Ngày 09-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 09/05/2025

121. Khi vui vẻ thì con người thường cám ơn Thiên Chúa, nhưng khi gặp đau khổ thì chỉ có người công chính mới biết cảm tạ. Khi đau khổ mà tự trong lòng nói một câu cảm tạ Thiên Chúa, thì càng làm cho Thiên Chúa ưa thích hơn là nói cả vạn câu cám ơn khi vui vẻ.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:38 09/05/2025
37. MỘT CON KHỈ SAY

Có người mua một con khỉ, đem áo cho nó mặc và đem mũ cho nó đội, lại còn dạy nó quỳ bái trong các dịp lễ tết, mọi thứ đều rất giống người.

Một hôm, chủ nhân mở tiệc đãi khách, kêu con khi ra biểu diễn hành lễ, mọi người đều cảm thấy nó rất dễ thương.

Có một khách lấy rượu thưởng cho nó, nó uống cho đến khi say tí bỉ, vứt cả mũ áo bò lăn khắp nơi. Mọi người cười lớn, nói:

- “Con khỉ này khi chưa uống rượu thì rất giống người, nào ngờ mới uống chút rượu thì không giống người nữa.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 37:

Khỉ mặc áo, khỉ đội mũ, khỉ làm trò, khỉ uống rượu giống như người nhưng không phải là người, nên khi khỉ say thì khỉ hoàn khỉ, bởi vì nó đã lột những cái giống người vứt xuống đất và tánh khỉ…lòi ra.

Người độc ác mưu mô thâm hiểm nổi tiếng mà đột nhiên lại đổi tính nết hiền lành, khiêm nhượng, nói năng nhỏ nhẹ thì hãy coi chừng, tránh họ càng xa càng tốt, bởi vì họ đang “khoác” trên mình cái áo khiêm nhường, cái mũ hiền lành của con người vốn bản thiện giống như người thánh thiện, nhưng khi uống đã say (đạt mục đích của mình) thì quăng vứt cái mũ hiền lành, cái áo khiêm nhường xuống đất và tác oai tác quái gấp bội hơn trước…

Khỉ vẫn là khỉ dù nó có thông minh cực kỳ, người ác độc thâm hiểm thì vẫn là người ác độc dù họ có nói lời nhẹ nhàng, hiền lành chăng nữa, nếu họ không được Lời Chúa tác động…

Không thể nào biển đổi người khác nếu không biến đổi mình trước, và sẽ không có chuyện người ác biến thành người lành nếu không có sự thống hối và quyết tâm, gương sáng của người khác và tiếng Chúa thúc giục trong lương tâm…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chủ hiền chiên ngoan
Lm Nguyễn Xuân Trường
06:55 09/05/2025
CHỦ HIỀN CHIÊN NGOAN

Hàng tỷ người trên thế giới đang vui mừng vì có Đức Giáo Hoàng mới. Ngài cần phải làm gì để trở nên một mục tử tuyệt vời? Và đoàn chiên Chúa cũng phải sống ra sao? Lời Chúa trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành tuần này gợi ý những đặc điểm của mục tử tốt và chiên ngoan: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.”

1. Mục tử tuyệt vời. Người ta đánh giá các vị mục tử cấp tiến hay bảo thủ, thiên tả hay thiên hữu… vị nào hợp với ý riêng của mình thì sẽ là tuyệt vời, còn không hợp với mình thì bị chê chả ra gì! Nhưng Chúa Giêsu đã cho thấy hình ảnh vị mục tử tuyệt vời là biết chiên và ban cho chiên sự sống đời đời. Biết chiên bằng trái tim yêu thương để thấu hiểu, cảm thông, nâng đỡ, chăm lo cho chiên. Ban cho chiên sự sống đời đời bằng lối sống quên mình đi vì đoàn chiên đến độ đổ máu mình để cứu chuộc chiên.

2. Chiên ngoan nghe theo. Con ngoan là con nghe lời cha mẹ, chiên ngoan là chiên nghe lời Chúa trong Kinh Thánh, trong cầu nguyện, trong lương tâm. Nghe lời thì không phải nghe xong rồi bỏ ngoài tai, nghe như nước đổ lá khoai, nhưng là nghe và đem ra thực hành, là dấn thân bước theo Chúa trên con đường yêu thương, tha thứ, phục vụ, hy sinh. Theo ai là gắn bó đời mình với người ấy. Chiên theo Chúa là gắn bó đời chiên với Chúa. Vậy tôi là chiên có siêng năng nghe lời Chúa qua việc đọc Kinh Thánh không? Theo Chúa thì tôi có vui vẻ đi tham dự thánh lễ để gặp Chúa không?

Xin tạ ơn Chúa là mục tử nhân lành yêu thương chăm sóc chúng con. Xin Chúa cho có nhiều người quảng đại sống đời dâng hiến để Giáo Hội có nhiều vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Và xin Chúa cũng cho chúng con quyết tâm sống như những con chiên ngoan: biết lắng nghe và bước theo Chúa. Amen.
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 4 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 09/05/2025
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

(Ngày cầu cho ơn thiên triệu)

Tin mừng: Ga 10, 27-30.

“Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi”.


Bạn thân mến,

Giáo Hội dành riêng chúa nhật này để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, để Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều người hiến dâng cuộc sống của mình để phục vụ Thiên Chúa trong ơn gọi của mình, trong niềm xác tín vào ơn gọi linh mục mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội, tôi xin chia sẻ với bạn ba điểm này:

1. Ơn thiên triệu là một sáng kiến của Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương nhân loại mà có những sáng kiến độc đáo vượt qua trí khôn của con người để cứu chuộc nhân loại, trong đó có sáng kiến kêu gọi một số người sống đời tận hiến, để thay mặt Ngài để hiến tế, để tha tội, để phục vụ tha nhân và loan truyền Phúc Âm cho mọi người, đó chính là các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và những người tự nguyện sống trong các cộng đoàn tu hội đời được Giáo Hội chấp thuận.

Ơn thiên triệu tự nó đã nói lên được lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, bởi tự bản chất của nó là mời gọi, là triệu tập những người thiện chí đi theo lời mời gọi của Ngài để trở nên một dụng cụ mới hơn, đắc lực hơn trong công việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

Sáng kiến này được Đức Chúa Giê-su thực hiện đầu tiên khi Ngài kêu gọi các tông đồ đi theo Ngài, để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Ngài ở trần gian, và hơn hai ngàn năm nay Thiên Chúa –qua Giáo Hội- vẫn tiếp tục mời gọi những tâm hồn thiện chí biết quên mình để phục vụ và yêu thương Ngài nơi tha nhân, chính ơn gọi này đã làm cho nhân loại ngày càng tốt tươi hơn, gần gủi với nhau hơn, và thấy rõ được tình yêu Thiên Chúa hơn, qua đời sống tận hiến của các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội.

Bởi vì Ơn thiên triệu là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, nên chỉ có Thiên Chúa mới độc quyền kêu mời và tuyển chọn ai thì theo ý muốn của Ngài mà thôi, và như thế thì thật vinh dự cho người được chọn vậy...

2. Linh mục là quà tặng Thiên Chúa ban cho thế gian.

Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu độ trần gian- đã vì yêu thương nhân loại mà thiết lập chức linh mục –bí tích Truyền Chức thánh- để qua bí tích này, nhân loại đón nhận vô vàn ân sủng của Ngài ban cho qua các linh mục, và chính nhờ bí tích này mà Đức Chúa Giê-su –qua bí tích Thánh Thể- đã trở nên của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn những người tin vào Ngài. Đây là một hồng ân và là một món quà vô giá, mà chỉ có Thiên Chúa mới hào phóng ban tặng cho nhân loại mà thôi, bởi vì không một cá nhân nào tự quyền cho mình lam linh mục, không một tổ chức nhân loại nào có quyền tự phong chức linh mục cho người khác, hoặc đặt người trong tổ chức của mình làm linh mục, nếu đoàn thể đó không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và đức giáo hoàng Rô-ma.

Các tín hữu Công Giáo càng ý thức mình là người Ki-tô hữu, thì càng đề cao vai trò của các linh mục trong đời sống thiêng liêng của mình, bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, người Ki-tô hữu đã được hưởng biết bao ơn lành của Thiên Chúa từ tay các linh mục, đó chính là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa ban cho họ, chính qua bí tích Truyền Chức thánh mà linh mục trở nên Đức Chúa Ki-tô thứ hai để tiếp tục sứ mạng và công việc của Đức Chúa Ki-tô tại trần gian này, đó là hiến tế, tha tội và thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho người giáo dân.

Không có linh mục thì không có thánh lễ, không có thánh lễ thì không có tiệc thánh Mình và Máu Đức Chúa Ki-tô, tức là không có hy tế dâng lên Chúa Cha xin Ngài ban ơn và tha tội cho nhân loại tội lỗi, do đó mà giáo dân cần phải yêu mến, trân trọng và gìn giữ món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, đó là các linh mục của Chúa.

3. Cầu nguyện, hy sinh và yêu thương các linh mục, tu sĩ nam nữ.

Bạn thân mến,

Có giáo dân khóc vì có một số linh mục không làm tròn bổn phận cao quý của mình, có một vài giáo dân bực mình vì có một số linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ chưa thực sự dấn thân vì Tin Mừng và vì tha nhân, có những người chống đối và chỉ trích cách sống của một số linh mục, vì những linh mục này sống không giống với những gì mà họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa và Giáo Hội...

Trách cứ, buồn phiền, chỉ trích của bạn và của tôi với các linh mục là do những bức xúc mà có, nhưng nếu chỉ trích mà không cầu nguyện cho các ngài, buồn phiền mà không yêu mến các linh mục, trách cứ mà không tha thứ, thì –xét cho cùng- cũng chẳng cải thiện được gì, mà có khi còn mở đường cho người khác chống đối các linh mục của chúng ta. Do đó, mà bạn và tôi nên tự hỏi mình: có lúc nào tôi cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội không?

Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay, tôi xin mời anh chị em trong giáo xứ của mình tăng gia lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh, để cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội. Bởi vì chỉ có cầu nguyện, hy sinh và yêu thương là những phương thế chữa lành, và ban sức mạnh giúp cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ đi trọn con đường tận hiến của mình mà thôi...

Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a –Mẹ của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ- chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúng ta có một vị giáo hoàng tốt, một vị giáo hoàng rất tốt. Phỏng vấn Đức Hồng Y-Tổng giám mục Algiers
J.B. Đặng Minh An dịch
07:30 09/05/2025
Đức Hồng Y-Tổng giám mục Algiers đã chia sẻ với tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, về những ấn tượng của ngài đối với Cơ Mật Viện, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV và kinh nghiệm của Giáo hội: “lượng kinh nghiệm khổng lồ” “sự đồng ý to lớn” “một người đàn ông giản dị”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Chỉ vài giờ sau khi Đức Lêô XIV được bầu, Đức Hồng Y Jean-Paul Vesco, Tổng giám mục Algiers, đã chia sẻ lý do tại sao Hồng Y đoàn lại nhanh chóng chọn Hồng Y Robert Francis Prevost làm Người kế vị Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y cảm thấy thế nào chỉ vài giờ sau khi Đức Lêô XIV được bầu?

Đức Hồng Y Vesco: Chúng ta có một vị Giáo hoàng tốt, một vị Giáo hoàng rất tốt! Tôi vô cùng hạnh phúc, cũng như toàn thể Hồng Y đoàn. Có sự đồng ý to lớn, một cảm giác vui mừng to lớn. Toàn thể Hồng Y đoàn ủng hộ ngài. Hãy tiến lên!

Cơ Mật Viện diễn ra nhanh chóng, Đức Hồng Y có thấy như thế không?

Đức Hồng Y Vesco: Nhanh hơn bạn có thể tưởng tượng! Tôi không nghi ngờ gì, nhưng đúng là Chúa Thánh Thần đã làm việc. Trong các phiên họp Đại Hội Đồng, có chỗ cho sự khác biệt, nhưng sự thống nhất nhanh chóng theo sau. Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận. Điều đó không phải là điều hiển nhiên ngay từ đầu, nhưng tôi có thể cảm thấy các mảnh ghép đang dần vào đúng vị trí, thậm chí không cần nhiều lời trao đổi. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói, giống như một người thợ làm bánh nói về ổ bánh mì ngon, rằng chúng ta có một vị giáo hoàng tốt!

Thưa Đức Hồng Y, Đức Lêô XIV có những phẩm chất gì?

Đức Hồng Y Vesco: Ngài là một người có khối lượng kinh nghiệm khổng lồ. Ngài gia nhập Dòng Thánh Augustinô khi mới 17 tuổi. Ngài đã sống một cuộc sống cộng đoàn, phục vụ hai lần với tư cách là bề trên tổng quyền và đảm nhận các sứ mệnh đầy thách thức. Ngài đã được yêu cầu làm tất cả mọi việc — đào tạo, công tác truyền giáo ở Peru, giám sát hành chính tại các giáo phận đang gặp khó khăn và lãnh đạo tại Giáo triều Rôma với tư cách là nhà lãnh đạo Bộ Giám mục.

Những người biết ngài đều nói rất tốt về ngài. Ngài là kiểu người có thể đưa ra quyết định, nhưng luôn hợp tác với người khác. Tôi tin rằng đó là điểm mạnh của ngài — ngài biết cách làm việc theo nhóm.

Bầu không khí tại Nhà nguyện Sistina như thế nào khi Hồng Y Prevost đạt được đa số hai phần ba, thưa Đức Hồng Y?

Hồng Y Vesco: Đó là khoảnh khắc vui mừng rõ ràng, vô cùng xúc động. Không có sự do dự, chỉ có niềm hạnh phúc sâu sắc giữa tất cả các Hồng Y. Nó diễn ra rất nhanh — thậm chí có thể kết thúc sớm hơn!

Đức Hồng Y có biết ngài trước không?

Đức Hồng Y Vesco: Không, tôi không biết ngài. Tôi đã gặp ngài trong các phiên họp Đại Hội Đồng. Tôi đến với một ứng viên trong đầu, nhưng nhanh chóng mở lòng mình với khả năng dành cho những người khác khi tôi tìm kiếm người phù hợp nhất với Giáo hội.

Đức Lêô XIV là giáo hoàng đầu tiên đến từ Hoa Kỳ. Quốc tịch của ngài có đóng vai trò gì trong các cuộc thảo luận không, thưa Đức Hồng Y?

Đức Hồng Y Vesco: Tôi không thể nói thay cho tất cả mọi người, tôi chỉ muốn phát biểu với tư cách cá nhân. Ngài là người đã sống ở Nