp dụng lệnh cắt giảm lương cấp cao cho các nhân viên giáo sĩ.

Vào đầu năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ chấm dứt việc cung cấp chỗ ở được trợ cấp tại Vatican cho các quan chức cấp cao của giáo triều, với lý do "một cuộc khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh như cuộc khủng hoảng hiện tại, đặc biệt nghiêm trọng", mà vị Giáo hoàng cho biết đã nêu bật "nhu cầu mọi người phải thực hiện một hy sinh.”

Bất chấp những cải cách này, người ta thừa nhận rộng rãi rằng thâm hụt ngân sách cơ cấu của Vatican đang tăng lên chứ không phải giảm đi, và Đức Giáo Hoàng Leo sẽ phải suy nghĩ lớn hơn và táo bạo hơn nhiều so với việc đóng băng và cắt giảm lương và các quyền lợi để ngăn chặn tình hình.

Vào tháng 10 năm 2023, Caballero Ledo lưu ý rằng nếu Vatican muốn bù đắp thâm hụt “chỉ bằng cách cắt giảm chi phí, chúng ta sẽ đóng cửa 43 trong số 53 đơn vị thuộc Giáo triều La Mã, và điều này là không thể.”

“Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để tăng doanh thu”, ông nói. Về nguyên tắc chung, ông có thể đúng. Nhiều bộ phận của Vatican hoạt động với ngân sách eo hẹp — ít nhất là theo số liệu chính thức mới nhất được công bố.

Nhưng ngay cả khi tính đến thực tế là phần lớn các đơn vị giáo triều hoạt động với ngân sách dưới 5 triệu euro hàng năm, một số khoản cắt giảm có thể sẽ phải diễn ra, sớm hay muộn. Và trong khi đóng cửa hàng chục bộ phận nhỏ hơn không phải là đề xuất hợp lý, thì việc tìm cách tiết kiệm trong ngân sách của Bộ Truyền thông, chẳng hạn, khoảng 40 triệu euro, có thể là hợp lý.

Kiếm tiền

Cải cách kinh tế cuối cùng của Đức Phanxicô, được ban hành chỉ vài ngày trước khi ngài nhập viện để nằm viện kéo dài vào đầu năm nay, là thành lập một cơ quan gây quỹ mới cho Vatican, Commissio de donationibus pro Sancta Sede, hay Ủy ban Quyên góp cho Tòa thánh.

Cơ quan này được thành lập chỉ vài tháng sau khi Đức Phanxicô phải ra lệnh đại tu quỹ hưu trí của Vatican và đã gửi một lá thư cho Hồng Y đoàn thừa nhận rằng “những năm qua đã cho thấy rằng các yêu cầu cải cách được thúc đẩy trong quá khứ bởi rất nhiều nhiều người… đã có tầm nhìn xa trông rộng.”

Họ có thể có tầm nhìn xa, nhưng sau nhiều năm bỏ bê các hoạt động tạo ra thu nhập và quản lý tài sản của Tòa thánh, tương lai hiện thuộc về Vatican.

Trong suốt những năm đầu tiên của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, các dự án phát triển tài sản của Vatican kém hiệu quả thành các luồng thu nhập ổn định dài hạn đã được đề xuất, thảo luận và cuối cùng bị xếp xó theo các tài liệu nội bộ.

Những dự án đó, như dự án tái phát triển Santa Maria ở Galeria, một khu đất rộng 1,000 mẫu Anh ở ngoại ô Rome, được tính toán sẽ đi vào hoạt động trong vòng mười năm trước khi Tòa thánh gặp phải tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng, hiện vẫn đang diễn ra. Thay vào đó, những đề xuất đó đã bị gác lại để ưu tiên cho các dự án khác, như lắp đặt các cánh đồng tấm pin mặt trời.

Tư duy lớn và lập kế hoạch dài hạn vẫn là yếu tố thiết yếu đối với tương lai tài chính của Vatican. Mặc dù Vatican chắc chắn không phải là một doanh nghiệp, nhưng phần lớn thu nhập của họ (khoảng 65%) có nguồn gốc từ thương mại, từ lợi nhuận từ tài sản và đầu tư, bao gồm danh mục đầu tư bất động sản lớn, cả ở thành phố Rome và trên toàn thế giới.

Nhưng mặc dù là một chủ đất đáng kể, tính đến năm 2022, chỉ có khoảng một phần năm danh mục bất động sản của Vatican thực sự có sẵn để tạo ra doanh thu.

Đức Giáo Hoàng Leo đến với vai trò mới của mình với một cửa sổ quan trọng nhằm giành lại những người đã cố gắng trong nhiều năm để đưa Vatican vào con đường dài hạn hướng tới sức khỏe tài chính, nhưng đã bị thất vọng và bị lãnh đạo đóng băng vì cuối cùng sợ hành động triệt để.

Nhưng cả khi giả sử Đức Giáo Hoàng Leo bắt đầu ngay với công việc nghiêm túc cải cách dài hạn danh mục tài sản kém hiệu quả của Tòa thánh, thì lợi nhuận có ý nghĩa sẽ mất nhiều năm để đạt được.

Và với thâm hụt ngân sách cơ cấu lên tới 100 triệu euro và nghĩa vụ lương hưu chưa được tài trợ được cho là gần 2 tỷ, Leo sẽ cần khởi động Ủy ban quyên góp mới với sự hỗ trợ tối đa của vị giáo hoàng.

Việc quyên góp cho Rome đã bị kìm hãm, ít nhất là ở một mức độ nào đó, bởi bầu không khí bất ổn và tham nhũng đã phủ bóng lên giáo triều của Đức Phanxicô, bất chấp những nỗ lực cải cách ban đầu của ngài.

Nhưng cũng giống như vậy, những người trong ngành tài chính giáo triều nhấn mạnh hình ảnh và danh tiếng của cố giáo hoàng là nghi ngờ, nếu không muốn nói là hoàn toàn thù địch với cả những nhà tài trợ tiềm năng và những sự việc có xu hướng thu hút quyên góp ngay từ đầu.

Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tiền có đó để trao tặng, và Đức Leo có thể đã làm rất nhiều để khuyến khích một dòng tiền quyên góp mới mà không cần cố gắng.

Ngay cả khi ngài xuất hiện trong trang phục giáo hoàng truyền thống, như chiếc áo mozzetta trên loggia, việc sử dụng các vật dụng mang tính biểu tượng của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Benedict XVI, và kỳ vọng rằng ngài sẽ trở lại căn hộ giáo hoàng thông thường, tất cả đều tạo ra tiếng vang về "sự trở lại bình thường" ở một số nơi.

Một số chính sách thời Đức Phanxicô, như các hạn chế đối với Thánh lễ riêng lẻ tại các bàn thờ phụ của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sẽ dễ dàng để Đức Leo bãi bỏ, thúc đẩy sự nhiệt tình và quyên góp ngay lập tức. Và thực tế đơn giản là vị giáo hoàng mới là người Mỹ có khả năng kích hoạt một dòng tiền quyên góp ngay lập tức từ quê hương của ngài — vẫn là nguồn thu nhập bên ngoài lớn nhất của Tòa thánh.

Không ai mong đợi vị giáo hoàng mới nghĩ về bản thân mình như người gây quỹ chính của Giáo hội — càng không hành động như một người như vậy. Nhưng tin tốt là với sự sẵn sàng suy nghĩ lớn, hành động nhanh chóng và tận dụng sự nhiệt tình của mọi người trong những ngày đầu trị vì, Đức Leo có thể đạt được nhiều thành tựu.

Tin xấu là tình hình mà ngài thừa hưởng khiến ngài không có nhiều thời gian để lãng phí hoặc không gian để xoay xở.
 
Một hành động đen tối nhất của cái ác – bom phát nổ trên bàn thờ nhà nguyện giáo xứ Pennsylvania
Đặng Tự Do
17:11 13/05/2025


“Tôi vô cùng đau lòng khi một hành động tàn ác, đáng ghét và độc ác như vậy lại xảy ra.”

Giám mục Allentown, Pa., đã lên án vụ nổ bom tại nhà nguyện của một giáo xứ địa phương vào tuần này, gọi đây là “hành động thù hận tôn giáo”.

Không có ai bị thương, nhưng bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị hư hại khi thiết bị này phát nổ.

“Tôi vô cùng đau lòng khi một hành động tàn ác, đáng ghét và độc ác như vậy lại xảy ra tại Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta,” Đức Giám Mục Alfred Schlert cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng 5.

“Niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của Đức tin Công Giáo. Sử dụng thiết bị nổ để phá hủy Bí tích Thánh Thể là hành động của cái ác đen tối nhất”, Đức Cha Schlert nói.

“Tôi cảm ơn Chúa vì không có ai bị thương trong vụ việc và nghi phạm đã bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ.”

Phát ngôn nhân cảnh sát Pennsylvania cho biết vụ việc xảy ra vào tối ngày 6 tháng 5.

“Vào khoảng hơn 9 giờ tối, một người đàn ông 32 tuổi đã vào Nhà nguyện Chầu Thánh Thể Thường trực tại Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta ở Thành phố Mahanoy và đặt một thiết bị nổ trên bàn thờ”.

“Thiết bị phát nổ, làm hỏng Mặt nhật và các bức tượng bên trong nhà nguyện, làm móp bàn thờ và làm vỡ nhiều cửa sổ kính màu.”

Phát ngôn nhân nói thêm: “Động cơ của nghi phạm vẫn chưa được biết và vụ việc hiện đang được điều tra tích cực”.

Trong bài đăng trên Facebook vào ngày 7 tháng 5, Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta thông báo rằng nhà nguyện sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

“Chúng tôi rất buồn,” bài đăng cho biết. “Chúng tôi biết Nhà nguyện là nơi trú ẩn, an ủi và chữa lành, và mọi người đã đến từ khắp Quận và xa hơn nữa. Nhà nguyện đã tồn tại từ năm 1982.”

Đức Cha Schlert cho biết trong tuyên bố của mình rằng trong khi ngài tha thứ cho người chịu trách nhiệm, ngài cũng cầu nguyện rằng nghi phạm “sẽ nhận được sự giúp đỡ cần thiết và công lý đòi hỏi cho hành động của người đó.”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ghi nhận hơn 370 vụ đốt phá, phá hoại và phá hủy tại các nhà thờ Công Giáo trong năm năm qua.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Đức Hồng Y Timothy Dolan, nhà lãnh đạo ủy ban tự do tôn giáo của USCCB, đã cảnh báo về “xu hướng đáng lo ngại” về các cuộc tấn công bạo lực và phá hoại nhằm vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

“Một cuộc tấn công vào một ngôi nhà thờ chắc chắn là một cuộc tấn công vào cộng đồng cụ thể tụ họp ở đó,” ngài nói. “Đó cũng là một cuộc tấn công vào nguyên tắc sáng lập của nước Mỹ như một nơi mà tất cả mọi người có thể thực hành đức tin của mình một cách tự do. Và đó là một cuộc tấn công vào tinh thần con người, khao khát biết được sự thật về Chúa và cách hành động theo sự thật.”


Source:Pillar
 
Đức Giáo Hoàng Lêô cho biết ngài chọn tông hiệu này vì cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo
Đặng Tự Do
17:12 13/05/2025


Trong cuộc họp với Hồng Y đoàn hôm thứ Bảy, hai ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV giải thích rằng ngài chọn danh hiệu giáo hoàng của mình như một cam kết với giáo huấn xã hội của Giáo hội trong bối cảnh cuộc cách mạng mới về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra.

Phát biểu trước các Hồng Y vào ngày 10 tháng 5, Đức Giáo Hoàng cho biết có nhiều lý do giải thích tại sao ngài chọn danh hiệu Giáo hoàng của mình, “nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum hay Tân Sự đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại đầu tiên”.

Rerum Novarum là một thông điệp do Đức Giáo Hoàng Leo XIII viết vào năm 1891, đề cập đến các điều kiện của giai cấp công nhân và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Thông điệp này được ca ngợi rộng rãi là đã đặt ra khuôn khổ cho học thuyết xã hội hiện đại của Giáo Hội Công Giáo và lập trường của Giáo hội về các vấn đề xã hội, vốn là nền tảng của triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô.

“Trong thời đại của chúng ta, Giáo hội trao cho mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình để ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động,” Đức Lêô phát biểu trong bài phát biểu của mình.

Ngài chia bài phát biểu của mình thành hai phần, phần đầu là những phát biểu được chuẩn bị trước dành cho các Hồng Y, phần thứ hai dành cho các câu hỏi, gợi ý và đề xuất về các vấn đề cụ thể đã được thảo luận trong những ngày trước Cơ Mật Viện.

Đức Lêô nói với các Hồng Y rằng sự hiện diện của các ngài là sự bảo đảm với ngài rằng “Chúa, Đấng đã giao phó cho tôi sứ mệnh này, sẽ không để tôi đơn độc trong việc gánh vác trách nhiệm này”.

Ngài thúc giục các Hồng Y xem sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Cơ Mật Viện là “một giai đoạn trong cuộc di cư dài mà Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta tới cuộc sống viên mãn”.

“Chúng ta phải là những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Người và là những thừa tác viên trung thành của kế hoạch cứu độ của Người, luôn ghi nhớ rằng Thiên Chúa thích giao tiếp với Người, không phải trong tiếng sấm rền và động đất, mà là trong 'tiếng thì thầm của làn gió nhẹ' hoặc, như một số người dịch, trong 'âm thanh của sự im lặng tuyệt đối'“, ngài nói.

Đức Leo nhấn mạnh rằng chính cuộc gặp gỡ thiết yếu và quan trọng này với Thiên Chúa mà các mục tử của Giáo hội phải hướng dẫn những người được giao phó cho mình chăm sóc.

Theo nghĩa này, ngài yêu cầu các Hồng Y đổi mới “cam kết hoàn toàn” của mình đối với “con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo trong nhiều thập niên sau Công đồng Vatican II”, mà ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh họa “một cách tài tình và cụ thể” trong tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013, tông huấn đầu tiên của ngài trong triều Giáo Hoàng.

Đề cập đến văn kiện này, Đức Leo đã nhấn mạnh đến các khía cạnh của “cuộc hoán cải truyền giáo” của cộng đồng Kitô giáo, cũng như sự phát triển trong tính công đồng và tính đồng đoàn và sự chú ý nhiều hơn đến cảm thức đức tin, “đặc biệt là trong những hình thức chân thực và bao trùm nhất của nó, chẳng hạn như lòng đạo đức bình dân”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến tình yêu thương và sự quan tâm đến người nghèo và người bị bỏ rơi, cũng như đối thoại với thế giới hiện đại.

“Đây là những nguyên tắc truyền giáo luôn truyền cảm hứng và hướng dẫn cuộc sống và hoạt động của gia đình Thiên Chúa”, ngài nói và cho biết những giá trị này là biểu hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, “đã được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Người Con nhập thể, niềm hy vọng cuối cùng của tất cả những ai chân thành tìm kiếm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ”.

Đức Lêô cho biết ngài cảm thấy được kêu gọi đi theo con đường đó, đó là một phần lý do tại sao ngài chọn tông hiệu là Lêô XIV, xét theo thông điệp mà Rerum Novarum có thể mang đến cho thế giới ngày nay.

Ngài kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách trích dẫn bài diễn văn nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sau khi được bầu làm giáo hoàng: “Nguyện ngọn lửa đức tin và tình yêu vĩ đại lan tỏa khắp thế giới trong tất cả những người nam và nữ thiện chí”.

“Nguyện xin điều này soi sáng con đường hợp tác lẫn nhau và ban phước cho nhân loại dồi dào, bây giờ và mãi mãi, với chính sức mạnh của Thiên Chúa, mà nếu không có sự giúp đỡ của Người, không có điều gì là có giá trị, không có điều gì là thánh thiện”, Đức Giáo Hoàng nói, đồng thời cầu nguyện rằng tình cảm của họ “được chuyển thành lời cầu nguyện và cam kết, với sự giúp đỡ của Chúa”.


Source:Crux
 
7 tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin ở Nigeria tử nạn xe hơi, ban lãnh đạo kêu gọi cầu nguyện
Đặng Tự Do
17:13 13/05/2025


Các thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin (OFM Cap) tại Nigeria đang kêu gọi cầu nguyện sau một vụ tai nạn xe hơi khiến bảy anh em của họ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trong một tuyên bố chia sẻ với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Phi Châu, vào ngày 5 tháng 5, ban lãnh đạo của dòng tại Nigeria đã cung cấp thông tin chi tiết về vụ tai nạn xảy ra vào ngày 3 tháng 5 tại Cộng đồng Ridgeway ở tiểu bang Enugu của Nigeria.

“Với nỗi buồn sâu sắc nhưng trong niềm hy vọng vào Ngày Phục sinh, Dòng Phanxicô Capuchin thuộc Nigeria xin thông báo về cái chết của một số anh em trong một sự việc bi thảm xảy ra vào tối ngày 3 tháng 5 năm 2025,” tuyên bố có chữ ký của Cha John-Kennedy Anyanwu, người quản lý của dòng cho biết.

“Mười ba anh em của chúng tôi đã rời khỏi Cộng đồng Ridgeway, tiểu bang Enugu, đến Obudu, tiểu bang Cross Rivers, Nigeria, nhưng không may đã gặp phải một tai nạn chết người. Bảy anh em đã tử vong do tai nạn, trong khi sáu người trong số họ bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Những anh em bị thương đã được chuyển đến Enugu để điều trị thích hợp.”

Trong tuyên bố, Cha Anyanwu đã phó thác linh hồn của những người đồng cấp đã khuất cho “tình yêu thương của Chúa” và mời mọi người “cùng chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn các anh em được siêu thoát”. Ngài cho biết việc tổ chức tang lễ sẽ được “thông báo kịp thời”.

“Lạy Chúa, xin ban cho họ sự nghỉ ngơi vĩnh cửu, và xin ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi họ. Xin cho họ được nghỉ ngơi trong bình an. Amen,” tuyên bố kết thúc.


Source:Catholic World Report
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kính mời xem video của ông Phan Thanh Giới quay tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang nhân Đại hội 50 năm Hồng Ân Viễn Xứ. Ngày 10/5/2025.
Phan Thanh Giới
06:38 13/05/2025
Video
Phan Thanh Giới.
 
Ngày cầu cho ơn thiên triệu Giáo hạt Lý Nhân Hà Nội
Giáo Xứ Lý Nhân
06:53 13/05/2025
NGÀY CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU TẠI GIÁO HẠT LÝ NHÂN TGP. HÀ NỘI
(Ngày 21/04/2024)
XEM HÌNH
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 62 với chủ đề: “Quà tặng sự sống”, Đức cố Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã khẳng định “Ơn gọi là món quà quý giá mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta, là lời kêu gọi bước ra khỏi chính mình để bước đi trên hành trình yêu thương và phục vụ”. Và để cổ võ các bạn trẻ có lòng yêu mến và can đảm dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội trong đời sống tu trì, Chúa nhật Lễ Chúa Chiên Lành, Giáo hạt Lý Nhân đã tổ chức giới thiệu ơn gọi đời sống thánh hiến.

Chiều thứ Bảy, ngày 10/5/2025, quý cha đặc trách ơn gọi của Giáo hạt đã quy tụ 330 em nam nữ trong Giáo hạt Lý Nhân về Giáo xứ Bàng Ba, tham dự ngày giới thiệu và cầu nguyện cho ơn thiên triệu.

Trong dịp này các em được lắng nghe quý thầy Phó tế, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Dòng thánh Phao-lô, Dòng Nữ Vương Truyền giáo, và Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki-tô giới thiệu sơ lược về linh đạo và hoạt động. Bên cạnh đó, Cha An-tôn Nguyễn Văn Độ – Đặc trách Ơn gọi Giáo hạt đã chia sẻ chủ đề Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu, đồng thời mời gọi các em cầu nguyện cho bản thân cũng như cho các gia đình biết quan tâm giáo dục và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong ơn gọi đời sống dâng hiến.

Đỉnh cao của ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu là Thánh lễ đồng tế lúc 17h30 do Cha An-tôn Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giu-se Hà Nội chủ sự. Ngài mời gọi các em mạnh dạn đáp lại tiếng Chúa, trở nên những môn đệ nhiệt thành, hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng.

BTT.GH Lý Nhân

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt người bắc cầu- Pontifex
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:44 13/05/2025
Khuôn mặt người bắc cầu- Pontifex

Được các Đức hồng y bầu chọn trở thành Giáo hoàng thứ 267. của Gíao hội Công giáo Roma, đức tân giáo hoàng Leo XIV. đã có tâm tình với toàn thể dân chúa khắp hoàn cầu:

“Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, giống như quảng trường này, mở ra cho tất cả mọi người, cho tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta.” ( Tân giáo hoàng Leo XIV., Vatican ngày 08.05.2025 ).

Khuôn mặt người “ xây dựng cây cầu” là gì?

Tiếng latinh có từ ngữ “pontifex” được kết hợp do hai từ ngữ “ pons- cây cầu”, và “facere- xây dựng, làm thành”. Pontifex mang ý nghĩa “xây dựng hay bắc cây cầu”. Nguyên thủy vị Thầy cả ( linh mục) tối cao, vị tư tế thủ lãnh đứng đầu các Tư tế vào thời Roma cổ xa xưa được xưng tụng với danh xưng là Pontifex.

Danh hiệu Pontifex Maximus mang ý nghĩa “ người bắc cầu cao cả nhất”. Vị tư tế này đóng vai trò có nhiệm vụ trung gian giữa con người trần gian và thế giới các thần linh.

Ở thành cổ Roma Forum Romanum (bây giở chỉ còn là những tòa nhà, đền đài đổ nát) có ngôi dinh thự tên là Regia. Nơi tòa nhà Regia có tòa thánh thiêng ( giống như thánh địa) để thờ kính thần minh chiến tranh Mars và một tòa kính thờ nữ thần mùa màng.

Thời đại hoàng đế của đế quốc Roma danh hiệu Pontifex maximus được trao cho vị hoàng đế cai trị đế quốc Roma. Như thế chính trị và tôn giáo đan chéo vào với nhau. Hoàng đế Augustus ( 63 v. Chr. Gaius Octavius ở Rom; † 19. August 14 n. Chr. Thành Nola ).của đế quốc là vị hoàng đế đầu tiên của Roma tự cho mình là Pontifex maximus, sau đó tất cả những vị hoàng đế kế nhiệm tiếp theo cũng nhận danh hiệu này.

Sau khi để quốc Roma sụp đổ danh hiệu Pontifex Maximus được chuyển sang cho thời đại Giáo hoàng. Từ đó danh xưng Summus Pontifex ( Vị Giám mục tối cao) trở thành một trong những danh hiệu của đức giáo hoàng Roma. Từ thế kỷ 06. sau Chúa giáng sinh danh hiệu Pontifex maximus được xưng tụng dành cho các đức giáo hoàng Roma.

Chúa Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, là Vị Trung gian giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người trần gian, là Vị Tư Tế thượng phẩm cao cả. Nhưng không cho mình là Pontifex maximus. Trái lại Ngài tự hạ mình xuống làm người phàm, sống vâng lời Thiên Chúa cho đến chết trên thập gía.( thư Phil. 2,6-11).

Và Kinh Thánh đã diễn tả phẩm chất vị Pontifex maximus của Giáo hội Chúa:

“Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối;3 mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.7Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” ( Thư Do Thái 5,1-10)

Trong ý nghĩa vai trò như thế, Đức tân giáo hoàng Leo XIV. đã muốn là người “ bắc cây cầu- Pontifex” cho Giáo hội Chúa ở trần gian hôm nay và ngày mai.

Đức tân giáo hoàng Leo XIV. đã công khai xác nhận đời sống bản thân mình là một tu sĩ Dòng Thánh Augustino, sống theo phương châm linh đạo của vị Thánh Giáo phụ Augustino:”Tôi là một người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ dòng Augustinô. Ngài đã nói, “Với anh em, tôi là một Kitô hữu, vì anh em, tôi là một giám mục.” Vì vậy, xin cho tất cả chúng ta cùng nhau bước đi về quê hương mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” ( Vatican 08.05.2025).

Rồi ngày Chúa nhật 11.05.2025 lần đầu tiên trong chức vị Giáo Hoàng, đức Leo XIV. đã cùng với mọi người tụ tập nơi quảng trường đền thờ Thánh Phero bên Vatican đọc kinh Regina coeli – Lạy Nữ Vương thiên đàng- Thông thường xưa nay kinh này được đọc, nhưng theo ký giả Lamb viết tường thuật ” A surprise from Pope Leo: singing the #ReginaCaeli prayer". "Pontifex cantando" – Thật là một ngạc nhiên bất ngờ thú vị, đức giáo hoàng Leo hát cầu nguyện kinh Regina coeli “

Cung cách cầu nguyện theo cung điệu âm nhạc hát của vị tân giáo hoàng Leo XIV. tu sĩ Dòng Augustino diễn tả tâm hồn sống theo đúng linh đạo của vị Thánh Augustino sáng lập Dòng đề ra: “Hát là cầu nguyện hai lần”

Kinh Regina coeli được đọc, hay hát trong suốt mùa mừng Chúa Giêsu phục sinh, từ ngày lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh tới lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống thay cho kinh Truyền Tin.

Regina coeli [teilweise: caeli], laetare, alleluia.

Quia quem meruisti portare, alleluia,

Resurrexit, sicut dixit, alleluia.

Ora pro nobis Deum, alleluia.

Gaude et laetare, Virgo Maria, alleluia.

Quia surrexit Dominus vere, alleluia.

Oremus:

Deus, qui per resurrectionem filii tui

Domini nostri Iesu Christi mundum laetificare dignatus es:

praesta, quaesumus, ut per eius Genetricem Virginem Mariam

perpetuae capiamus gaudia vitae.

Per eundem Christum Dominum nostrum.

Amen.

Tiếng Việt Nam:

Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia

Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia

Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa – Alleluia

Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Alleluia

Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc – Alleluia

Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật – Alleluia

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô, là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời dời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Thánh thi kinh cầu nguyện Regina coeli có từ thời thế kỷ 12. Kinh cầu nguyện này là truyền thống rất thịnh hành phổ thông trong các tu viện, và dần được Giáo Hội chính thức công nhận cho phổ biến thành kinh cầu nguyện căn bản rộng rãi trong Giáo hội.

Nội dung lời kinh này hướng về Đức mẹ Maria lồng khung trong mùa lễ mừng kính sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kito, người mẹ xưa kia đã sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu và cùng chịu đựng đau khổ với Chúa Giêsu con mình cho tới lúc Chúa Giêsu chịu chết trên thập gía, rôi được an táng trong mồ dưới lòng đất. Nhưmg Chúa Giêsu được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Nên Sự sống lại của Chúa Giêsu là niềm vui mừng không gì lớn lao hơn cho người mẹ Maria.

Thánh thi Regina coeli này là kinh cầu nguyện trung tâm của nếp sống đức tin trong Giáo Hội Công giáo từ hằng bao thế kỷ qua. Lời kinh cầu nguyện này phát tỏa ra ánh sáng niềm hy vọng và cả sự dấn thân hy sinh ẩn chứa trong đó.

Lời kinh Regina coeli chất chứa tâm tình ca ngợi về niềm vui mừng, niềm hy vọng, một công bố tuyên xưng về sự chiến thắng của Chúa Giesu Kitô đã sống lại từ cõi kẻ chết.

Lời kinh Regena coeli diễn tả tâm tình xin ơn phù giúp của Thiên Chúa qua nhờ lời bầu cửa của Đức mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đàng, cho cuộc sống con người, cho đời sống Giáo hội Chúa ở trần gian, giữ vững lòng tin tưởng, hy vọng trông cậy vào Chúa Giêsu phục sinh, trên con đường hành hương nơi trần gian có nhiều thử thách chao đảo.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Ukraine tìm ra chỗ giấu xe tăng, Nga thiệt hại nặng. Không dám gặp trực tiếp, Putin thua TT Zelensky
VietCatholic Media
17:03 13/05/2025


1. Nga mất 4 triệu đô la tiền xe tăng, xe chiến đấu bộ binh trong cuộc không kích ở Ukraine

Theo Kyiv, thiết bị quân sự của Nga trị giá hàng triệu đô la đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 13 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hôm thứ Hai lực lượng Kyiv đã nhắm vào một nhà chứa máy bay ở một khu vực bị Nga tạm chiếm ở Ukraine và đăng tải một đoạn video mà họ cho là ghi lại cuộc tấn công.

Ukraine tiếp tục sử dụng máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước trên chiến trường, và cuộc tấn công mới nhất nhằm vào mục tiêu ở Nga diễn ra khi Mạc Tư Khoa tiếp tục mất một lượng lớn thiết bị và quân lính.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Trung đoàn tấn công 225 của nước này đã lần ra được một xe tăng Nga ẩn náu trong một nhà chứa máy bay nhờ vào hoạt động trinh sát trên không.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân đội đã phá hủy địa điểm chứa thiết bị bọc thép của Nga trị giá 4 triệu đô la, trong đó có một xe tăng T-72 và một xe chiến đấu bộ binh, gọi tắt là IFV BMD-2.

Các cảnh quay bằng máy bay điều khiển từ xa dường như cho thấy các mục tiêu bị tấn công và hậu quả của các cuộc không kích.

“Một máy bay điều khiển từ xa kamikaze của Ukraine đã bắn trúng xe tăng và chiếc xe tăng này đã bị một máy bay điều khiển từ xa khác tiêu diệt”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Theo trang web Oryx, nơi sử dụng video và ảnh tĩnh để thống kê tổn thất, tính đến thứ Hai, lực lượng Nga đã mất 1.710 xe tăng T-72 các loại trong suốt cuộc chiến.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, sự việc xảy ra trong bối cảnh Ukraine tiến quân theo hướng Toretsk ở khu vực Donetsk vào Chúa Nhật, trong khi lực lượng Nga tiếp tục các hoạt động tấn công theo hướng Chasiv Yar.

Ivan Petrychak, phát ngôn viên của Lữ đoàn cơ giới độc lập số 24 của Ukraine cho biết lực lượng Nga đang cố gắng chiếm Chasiv Yar, một vị trí chiến lược, đã được Trung đoàn Tổng thống tinh nhuệ FSB tăng cường, theo hãng truyền thông Suspilne.

Trong khi đó, Không quân Ukraine hôm thứ Hai cho biết Nga đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trên khắp Ukraine trong đêm bất chấp đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày bắt đầu từ thứ Hai của Kyiv.

[Newsweek: Russia Loses $4 Million Worth of Tanks, IFVs in Ukraine Strike]

2. Nga đáp trả lời kêu gọi ngừng bắn bằng các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa

Ukraine và các đồng minh Âu Châu muốn Nga đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày trước khi bắt đầu đàm phán hòa bình. Vladimir Putin đáp trả bằng cách tấn công Ukraine bằng hơn 100 máy bay điều khiển từ xa sát thủ.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định ông muốn đàm phán trước khi ngừng bắn và ông đang nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

“Tổng thống Putin của Nga không muốn có Thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine, mà muốn gặp nhau vào thứ năm, tại Thổ Nhĩ Kỳ, để đàm phán về khả năng chấm dứt CUỘC TẮM MÁU. Ukraine nên đồng ý với điều này, NGAY LẬP TỨC,” Tổng thống Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình.

Hiện nay, Mạc Tư Khoa và Kyiv đang tỏ ra thận trọng trong các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu là bảo đảm phía bên kia sẽ làm phiền Tổng thống Trump trước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thách thức Putin gặp trực tiếp ở Istanbul.

“Tôi sẽ đợi Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ năm. Cá nhân tôi. Tôi hy vọng rằng lần này người Nga sẽ không tìm lý do bào chữa”, Tổng thống Zelenskiy nói hôm Chúa Nhật.

Phản ứng tức thời của Nga là một làn sóng máy bay điều khiển từ xa trong đêm — hầu hết đều bị lực lượng Ukraine bắn hạ — cũng như các cuộc tấn công liên tục vào các vị trí của Ukraine dọc theo tiền tuyến. Các quan chức Nga đã báo cáo về một cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga.

Oleksandr Merezhko, nhà lãnh đạo ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, nói với tờ POLITICO rằng Tổng thống Zelenskiy đang cố gắng đánh bại Putin bằng cách tuyên bố sẽ tới Istanbul.

“Tổng thống Ukraine đã đảo ngược tình thế. Bởi vì giờ đây Putin không thể không đích thân ra tay, bởi vì khi đó Tổng thống Trump và mọi người sẽ thấy rằng Putin không muốn đàm phán”, Merezhko nói.

Nhà phân tích chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko, nhà lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu chính trị Penta, cho biết nếu Putin tránh xa, điều đó có thể khiến Tổng thống Trump, người hay thay đổi, ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn.

“Nếu Putin từ chối, điều đó có nghĩa là ông ấy không muốn đàm phán, điều đó có nghĩa là ông ấy có thể trông giống như một kẻ thua cuộc trong mắt Tổng thống Trump. Mặc dù Tổng thống Trump nhìn nhận tất cả những điều này như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn”, Fesenko nói.

Tổng thống Trump đã đưa ra lời cảnh báo đó trong bài đăng trên Truth Social của mình, nói rằng cần phải có nỗ lực để đạt được thỏa thuận. “Ít nhất họ sẽ có thể xác định được liệu một thỏa thuận có khả thi hay không, và nếu không, các nhà lãnh đạo Âu Châu và Hoa Kỳ sẽ biết mọi thứ đang ở đâu và có thể tiến hành theo đó”, Tổng thống Trump viết.

Cả hai bên đều đang chỉ trích nhau một cách dữ dội.

Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, hôm thứ Hai đã cáo buộc Ukraine phá vỡ lệnh ngừng bắn trước đây và cảnh báo về “đường lối đơn giản” đối với các cuộc đàm phán.

Mạc Tư Khoa cũng nói rằng Kyiv trước tiên phải hủy bỏ lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo Nga năm 2022.

Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Ukraine nói với POLITICO rằng biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn các chính trị gia Ukraine đàm phán tự do với Nga, và không ngăn cản các cuộc đàm phán trực tiếp với Putin.

“Vào thời điểm đó, người ta tuyên bố rằng không thể nói chuyện với Putin; vào thời điểm này, có thể nói chuyện với Putin,” viên chức này cho biết, nói với điều kiện được giấu tên. “Tổng thống quyết định khi nào và với ai ông ấy nên nói chuyện vào đúng thời điểm. Không có thông tin gì về lệnh cấm.”

Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Zelenskiy có đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ năm và chờ Putin ở đó hay không.

“Chúng tôi sẽ không tiết lộ công khai kế hoạch của mình vì đang chờ phản ứng của Nga”, vị quan chức này cho biết.

[Politico: Russia responds to ceasefire call with drone attacks]

3. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV nói chuyện với Tổng thống Zelenskiy trong cuộc gọi đầu tiên được biết đến của ngài với một nhà lãnh đạo nước ngoài

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, Tổng thống Zelenskiy thông báo vào ngày 12 tháng 5, gọi cuộc thảo luận là “nồng ấm” và “có ý nghĩa”.

Sự kiện này cũng đánh dấu cuộc gọi chính thức đầu tiên được công khai giữa tân giáo hoàng với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức.

“Tôi đã mời Đức Thánh Cha thực hiện chuyến tông du tới Ukraine. Một chuyến thăm như vậy sẽ mang lại hy vọng thực sự cho tất cả các tín hữu và cho tất cả người dân của chúng tôi”, Tổng thống Zelenskiy nói, đồng thời cho biết thêm rằng hai nhà lãnh đạo có kế hoạch tổ chức một cuộc họp trực tiếp trong tương lai gần.

Nhà lãnh đạo nhà nước Ukraine cho biết ông đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì sự ủng hộ của ngài đối với Ukraine và người dân nước này, đồng thời thảo luận về những nỗ lực nhằm đưa những trẻ em Ukraine bị Nga bắt cóc trở về.

“Ukraine trông cậy vào sự hỗ trợ của Vatican để đưa các em về với gia đình,” Tổng thống Zelenskiy lưu ý. Mạc Tư Khoa đã cưỡng bức di dời hơn 19.500 trẻ em Ukraine, trục xuất các em về Nga, Belarus hoặc các vùng lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, trước đây là Hồng Y Robert Prevost, được bầu làm nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Cơ Mật Viện vào ngày 8 tháng 5 sau khi người tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô, qua đời.

Trong bài phát biểu đầu tiên vào Chúa Nhật ngày 11 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã kêu gọi một “nền hòa bình đích thực và lâu dài” tại Ukraine, đồng thời nói thêm rằng ngài mang trong lòng “nỗi đau khổ của người dân Ukraine thân yêu”.

Trước đây, khi còn là Giám mục của Chiclayo ở Peru, Đức Lêô XIV đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh liên tục của Nga chống lại Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với hãng tin Peru Semanario Expresion, ngài đã lên án cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine, mô tả đó là “một cuộc xâm lược thực sự, mang bản chất đế quốc, nơi Nga tìm cách chinh phục lãnh thổ vì lý do quyền lực”.

Tổng thống Zelenskiy cho biết ông đã thông báo với Đức Giáo Hoàng về thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày của Kyiv và các đối tác, đồng thời khẳng định Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình dưới mọi hình thức.

“Ukraine muốn chấm dứt cuộc chiến này và đang làm mọi thứ để đạt được điều đó. Chúng tôi hiện đang chờ đợi những bước đi tương tự từ Nga”, tổng thống nói thêm.

https://kyivindependent.com/Tổng thống Zelenskiy-invites-pope-leo-xiv-to-ukraine-in-their-first-phone-call/

4. Tổng thống Trump nói ‘cả hai nhà lãnh đạo’ sẽ tham dự cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tại Istanbul

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bày tỏ sự lạc quan rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Putin sẽ tham dự các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul vào ngày 15 tháng 5, cho rằng cuộc gặp có thể mang lại “một kết quả tốt”.

“Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy một kết quả tốt từ cuộc họp hôm thứ Năm tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Nga và Ukraine,” Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12 tháng 5.

“ Tôi tin rằng cả hai nhà lãnh đạo đều sẽ ở đó. Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc bay qua — Tôi không chắc mình sẽ ở đâu vào thứ năm, tôi có rất nhiều cuộc họp.”

Tuyên bố này được đưa ra khi Putin đã từ chối lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thay vào đó đề xuất rằng các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp sẽ được tổ chức tại Istanbul bắt đầu từ ngày 15 tháng 5. Tổng thống Zelenskiy cho biết ông sẵn sàng gặp Putin trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Cẩm Linh vẫn chưa chính thức phản hồi tuyên bố của ông.

Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông ủng hộ mạnh mẽ cuộc họp ở Istanbul, gọi đây là cơ hội quan trọng để chấm dứt chiến tranh.

“Cuộc họp giữa Nga và Ukraine vào thứ năm rất quan trọng. Tôi đã thúc đẩy mạnh mẽ để cuộc họp diễn ra. Tôi nghĩ rằng những điều tốt đẹp có thể đến từ cuộc họp này”, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết.

Phản ứng trước bình luận của Tổng thống Trump, Tổng thống Zelenskiy cho biết ông hoan nghênh khả năng Tổng thống Trump tham dự cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là “ý tưởng đúng đắn”.

“Tôi ủng hộ Tổng thống Trump với ý tưởng đàm phán trực tiếp với Putin. Tôi đã công khai bày tỏ sự sẵn sàng gặp mặt. Tôi sẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi hy vọng rằng người Nga sẽ không trốn tránh cuộc gặp”, Tổng thống Zelenskiy nói.

“Và tất nhiên, tất cả chúng tôi ở Ukraine sẽ rất cảm kích nếu Tổng thống Trump có thể ở đó cùng chúng tôi tại cuộc họp này ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống (Recep Tayyip) Erdogan thực sự có thể tổ chức các cuộc họp cao cấp nhất.”

Cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa Putin và Tổng thống Zelenskiy diễn ra vào năm 2019 tại Paris trong hội nghị thượng đỉnh Normandy Format. Kể từ đó, không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai nhà lãnh đạo.

[Kyiv Independent: Trump says 'both leaders' will be at Russia-Ukraine peace talks in Istanbul]

5. Điện Cẩm Linh vẫn từ chối trả lời liệu Putin có tham dự cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga tại Istanbul hay không

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết vào ngày 13 tháng 5, Nga sẽ công bố đại diện của mình tham gia các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến với Ukraine tại Istanbul khi nhà độc tài Vladimir Putin “cho là cần thiết”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã mời Putin gặp mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15 tháng 5 để khởi động cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa kể từ năm 2022, mặc dù Điện Cẩm Linh chưa tiết lộ liệu nhà lãnh đạo Nga có tham dự hay không.

Tuy nhiên, Peskov cho biết “phía Nga vẫn tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc đàm phán ở Istanbul”.

Văn phòng Tổng thống Ukraine đã ra tín hiệu rằng Tổng thống Zelenskiy sẽ không gặp bất kỳ quan chức Nga nào khác ngoại trừ Putin, với lý do chỉ có nhà lãnh đạo Nga mới có thể đưa ra những quyết định cơ bản về cuộc chiến.

Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak cho biết Putin có thể “ủy thác các giai đoạn kỹ thuật và chuẩn bị”, nhưng Ukraine hiểu “ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng”. Theo cố vấn của Yermak, Mykhailo Podolyak, “chỉ có Putin mới có thể đưa ra quyết định tiếp tục chiến tranh hay chấm dứt chiến tranh”.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bày tỏ sự lạc quan về cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo, ám chỉ rằng ông cũng có thể tham dự.

“Cuộc họp giữa Nga và Ukraine vào thứ năm rất quan trọng. Tôi đã thúc đẩy mạnh mẽ để cuộc họp diễn ra. Tôi nghĩ rằng những điều tốt đẹp có thể đến từ cuộc họp này”, Tổng thống Hoa Kỳ cho biết.

Phản ứng trước bình luận của Tổng thống Trump, Tổng thống Zelenskiy cho biết ông hoan nghênh khả năng Tổng thống Trump tham dự cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là “ý tưởng đúng đắn”.

Ukraine và các đồng minh Âu Châu đã thúc giục ngừng bắn vô điều kiện bắt đầu từ ngày 12 tháng 5 như bước đầu tiên hướng tới hòa bình. Nga đã phớt lờ đề xuất này, tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine.

Khi được Kyiv Independent hỏi liệu Tổng thống Zelenskiy có dự định thực hiện chuyến đi ngay cả khi Nga không ủng hộ lệnh ngừng bắn hay nếu Putin từ chối tham dự, một nguồn tin thân cận với tổng thống cho biết, “Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi phương án. Nhưng tất nhiên, chúng tôi đang chờ phản hồi riêng về lệnh ngừng bắn”.

Cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa Putin và Tổng thống Zelenskiy diễn ra vào năm 2019 tại Paris trong hội nghị thượng đỉnh Normandy Format. Kể từ đó, không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai nhà lãnh đạo.

Ukraine và Nga đã không tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp kể từ các cuộc đàm phán không thành công ở Istanbul năm 2022.

[Kyiv Independent: Kremlin still refusing to say whether Putin will attend Ukraine-Russia peace talks in Istanbul]

6. ‘Thời gian đang trôi qua’ - Đức cho Nga đến nửa đêm để thực hiện lệnh ngừng bắn, đe dọa trừng phạt

Đức đã cho Nga thời hạn đến hết ngày 12 tháng 5 để đồng ý ngừng bắn ở Ukraine, cảnh báo rằng nếu không làm như vậy, Đức sẽ chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới, phát ngôn nhân chính phủ Stefan Kornelius cho biết trong một cuộc họp báo, Tagesschau đưa tin vào ngày 12 tháng 5.

“Thời gian đang trôi nhanh — chúng ta vẫn còn 12 giờ nữa cho đến khi ngày này kết thúc,” Kornelius nói, đồng thời nói thêm rằng Berlin đang phối hợp với các đối tác Âu Châu về các lệnh trừng phạt bổ sung.

Cuối cùng, thời hạn nói trên đã trôi qua.

Tối hậu thư được đưa ra sau khi Nga từ chối lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 12 tháng 5, do Ukraine và các đồng minh đề xuất vào tuần trước khi các nhà lãnh đạo Âu Châu đến thăm Kyiv.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày là kết quả chính của các cuộc đàm phán giữa Ukraine, Pháp, Anh, Đức và Ba Lan.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã phản ứng trước những phát biểu này, nói rằng “ngôn ngữ ra tối hậu thư” trong các cuộc đàm phán với Nga là “không thể chấp nhận được”.

“Loại ngôn ngữ tối hậu thư này là không thể chấp nhận được đối với Nga. Nó không phù hợp. Bạn không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ này,” Peskov nói với một nhóm các nhà báo Nga vào ngày 12 tháng 5.

Trong 24 giờ qua, các cuộc tấn công của Nga đã làm bị thương ít nhất 22 người ở Ukraine. Trong đó có ít nhất bảy người bị thương trong các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào đêm ngày 12 tháng 5, ngày mà lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày đáng lẽ phải bắt đầu.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiện ngày 12 tháng 5 cho biết Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine, trả lời các câu hỏi liên quan đến đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Kyiv và Âu Châu.

[Kyiv Independent: 'Clock is ticking' — Germany gives Russia until midnight to implement ceasefire, threatens sanctions]

7. Nga từ chối lực lượng gìn giữ hòa bình Âu Châu, cơ sở hạ tầng của NATO tại Ukraine trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng, Peskov cho biết

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã bác bỏ ý tưởng điều động lực lượng gìn giữ hòa bình Âu Châu tới Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với ABC News phát hành ngày 11 tháng 5.

“Chúng ta không thể để cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tiến gần đến biên giới của chúng ta như vậy”, Peskov nói.

Peskov trước đó đã bác bỏ ý tưởng ngừng bắn 30 ngày là “một lợi thế” cho Ukraine. Khi các đồng minh của Ukraine thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, Putin đã từ chối ngừng bắn ngay lập tức và thay vào đó đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp sẽ được tổ chức tại Istanbul bắt đầu từ ngày 15 tháng 5.

“Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán hòa bình, không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Và đây là những gì ông ấy đã đề xuất trong vài tuần qua. Ông ấy liên tục nói rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán, đàm phán trực tiếp với... Ukraine,” Peskov tuyên bố.

“Không có biện pháp hòa bình và ngoại giao nào trong tay, chúng tôi phải tiếp tục,” Peskov nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ có thể cân nhắc áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine để chấm dứt chiến tranh.

Trong cuộc họp lịch sử tại Kyiv vào ngày 10 tháng 5, Ukraine và các đồng minh Âu Châu đưa ra yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày kể từ ngày 12 tháng 5.

Peskov tuyên bố rằng có nhiều điều cần thảo luận trong các cuộc đàm phán trực tiếp hơn là một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Ukraine và Nga do Hoa Kỳ làm trung gian.

“Giải quyết vấn đề Ukraine là một vấn đề rất phức tạp. Nó không đơn giản như việc chỉ ký một tờ giấy khổ A4 và tuyên bố đó là một thỏa thuận. Đó là một quá trình giải quyết với đầy đủ các chi tiết nhỏ. Và mỗi chi tiết đó đều cực kỳ quan trọng đối với tương lai của cả Nga và Ukraine”, ông nói.

Peskov nhắc lại yêu cầu của Nga rằng Ukraine không còn nhận được các lô hàng vũ khí từ phương Tây nữa.

“Nếu chúng ta nói về lệnh ngừng bắn, các bạn sẽ làm gì với các chuyến hàng vũ khí được vận chuyển hàng ngày từ Hoa Kỳ và các nước Âu Châu?... đó sẽ là một lợi thế cho Ukraine”, Peskov nói.

Điện Cẩm Linh không cho thấy dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận hòa bình với Ukraine, khiến Tổng thống Trump thất vọng. Chính quyền Nga đã liệt kê các yêu cầu tối đa trong các cuộc đàm phán ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian

[Kyiv Independent: Russia rejects European peacekeepers, NATO infrastructure in Ukraine amid potential peace talks, Peskov says]

8. Thống đốc Belgorod của Nga cáo buộc người dân địa phương giả mạo thiệt hại chiến tranh để nhận tiền bồi thường từ nhà nước

Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết trong cuộc họp chính quyền khu vực ngày 13 tháng 5 rằng người dân ở tỉnh Belgorod của Nga cố tình khiến cho tài sản của họ chịu tác động của các cuộc không kích bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine để yêu cầu chính phủ bồi thường.

“Bản thân tôi đã nghe người thân nói: làng của chúng tôi đang bị tấn công, hãy kéo xe ra khỏi gara, có thể họ sẽ bắn phá nó — ít nhất chúng ta sẽ có tiền. Chiếc xe cũ rồi, chúng tôi không thể bán nó được”, Gladkov nói.

Tỉnh Belgorod của Nga, giáp với các tỉnh Sumy, Kharkiv và Luhansk của Ukraine, thường xuyên được sử dụng làm nơi tập kết các cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ Ukraine.

Các quan chức Nga cáo buộc Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc không kích vào Tỉnh Belgorod và thành phố Belgorod kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo thống đốc, một số cư dân địa phương đã bắt đầu gửi đơn yêu cầu tái định cư hàng loạt do nhà nước tài trợ, với lý do lo ngại về các cuộc tấn công đang diễn ra để bảo đảm có được nhà ở mới.

“Nếu không làm như thế thì khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi vẫn sẽ sống trong những ngôi nhà cũ”, Gladkov nói, tóm tắt lại lý lẽ được cho là của những người nộp đơn xin di dời.

Ông cho biết: “Không phải một, không phải hai hay ba thị trấn mà chúng ta thấy các nhóm đang bắt đầu hình thành, những nhóm này đang cố gắng được người dân địa phương lãnh đạo và cố gắng nhận viện trợ của nhà nước, trên thực tế là không có căn cứ nào cho việc đó”.

Theo Gladkov tuyên bố vào tháng Giêng, đến cuối năm 2024, chính quyền Belgorod đã chi trả 15,1 tỷ rúp, hay 187 triệu đô la, tiền bồi thường cho những người dân bị mất tài sản do các cuộc tấn công, hỗ trợ hơn 2.500 gia đình.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 7 tháng 4 rằng quân đội Ukraine hiện diện ở Belgorod. Các quan chức Ukraine cho biết động thái này nhằm buộc Nga phải chuyển hướng nguồn lực từ miền đông Ukraine

9. Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm khi Mạc Tư Khoa một lần nữa bác bỏ lệnh ngừng bắn 30 ngày

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan vào ngày 12 tháng 5 để thảo luận về cuộc gặp được đề xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Putin, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.

Cuộc gọi điện thoại diễn ra trong bối cảnh Mạc Tư Khoa một lần nữa bác bỏ lệnh ngừng bắn 30 ngày, với việc Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn sẽ tạo điều kiện cho “Kyiv khôi phục tiềm lực quân sự và tiếp tục đối đầu với Nga”.

Nga, nước đã đơn phương phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Thay vào đó, Putin đã mời Ukraine tham gia đàm phán trực tiếp tại Istanbul vào cuối tuần này.

Tổng thống Zelenskiy đáp lại bằng cách chấp nhận lời mời, nói rằng ông sẵn sàng gặp Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15 tháng 5 — một quyết định mà nhiều chuyên gia nói với tờ Kyiv Independent có thể khiến Putin bất ngờ.

Để điều phối cuộc họp, Tổng thống Zelenskiy cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào đầu ngày 12 tháng 5.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Putin. Và điều rất quan trọng là tất cả chúng ta ở Âu Châu đang cùng nhau làm việc để bảo đảm an ninh lâu dài”, Tổng thống Zelenskiy nói sau cuộc điện đàm.

Không có thông tin chi tiết nào được công bố ngay lập tức về cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù đã đề nghị tổ chức cuộc họp, Putin vẫn chưa chính thức xác nhận việc ông sẽ tham dự cuộc họp vào ngày 15 tháng 5.

“Mạc Tư Khoa đã im lặng suốt cả ngày về đề xuất họp trực tiếp. Một sự im lặng rất kỳ lạ,” Tổng thống Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối ngày 12 tháng 5.

Nga đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh phương Tây để đồng ý ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp cao cấp.

Sau cuộc họp tại Kyiv, các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và Ba Lan đã đe dọa sẽ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nếu Kyiv không đồng ý ngừng bắn trước ngày 12 tháng 5. Để gia tăng áp lực lên Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông tin rằng “cả hai nhà lãnh đạo sẽ có mặt ở đó”, đồng thời nói thêm “Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc bay qua - Tôi không chắc mình sẽ ở đâu vào thứ năm”.

[Kyiv Independent: Russian, Turkish Foreign Ministers hold phone call as Moscow again rejects 30-day ceasefire]

10. Hơn 107.000 binh lính Nga thiệt mạng ở Ukraine được xác định bởi cuộc điều tra của phương tiện truyền thông

Hãng truyền thông độc lập của Nga Mediazona, hợp tác với BBC tiếng Nga, đã xác nhận danh tính của 107.620 quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine.

Báo cáo mới nhất của cơ quan truyền thông này bao gồm giai đoạn từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 8 tháng 5 năm 2025. Kể từ lần cập nhật gần nhất vào cuối tháng 4, đã có thêm 2.857 quân nhân Nga được xác nhận đã thiệt mạng.

Các nhà báo lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể vì họ chỉ ghi nhận các thông tin đã được xác minh đến từ các nguồn công khai như cáo phó, bài đăng của người thân, hoạt động trồng cây tưởng niệm cộng đồng, các bản tin truyền thông khu vực, các yết thị từ các nhà thờ, tuyên bố từ chính quyền địa phương cùng nhiều nguồn khác.

Cơ quan truyền thông này đã công khai danh sách đầy đủ những người thương vong được nêu tên lần đầu tiên vào tháng 2, kỷ niệm 3 năm ngày Nga xâm lược Ukraine. Theo các cơ quan truyền thông, các tình nguyện viên đã nhập và xác minh dữ liệu thủ công để bảo đảm không có dữ liệu trùng lặp trong cơ sở dữ liệu.

Theo các phương tiện truyền thông, số người chết được xác nhận hiện bao gồm 26.600 tình nguyện viên, 17.100 tù nhân được tuyển dụng và gần 12.000 binh lính được huy động, số còn lại là các quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội Nga. Hơn 5.000 sĩ quan cũng được xác nhận đã thiệt mạng.

Nga đã giành được một số thắng lợi ở miền Đông Ukraine và Tỉnh Kursk trong những tháng gần đây nhưng phải trả giá bằng thương vong nặng nề cũng như mất mát về thiết bị.

Vào ngày 24 tháng 2, các hãng truyền thông độc lập của Nga là Meduza và Mediazona ước tính trong một báo cáo rằng khoảng 165.000 quân Nga đã thiệt mạng kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, trong đó có gần 100.000 người vào năm 2024.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào ngày 15 tháng 2 rằng Mạc Tư Khoa đã mất khoảng 250.000 binh sĩ, trong đó có 20.000 người thiệt mạng chỉ trong các trận chiến ở Tỉnh Kursk của Nga.

Mạc Tư Khoa không tiết lộ số liệu thương vong, mặc dù một quan chức Bộ Quốc phòng đã tiết lộ vào tháng 12 rằng bộ này đã nhận được 48.000 yêu cầu xác định danh tính những người lính mất tích.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC được công bố vào ngày 16 tháng 2, Tổng thống Zelenskiy cho biết hơn 46.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 380.000 người bị thương trên chiến trường.

Tính đến ngày 11 tháng 4, Nga đã mất tổng cộng 965.890 quân kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo. Ước tính này, về cơ bản phù hợp với ước tính của các cơ quan tình báo phương Tây, có thể bao gồm cả những người thiệt mạng, bị bắt, bị thương và mất tích.

Trong bối cảnh các nỗ lực đang diễn ra nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn vẫn đang tiếp diễn, vào ngày 11 tháng 5, Tổng thống Zelenskiy cho biết ông sẽ tới Istanbul để đàm phán hòa bình vào ngày 15 tháng 5 để đáp lại việc Putin bác bỏ đề xuất ngừng bắn và thay vào đó đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga nên tiếp tục.

Ukraine đã nhấn mạnh lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.

[Kyiv Independent: Over 107,000 Russian soldiers killed in Ukraine identified by media investigation]

11. Putin, Erdogan thảo luận về đề xuất đàm phán hòa bình Nga-Ukraine qua điện thoại

Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về đề xuất của Mạc Tư Khoa về việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul bắt đầu từ ngày 15 tháng 5, theo tuyên bố từ Điện Cẩm Linh ngày 11 tháng 5.

Cuộc gọi này diễn ra sau lời mời của Putin trước đó trong ngày về việc Ukraine sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán. Theo trợ lý Điện Cẩm Linh Yury Ushakov, Nga mong muốn cuộc đàm phán này dựa trên các điều khoản của cuộc thảo luận tại Istanbul năm 2022 và “tình hình hiện tại trên chiến trường”.

Điện Cẩm Linh cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về sáng kiến của Nga và Erdogan bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp địa điểm và hỗ trợ tổ chức các cuộc đàm phán.

Điện Cẩm Linh trích lời ông Erdogan cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và nỗ lực nhằm đạt được hòa bình bền vững”.

Mặc dù không nằm trong thông báo của Điện Cẩm Linh, tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc gọi này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.

Tuyên bố có đoạn: “Lưu ý rằng cơ hội đạt được hòa bình đã mở ra”, “Tổng thống Erdogan cho biết lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ tạo ra môi trường cần thiết cho các cuộc đàm phán hòa bình”.

Lời kêu gọi này được đưa ra khi Nga thúc đẩy các cuộc đàm phán được nối lại tại Istanbul trong khi vẫn tiếp tục cuộc tấn công quân sự tại Ukraine. Kyiv đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải bắt đầu bằng việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 11 tháng 5 rằng Ukraine “sẵn sàng gặp mặt” nếu Nga xác nhận lệnh ngừng bắn “hoàn toàn, lâu dài và đáng tin cậy”.

Cuộc đàm phán Istanbul đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 năm 2022, trong đó phác thảo các điều khoản tiềm năng cho một thỏa thuận hòa bình.

Trong ba năm kể từ khi các cuộc đàm phán thất bại, các mạng lưới tuyên truyền của Nga thường xuyên đưa ra ý tưởng rằng hòa bình gần như đã đạt được ở Istanbul, trước khi các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson, được cho là đã gây áp lực buộc Tổng thống Zelenskiy từ chối thỏa thuận và tiếp tục chiến đấu.

Trên thực tế, các tài liệu bị rò rỉ từ năm 2022 cho thấy lời đề nghị hòa bình đầu tiên của Mạc Tư Khoa thực chất là sự đầu hàng của Ukraine.

Theo cuộc điều tra của Sistema thuộc Radio Free Europe/Radio Liberty, dự thảo thỏa thuận ban đầu dài sáu trang của Nga, được trình bày vào ngày 7 tháng 3 năm 2022, yêu cầu Ukraine giảm quân số xuống chỉ còn 50.000 quân và từ bỏ khả năng phát triển hoặc điều động hỏa tiễn tầm xa hoặc các loại vũ khí tiên tiến khác.

Bản dự thảo cũng yêu cầu Ukraine công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Donetsk và Luhansk, tái đầu tư vào các khu vực bị chiến tranh tàn phá theo các điều khoản của Nga và hợp pháp hóa trên thực tế các biểu tượng của Liên Xô và cộng sản.

Keith Kellogg, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ về Ukraine, cho biết trong một cuộc thảo luận ngày 6 tháng 3 tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại: “Các thỏa thuận Istanbul được ký kết 30 ngày sau cuộc xâm lược, và các yêu cầu ở Istanbul khá quan trọng đối với một Ukraine đang rất suy yếu”.

[Kyiv Independent: Putin, Erdogan discuss proposed Russia-Ukraine peace talks in phone call]

12. Ukraine bị cáo buộc tấn công Kursk của Nga trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn

Thống đốc địa phương Alexander Khinshtein tuyên bố có ba người bị thương ở Tỉnh Kursk của Nga khi thị trấn Rylsk bị tấn công bằng hỏa tiễn vào ngày 11 tháng 5.

Ukraine thường xuyên tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine. Putin thừa nhận vào ngày 30 tháng 4 rằng binh lính Ukraine vẫn ở Kursk.

“Theo thông tin ban đầu, có ba người bị thương. Tất cả đều được đưa đến Bệnh viện khu vực trung tâm Rylsk,” Khinshtein cho biết.

Thống đốc địa phương cho biết lối vào khách sạn đã bị hư hại do tác động của hỏa tiễn.

“Sóng nổ cũng làm hư hại hai chiếc xe hơi và hai ngôi nhà riêng: cửa sổ bị đập vỡ, mái nhà và gara bị hư hại. Ba chiếc xe khác bị mảnh đạn cắt đứt,” Khinshtein cho biết.

Ukraine chưa chính thức bình luận về các cuộc không kích được đưa tin và tờ Kyiv Independent không thể xác minh độc lập những tuyên bố do các quan chức Nga đưa ra.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông sẽ tới Istanbul để đàm phán hòa bình vào ngày 15 tháng 5 để đáp lại việc Putin bác bỏ đề xuất ngừng bắn và thay vào đó đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga nên tiếp tục.

Ukraine đã nhấn mạnh lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.

“Chúng tôi mong đợi một lệnh ngừng bắn từ ngày mai — đề xuất này đang được đưa ra thảo luận. Một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện — dài hạn, để cung cấp cơ sở cần thiết cho ngoại giao — có thể đưa hòa bình đến gần hơn nhiều,” Tổng thống Zelenskiy nói.

[Kyiv Independent: Ukraine allegedly targets Russia's Kursk Oblast in missile attack, Russian official claims]
 
Lý do các HY đồng thanh bầu cho Đức Lêô. ĐGH dành cho TT Zelensky một vinh dự. Vụ đặt bom nhà thờ Mỹ
VietCatholic Media
17:08 13/05/2025


1. Mô hình bỏ phiếu của các Hồng Y sáng tỏ khi Đức Lêô XIV được chào đón như một Giáo hoàng của hòa bình

Edward Pentin, ký giả cao cấp thường trú tại Rôma có bài tường trình nhan đề “Cardinals’ Voting Patterns Emerge as Leo XIV Is Welcomed as a Pope of Peace”, nghĩa là “Mô hình bỏ phiếu của các Hồng Y sáng tỏ khi Đức Lêô XIV được chào đón như một Giáo hoàng của hòa bình”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Chắc hẳn anh rất vui mừng khi một người Mỹ được bầu,” Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, mỉm cười nói khi ngài cùng một cộng sự đi dọc theo Via della Conciliazione hướng về Vatican.

Đi dạo vào chiều Chúa Nhật dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, vị Hồng Y người Ý, người chủ trì Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng, đã chia sẻ với Register về hy vọng của ngài rằng Giáo hội sẽ “hòa bình” như “thời các tông đồ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.

Tình cảm của ngài phản ánh một cảm giác hy vọng, lạc quan và bình an rõ rệt dường như đã lan tỏa khắp Thành phố Vĩnh cửu kể từ khi Đức Giáo Hoàng Lêô được bầu vào tối thứ Năm tuần trước, ngay cả khi nó có pha lẫn sự thận trọng trong một số tín hữu.

Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch danh dự của Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo, đang đi dạo hít thở không khí trong lành gần sông Tiber, cho biết ngài cũng coi Đức Lêô XIV là một người của hòa bình và là người biết lắng nghe.

Vị Hồng Y, người ở tuổi 92 không bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện, tin rằng Đức Giáo Hoàng Lêô — người đang được coi là một nhân vật hòa giải sau những chia rẽ sâu sắc trong 12 năm qua — “không quá thiên tả hay thiên hữu” và rằng ngài “muốn tiếp nối với Đức Thánh Cha Phanxicô”. Cả hai phẩm chất này, ngài nói với Register, đều “rất quan trọng”.

Người kế nhiệm Đức Hồng Y Kasper làm nhà lãnh đạo bộ đại kết của Vatican, Hồng Y người Thụy Sĩ Kurt Koch, đã chào đón Đức Giáo Hoàng Lêô như một “người của đối thoại”, nói với Register trong một cuộc trao đổi bên cạnh Quảng trường Thánh Phêrô rằng ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng mới sẽ “mang lại sự hòa hợp” cho Giáo hội. Ngài cũng ca ngợi bầu không khí thân thiện trong suốt Cơ Mật Viện.

Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Baghdad của người Công Giáo Chanđê, tiết lộ rằng ngài ngồi cạnh Đức Hồng Y Robert Prevost trong cuộc bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistina. Ngài nói với Register rằng ngài đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Lêô lên tiếng thay mặt cho các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Đông.

Và trong khi nồng nhiệt chào đón Đức Tân Giáo Hoàng, một số Hồng Y, linh mục và giáo dân cũng đã bày tỏ sự thận trọng riêng tư. Sau những năm tháng đầy biến động của triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và với việc Đức Giáo Hoàng Lêô XIV nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các Hồng Y có khuynh hướng cấp tiến cũng như bảo thủ, một thái độ thận trọng “chờ đợi và xem xét” là rõ ràng.

“Tôi rất hy vọng,” Cha Rok Pogančnik, một linh mục người Slovenia theo truyền thống đã từng xuất hiện trên EWTN, cho biết. “Những gì ngài đã làm cho đến nay có vẻ khá tốt. Hy vọng ngài sẽ mang lại hòa bình rất cần thiết cho Giáo hội. Tôi thích cách ngài không cố gắng chiếm vị trí trung tâm, và có vẻ như ngài thực sự tin tưởng.”

Mô hình bỏ phiếu

Bây giờ khi mọi chuyện đã lắng xuống, những gì diễn ra trong Cơ Mật Viện đang dần trở nên sáng tỏ, dựa trên các cuộc trò chuyện với một số nguồn tin.

Đức Hồng Y Parolin được cho là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bỏ phiếu sớm, đặc biệt là trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, có thể đã thu hút được 40 đến 50 phiếu bầu, nhưng ngài không thể giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn. Các phiếu bầu cho các ứng cử viên hàng đầu khác, chẳng hạn như Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Matteo Zuppi, Mario Grech, Pablo Virgilio David và Jean-Marc Aveline, cũng bị chia rẽ, đặc biệt là giữa các Hồng Y người Ý, người Á Châu và người Phi Châu, vì vậy không ai có thể thu hút được động lực.

Niềm hy vọng rằng những người được Cộng đồng Sant'Egidio hậu thuẫn — như các Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça và Zuppi — cũng đã bị dập tắt do thiếu sự ủng hộ, nhưng số phiếu bầu cho các ứng cử viên “bảo thủ” cũng bị chia rẽ giữa các Hồng Y Péter Erdő, Robert Sarah, Pierbattista Pizzaballa và Malcolm Ranjith, khiến không ai trong số các ngài có cơ hội đắc cử.

Khi tất cả các ứng cử viên này đã bị loại bỏ trên thực tế, thì sân khấu đã được thiết lập cho Đức Hồng Y Prevost xuất hiện. Đã được nhiều Hồng Y coi là ứng cử viên thỏa hiệp có thể có khi bước vào Cơ Mật Viện, ngài bắt đầu nhận được phiếu bầu trong lần bỏ phiếu thứ ba, bao gồm cả trong số những cử tri bảo thủ, một phần là nhờ Hồng Y Timothy Dolan ủng hộ Hồng Y Prevost. Đến vòng bỏ phiếu thứ tư, Hồng Y Prevost đã giành được hơn 100 phiếu bầu, cao hơn nhiều so với đa số hai phần ba là 89 phiếu cần thiết để được bầu.

Điều này đã đạt được mà không cần bất kỳ sự vận động hành lang nào trước Cơ Mật Viện từ phía Đức Hồng Y Prevost. Trái ngược với các báo cáo của phương tiện truyền thông Ý, Register có thể xác nhận rằng Đức Hồng Y Raymond Burke chưa bao giờ tiếp đón Đức Giáo Hoàng tương lai tại căn nhà của mình trong thời gian diễn ra các phiên họp Đại Hội Đồng, cũng như không có bất kỳ áp lực nào khác yêu cầu bỏ phiếu cho Đức Hồng Y Prevost.

Sự hấp dẫn rộng rãi

Nhìn chung, các Hồng Y là những người ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô gần gũi nhất đều hài lòng với kết quả này, và cả những người chỉ trích triều Giáo Hoàng trước đó cũng vậy, cho dù Đức Hồng Y Prevost chưa bao giờ là lựa chọn đầu tiên của các ngài. Tất cả các ngài đều có xu hướng coi Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là người mang lại thời kỳ bình tĩnh và hòa bình cần thiết cho triều Giáo Hoàng sau những chia rẽ trong triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, và những vấn đề đã được nêu ra trong 12 phiên họp Đại Hội Đồng trước Cơ Mật Viện.

Các nguồn khác cũng đồng tình với quan điểm của Đức Hồng Y Koch rằng các cuộc họp đó được tổ chức trong bầu không khí đoàn kết và hữu ích. Các ngài cũng cho biết các cuộc thảo luận “rất thẳng thắn”, với cả lời khen ngợi và chỉ trích về triều Giáo Hoàng trước được đưa tin rộng rãi, trái ngược với các thông cáo báo chí được kiểm soát cẩn thận và tầm thường do Văn phòng Báo chí Tòa thánh ban hành trong những ngày trước Cơ Mật Viện.

Một vấn đề cụ thể được thảo luận liên quan đến việc tuân thủ lỏng lẻo Giáo luật trong 12 năm qua, và Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, người có bằng tiến sĩ giáo luật, được tường trình muốn khôi phục lại sự tôn trọng đối với các vấn đề giáo luật trong Giáo hội, theo các nguồn tin đáng tin cậy.

Những mối quan tâm trong lĩnh vực đó cũng bao gồm luật phụng vụ và tình trạng của Bộ Phụng tự, cũng được mong đợi sẽ được xem xét. Cho đến nay, vẫn chưa có thể chắc chắn liệu ở giai đoạn này, việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ Thánh lễ La tinh truyền thống có được đưa vào quá trình xem xét luật này hay không, nhưng rất có thể sẽ có những phản hồi được gửi đến Đức Giáo Hoàng Lêô vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần liên quan đến những hạn chế đó.

Những diễn biến này, cùng với lời cam kết lắng nghe, xây dựng cầu nối và đối thoại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, đã mang lại hy vọng và sự tin tưởng đáng kể ở Rôma và nhiều nơi khác.

“Ngài đã khởi đầu tốt đẹp,” Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, nói với tờ Corriere della Sera hôm thứ Hai. “Bây giờ một giai đoạn mới bắt đầu. Tôi cảm nhận được sự nhẹ nhõm lan rộng nhất định. Mùa của sự tùy tiện đã qua.”

Sứ thần tòa thánh hiện tại tại Lithuania cho biết thêm: “Chúng ta có thể bắt đầu trông đợi vào một giáo hoàng có khả năng bảo đảm sự ổn định và dựa vào các cấu trúc hiện có, mà không lật đổ hoặc phá vỡ chúng”.


Source:National Catholic Register

2. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói chuyện qua điện thoại sau lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng “hãy nỗ lực hết sức” vì hòa bình lâu dài ở Ukraine và tất cả trẻ em phải được trả về với gia đình.

Theo Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và Tổng thống Ukraine Tổng thống Zelenskiy đã nói chuyện qua điện thoại. Cho đến nay, theo các tuyên bố công khai của Vatican, Tổng thống Zelenskiy hân hạnh là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên nói chuyện qua điện thoại với Đức Tân Giáo Hoàng.

Cuộc gọi điện thoại này diễn ra sau lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine của Đức Giáo Hoàng trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng từ loggia trung tâm của Đền Thờ Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật.

Lời kêu gọi hòa bình thực sự, công bằng và lâu dài cho người dân Ukraine thân yêu

Trong bài phát biểu sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào buổi trưa, ngài nói, “Tôi mang trong lòng nỗi đau khổ của người dân Ukraine yêu dấu”, thúc giục rằng “mọi nỗ lực phải được thực hiện để đạt được một nền hòa bình thực sự, công bằng và lâu dài càng sớm càng tốt”.

“Mong tất cả các tù nhân được trả tự do và mong trẻ em được trở về với gia đình”, ngài nói.

Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại rằng vào ngày 8 tháng 5, “thảm kịch to lớn của Thế chiến thứ hai” đã kết thúc 80 năm trước, “sau khi gây ra 60 triệu ca tử vong”.

Sau đó, ngài kêu gọi đừng bao giờ để chiến tranh xảy ra nữa, đồng thời đưa ra lời kêu gọi cụ thể cho Ukraine, Gaza và biên giới Ấn Độ-Pakistan.

Tổng thống Zelenskiy cho biết 'Chúng tôi rất coi trọng lời nói của Đức Tân Giáo Hoàng'

Sau cuộc trò chuyện với Giáo hoàng, Tổng thống Zelenskiy đã cho biết về cuộc trò chuyện đầu tiên của ngài với Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, nói rằng ông cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì đã ủng hộ Ukraine.

“Chúng tôi đánh giá cao những lời của ngài về nhu cầu đạt được nền hòa bình công bằng và lâu dài cho đất nước chúng ta và việc thả tù nhân”, Tổng thống Ukraine cho biết, đồng thời nói thêm rằng hai vị cũng thảo luận về “hàng ngàn trẻ em Ukraine bị Nga trục xuất”.

Tổng thống nhấn mạnh rằng Ukraine “tin tưởng vào sự hỗ trợ của Vatican để đưa các em về với gia đình”.

Ngoài ra, ông cho biết ông đã thông báo với Đức Giáo Hoàng về “thỏa thuận giữa Ukraine và các đối tác của chúng tôi rằng, bắt đầu từ hôm nay, lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong ít nhất 30 ngày phải bắt đầu”.

Tổng thống nói thêm rằng ông tái khẳng định “Ukraine sẵn sàng đàm phán thêm ở mọi hình thức, bao gồm cả đàm phán trực tiếp”.

Với tinh thần này, ông cho biết, “Ukraine muốn chấm dứt cuộc chiến này và đang làm mọi thứ để đạt được điều đó”, và rằng Ukraine “đang chờ đợi những bước đi tương tự từ Nga”.

Tổng thống Zelenskiy lưu ý rằng ông đã mời Đức Giáo Hoàng Lêô XIV thực hiện Chuyến tông du tới Ukraine, nói rằng chuyến thăm như vậy “sẽ mang lại hy vọng thực sự cho tất cả các tín hữu và toàn thể người dân của chúng ta”.

“Chúng tôi đã đồng ý giữ liên lạc và lên kế hoạch gặp mặt trực tiếp trong tương lai gần”, Tổng thống nói.


Source:Vatican News

3. 'Một hành động đen tối nhất của cái ác' – bom phát nổ trên bàn thờ nhà nguyện giáo xứ Pennsylvania

“Tôi vô cùng đau lòng khi một hành động tàn ác, đáng ghét và độc ác như vậy lại xảy ra.”

Giám mục Allentown, Pa., đã lên án vụ nổ bom tại nhà nguyện của một giáo xứ địa phương vào tuần này, gọi đây là “hành động thù hận tôn giáo”.

Không có ai bị thương, nhưng bình đựng Mình Thánh Chúa đã bị hư hại khi thiết bị này phát nổ.

“Tôi vô cùng đau lòng khi một hành động tàn ác, đáng ghét và độc ác như vậy lại xảy ra tại Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta,” Đức Giám Mục Alfred Schlert cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng 5.

“Niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của Đức tin Công Giáo. Sử dụng thiết bị nổ để phá hủy Bí tích Thánh Thể là hành động của cái ác đen tối nhất”, Đức Cha Schlert nói.

“Tôi cảm ơn Chúa vì không có ai bị thương trong vụ việc và nghi phạm đã bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ.”

Phát ngôn nhân cảnh sát Pennsylvania cho biết vụ việc xảy ra vào tối ngày 6 tháng 5.

“Vào khoảng hơn 9 giờ tối, một người đàn ông 32 tuổi đã vào Nhà nguyện Chầu Thánh Thể Thường trực tại Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta ở Thành phố Mahanoy và đặt một thiết bị nổ trên bàn thờ”.

“Thiết bị phát nổ, làm hỏng Mặt nhật và các bức tượng bên trong nhà nguyện, làm móp bàn thờ và làm vỡ nhiều cửa sổ kính màu.”

Phát ngôn nhân nói thêm: “Động cơ của nghi phạm vẫn chưa được biết và vụ việc hiện đang được điều tra tích cực”.

Trong bài đăng trên Facebook vào ngày 7 tháng 5, Giáo xứ Thánh Teresa Calcutta thông báo rằng nhà nguyện sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

“Chúng tôi rất buồn,” bài đăng cho biết. “Chúng tôi biết Nhà nguyện là nơi trú ẩn, an ủi và chữa lành, và mọi người đã đến từ khắp Quận và xa hơn nữa. Nhà nguyện đã tồn tại từ năm 1982.”

Đức Cha Schlert cho biết trong tuyên bố của mình rằng trong khi ngài tha thứ cho người chịu trách nhiệm, ngài cũng cầu nguyện rằng nghi phạm “sẽ nhận được sự giúp đỡ cần thiết và công lý đòi hỏi cho hành động của người đó.”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ghi nhận hơn 370 vụ đốt phá, phá hoại và phá hủy tại các nhà thờ Công Giáo trong năm năm qua.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Đức Hồng Y Timothy Dolan, nhà lãnh đạo ủy ban tự do tôn giáo của USCCB, đã cảnh báo về “xu hướng đáng lo ngại” về các cuộc tấn công bạo lực và phá hoại nhằm vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

“Một cuộc tấn công vào một ngôi nhà thờ chắc chắn là một cuộc tấn công vào cộng đồng cụ thể tụ họp ở đó,” ngài nói. “Đó cũng là một cuộc tấn công vào nguyên tắc sáng lập của nước Mỹ như một nơi mà tất cả mọi người có thể thực hành đức tin của mình một cách tự do. Và đó là một cuộc tấn công vào tinh thần con người, khao khát biết được sự thật về Chúa và cách hành động theo sự thật.”


Source:Pillar

4. Bắc Kinh đưa ra lời chúc mừng Đức Tân Giáo Hoàng từ một viên chức cấp rất thấp

Theo thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cũng giống như cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các thực thể Công Giáo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát đã phản ứng lạnh nhạt với cuộc bầu cử Đức Lêô XIV lên Tòa Phêrô giống như họ đã làm sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 21 tháng 4.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hàng ngày vào chiều Thứ Bẩy, 10 Tháng Năm, tập trung vào chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Tập Cận Bình để kỷ niệm 80 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lâm Kiến đã trả lời một câu hỏi của một nhà báo từ hãng thông tấn AP về cuộc bầu cử giáo hoàng.

“Chúng tôi xin chúc mừng Hồng Y Robert Prevost được bầu làm giáo hoàng mới”, ông nói. “Chúng tôi hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng mới, Vatican sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc trên tinh thần xây dựng, có sự giao tiếp sâu sắc về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, cùng nhau thúc đẩy sự cải thiện liên tục của quan hệ Trung Quốc-Vatican và đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của thế giới.”

Đó không thể được coi là một lời chúc mừng cấp nhà nước mà chỉ là một câu trả lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao trước một câu hỏi của một phóng viên báo chí. Nếu không có câu hỏi ấy, có thể là không có câu trả lời.

Cả Hội Công Giáo Yêu Nước và các giáo phận khác nhau của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đăng bất cứ phản ứng nào trên trang web hoặc hồ sơ WeChat của họ. Càng đáng buồn hơn khi sự kiện này đi kèm với thực tế là không có giám mục Trung Quốc nào có khả năng tham dự Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV vào ngày 18 tháng 5. Họ cũng đã không tham dự tang lễ của Đức Phanxicô.

Điều này khá khác biệt so với phản ứng của những người Công Giáo Trung Quốc bình thường và các linh mục của họ, những người, giống như họ đã làm với cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã công khai bày tỏ cảm xúc vui mừng của họ. Tại nhiều nhà thờ ngày nay, tên của vị Tân Giáo Hoàng đã được đưa vào lời cầu nguyện trong Thánh lễ.

Tổng thống Đài Loan Lại Chính Đức đã gửi lời chúc mừng tới vị Tân Giáo Hoàng, nói rằng đất nước của ông hy vọng sẽ củng cố mối quan hệ hiện có với Tòa thánh để thúc đẩy hòa bình và công lý.

Vatican là một trong 12 quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Có lẽ để tránh căng thẳng với đại lục, Tổng thống Lại Chính Đức đã chọn không tham dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thay vào đó, ông cử một cựu phó tổng thống, một người Công Giáo tên là Trần Kiến Nhân, đến dự.

5. Diễn từ của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong cuộc gặp gỡ với các phương tiện truyền thông

Hôm Thứ Hai, 12 Tháng Năm, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã có cuộc gặp gỡ với các phương tiện truyền thông đưa tin về Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn diễn từ của ngài qua phần trình bày của Kim Thúy

Chào buổi sáng và cảm ơn anh chị em vì sự đón tiếp tuyệt vời này! Người ta nói rằng những tiếng vỗ tay lúc đầu thì không quan trọng lắm, điều quan trọng hơn nhiều là nếu anh chị em vẫn còn thức vào cuối buổi và anh chị em vẫn muốn vỗ tay… cảm ơn anh chị em rất nhiều!

Anh chị em thân mến,

Tôi chào đón anh chị em, những đại diện của các phương tiện truyền thông từ khắp nơi trên thế giới. Cảm ơn anh chị em vì công việc mà anh chị em đã và đang làm trong những ngày này, đây thực sự là thời gian ân sủng cho Giáo hội.

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9). Đây là một mối Phúc thật thách thức tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt liên quan đến anh chị em, kêu gọi mỗi người trong anh chị em phấn đấu cho một loại truyền thông khác, một loại truyền thông không tìm kiếm sự đồng thuận bằng mọi giá, không sử dụng những lời lẽ hung hăng, không theo văn hóa cạnh tranh và không bao giờ tách biệt việc tìm kiếm sự thật khỏi tình yêu mà chúng ta phải khiêm nhường tìm kiếm. Hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta: trong cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác và nói về người khác.

Theo nghĩa này, cách chúng ta truyền thông có tầm quan trọng cơ bản: chúng ta phải nói “không” trước các cuộc chiến tranh bằng lời nói và hình ảnh, chúng ta phải từ chối mô hình chiến tranh.

Do đó, hôm nay tôi xin nhắc lại tình liên đới của Giáo hội với các nhà báo đang bị cầm tù vì tìm cách đưa tin về sự thật, và với những lời này, tôi cũng yêu cầu trả tự do cho những nhà báo bị cầm tù này. Giáo hội công nhận ở những nhân chứng này - tôi đang nghĩ đến những người đưa tin về chiến tranh ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của họ - lòng dũng cảm của những người bảo vệ phẩm giá, công lý và quyền được thông tin của mọi người, bởi vì chỉ những cá nhân được thông tin mới có thể đưa ra những lựa chọn tự do. Nỗi đau khổ của những nhà báo bị cầm tù này thách thức lương tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, kêu gọi tất cả chúng ta bảo vệ món quà quý giá là quyền tự do ngôn luận và báo chí.

Thưa anh chị em rất thân mến, cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ của anh chị em cho sự thật. Anh chị em đã ở Rôma trong vài tuần qua để đưa tin về Giáo hội, sự đa dạng của Giáo hội và đồng thời là sự thống nhất của Giáo hội. Anh chị em đã có mặt trong các nghi lễ của Tuần Thánh và sau đó đưa tin về nỗi buồn về cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mặc dù vậy, sự kiện này vẫn diễn ra trong bối cảnh của Lễ Phục sinh. Cũng chính đức tin Phục sinh đó đã đưa chúng ta vào tinh thần của Cơ Mật Viện, trong đó anh chị em đã làm việc nhiều ngày dài và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả trong dịp này, anh chị em đã cố gắng kể lại vẻ đẹp của tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu đã hợp nhất và biến chúng ta thành một dân tộc, được hướng dẫn bởi Đấng Chăn Chiên Lành.

Chúng ta đang sống trong thời đại vừa khó khăn để điều hướng vừa khó khăn để kể lại. Những thời đại này đặt ra thách thức cho tất cả chúng ta nhưng chúng ta không nên trốn tránh. Ngược lại, chúng đòi hỏi mỗi người chúng ta, trong những vai trò và dịch vụ khác nhau của mình, không bao giờ được đầu hàng sự tầm thường.

Giáo hội phải đối diện với những thách thức do thời đại đặt ra. Tương tự như vậy, truyền thông và báo chí không tồn tại ngoài thời gian và lịch sử. Thánh Augustinô nhắc nhở điều này khi ngài nói, “Chúng ta hãy sống tốt và thời đại sẽ tốt đẹp. Chúng ta là thời đại” (Diễn văn 80.8).

Do đó, cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã làm để vượt qua những khuôn mẫu và sáo ngữ mà chúng ta thường dùng để diễn giải đời sống Kitô hữu và đời sống của chính Giáo hội. Cảm ơn anh chị em vì đã nắm bắt được bản chất của chúng ta và truyền tải nó đến toàn thế giới thông qua mọi hình thức truyền thông có thể.

Ngày nay, một trong những thách thức quan trọng nhất là thúc đẩy truyền thông có thể đưa chúng ta ra khỏi “Tháp Babel” mà đôi khi chúng ta thấy mình đang ở trong đó, thoát khỏi sự nhầm lẫn của những ngôn ngữ vô tình thường mang tính ý thức hệ hoặc đảng phái. Do đó, dịch vụ của anh chị em, với những từ ngữ anh chị em sử dụng và phong cách anh chị em áp dụng, là rất quan trọng. Như anh chị em đã biết, truyền thông không chỉ là truyền tải thông tin mà còn là tạo ra một nền văn hóa, môi trường của con người và kỹ thuật số trở thành không gian cho đối thoại và thảo luận. Khi nhìn vào cách công nghệ đang phát triển, sứ mệnh này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi đặc biệt nghĩ đến trí tuệ nhân tạo, với tiềm năng to lớn của nó, tuy nhiên đòi hỏi trách nhiệm và sự sáng suốt để bảo đảm rằng nó có thể được sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người, để nó có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Trách nhiệm này liên quan đến mọi người theo tỷ lệ tuổi tác và vai trò của họ trong xã hội.

Anh chị em thân mến, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn theo thời gian. Chúng ta có thể nói với nhau rằng chúng ta đã trải qua những ngày thực sự đặc biệt. Chúng ta đã chia sẻ chúng thông qua mọi hình thức phương tiện truyền thông: TV, radio, internet và mạng xã hội. Tôi chân thành hy vọng rằng mỗi người chúng ta có thể nói rằng những ngày này đã tỏ lộ một chút mầu nhiệm về nhân loại của chúng ta và để lại cho chúng ta mong muốn về tình yêu và hòa bình. Vì lý do này, hôm nay tôi nhắc lại với anh chị em lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp của ngài cho Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới năm nay: chúng ta hãy giải trừ mọi định kiến và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù khỏi truyền thông; chúng ta hãy giải phóng truyền thông khỏi sự hung hăng. Chúng ta không cần thứ truyền thông ồn ào, mạnh mẽ, mà là thứ truyền thông có khả năng lắng nghe và tập hợp tiếng nói của những người yếu thế không có tiếng nói. Chúng ta hãy giải trừ vũ khí ngôn từ và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí thế giới. Giao tiếp giải trừ vũ khí và giải trừ vũ khí cho phép chúng ta chia sẻ một góc nhìn khác về thế giới và hành động theo cách phù hợp với phẩm giá con người của chúng ta.

Anh chị em đang ở tuyến đầu trong việc đưa tin về các cuộc xung đột và khát vọng hòa bình, về các tình huống bất công và nghèo đói, và về công việc thầm lặng của rất nhiều người đang đấu tranh để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Vì lý do này, tôi yêu cầu anh chị em hãy lựa chọn một cách có ý thức và can đảm con đường truyền thông ủng hộ hòa bình.

Cảm ơn tất cả anh chị em và cầu xin Chúa ban phước lành cho anh chị em!

6. Đức Giáo Hoàng Lêô cho biết ngài chọn tông hiệu này vì cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo

Trong cuộc họp với Hồng Y đoàn hôm thứ Bảy, hai ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV giải thích rằng ngài chọn danh hiệu giáo hoàng của mình như một cam kết với giáo huấn xã hội của Giáo hội trong bối cảnh cuộc cách mạng mới về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra.

Phát biểu trước các Hồng Y vào ngày 10 tháng 5, Đức Giáo Hoàng cho biết có nhiều lý do giải thích tại sao ngài chọn danh hiệu Giáo hoàng của mình, “nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum hay Tân Sự đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp vĩ đại đầu tiên”.

Rerum Novarum là một thông điệp do Đức Giáo Hoàng Leo XIII viết vào năm 1891, đề cập đến các điều kiện của giai cấp công nhân và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhau. Thông điệp này được ca ngợi rộng rãi là đã đặt ra khuôn khổ cho học thuyết xã hội hiện đại của Giáo Hội Công Giáo và lập trường của Giáo hội về các vấn đề xã hội, vốn là nền tảng của triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô.

“Trong thời đại của chúng ta, Giáo hội trao cho mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình để ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động,” Đức Lêô phát biểu trong bài phát biểu của mình.

Ngài chia bài phát biểu của mình thành hai phần, phần đầu là những phát biểu được chuẩn bị trước dành cho các Hồng Y, phần thứ hai dành cho các câu hỏi, gợi ý và đề xuất về các vấn đề cụ thể đã được thảo luận trong những ngày trước Cơ Mật Viện.

Đức Lêô nói với các Hồng Y rằng sự hiện diện của các ngài là sự bảo đảm với ngài rằng “Chúa, Đấng đã giao phó cho tôi sứ mệnh này, sẽ không để tôi đơn độc trong việc gánh vác trách nhiệm này”.

Ngài thúc giục các Hồng Y xem sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Cơ Mật Viện là “một giai đoạn trong cuộc di cư dài mà Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta tới cuộc sống viên mãn”.

“Chúng ta phải là những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Người và là những thừa tác viên trung thành của kế hoạch cứu độ của Người, luôn ghi nhớ rằng Thiên Chúa thích giao tiếp với Người, không phải trong tiếng sấm rền và động đất, mà là trong 'tiếng thì thầm của làn gió nhẹ' hoặc, như một số người dịch, trong 'âm thanh của sự im lặng tuyệt đối'“, ngài nói.

Đức Leo nhấn mạnh rằng chính cuộc gặp gỡ thiết yếu và quan trọng này với Thiên Chúa mà các mục tử của Giáo hội phải hướng dẫn những người được giao phó cho mình chăm sóc.

Theo nghĩa này, ngài yêu cầu các Hồng Y đổi mới “cam kết hoàn toàn” của mình đối với “con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo trong nhiều thập niên sau Công đồng Vatican II”, mà ngài cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh họa “một cách tài tình và cụ thể” trong tông huấn Evangelii Gaudium năm 2013, tông huấn đầu tiên của ngài trong triều Giáo Hoàng.

Đề cập đến văn kiện này, Đức Leo đã nhấn mạnh đến các khía cạnh của “cuộc hoán cải truyền giáo” của cộng đồng Kitô giáo, cũng như sự phát triển trong tính công đồng và tính đồng đoàn và sự chú ý nhiều hơn đến cảm thức đức tin, “đặc biệt là trong những hình thức chân thực và bao trùm nhất của nó, chẳng hạn như lòng đạo đức bình dân”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến tình yêu thương và sự quan tâm đến người nghèo và người bị bỏ rơi, cũng như đối thoại với thế giới hiện đại.

“Đây là những nguyên tắc truyền giáo luôn truyền cảm hứng và hướng dẫn cuộc sống và hoạt động của gia đình Thiên Chúa”, ngài nói và cho biết những giá trị này là biểu hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, “đã được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Người Con nhập thể, niềm hy vọng cuối cùng của tất cả những ai chân thành tìm kiếm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ”.

Đức Lêô cho biết ngài cảm thấy được kêu gọi đi theo con đường đó, đó là một phần lý do tại sao ngài chọn tông hiệu là Lêô XIV, xét theo thông điệp mà Rerum Novarum có thể mang đến cho thế giới ngày nay.

Ngài kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách trích dẫn bài diễn văn nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sau khi được bầu làm giáo hoàng: “Nguyện ngọn lửa đức tin và tình yêu vĩ đại lan tỏa khắp thế giới trong tất cả những người nam và nữ thiện chí”.

“Nguyện xin điều này soi sáng con đường hợp tác lẫn nhau và ban phước cho nhân loại dồi dào, bây giờ và mãi mãi, với chính sức mạnh của Thiên Chúa, mà nếu không có sự giúp đỡ của Người, không có điều gì là có giá trị, không có điều gì là thánh thiện”, Đức Giáo Hoàng nói, đồng thời cầu nguyện rằng tình cảm của họ “được chuyển thành lời cầu nguyện và cam kết, với sự giúp đỡ của Chúa”.


Source:Crux

7. 7 tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin ở Nigeria tử nạn xe hơi, ban lãnh đạo kêu gọi cầu nguyện

Các thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin (OFM Cap) tại Nigeria đang kêu gọi cầu nguyện sau một vụ tai nạn xe hơi khiến bảy anh em của họ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trong một tuyên bố chia sẻ với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Phi Châu, vào ngày 5 tháng 5, ban lãnh đạo của dòng tại Nigeria đã cung cấp thông tin chi tiết về vụ tai nạn xảy ra vào ngày 3 tháng 5 tại Cộng đồng Ridgeway ở tiểu bang Enugu của Nigeria.

“Với nỗi buồn sâu sắc nhưng trong niềm hy vọng vào Ngày Phục sinh, Dòng Phanxicô Capuchin thuộc Nigeria xin thông báo về cái chết của một số anh em trong một sự việc bi thảm xảy ra vào tối ngày 3 tháng 5 năm 2025,” tuyên bố có chữ ký của Cha John-Kennedy Anyanwu, người quản lý của dòng cho biết.

“Mười ba anh em của chúng tôi đã rời khỏi Cộng đồng Ridgeway, tiểu bang Enugu, đến Obudu, tiểu bang Cross Rivers, Nigeria, nhưng không may đã gặp phải một tai nạn chết người. Bảy anh em đã tử vong do tai nạn, trong khi sáu người trong số họ bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Những anh em bị thương đã được chuyển đến Enugu để điều trị thích hợp.”

Trong tuyên bố, Cha Anyanwu đã phó thác linh hồn của những người đồng cấp đã khuất cho “tình yêu thương của Chúa” và mời mọi người “cùng chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn các anh em được siêu thoát”. Ngài cho biết việc tổ chức tang lễ sẽ được “thông báo kịp thời”.

“Lạy Chúa, xin ban cho họ sự nghỉ ngơi vĩnh cửu, và xin ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi họ. Xin cho họ được nghỉ ngơi trong bình an. Amen,” tuyên bố kết thúc.


Source:Catholic World Report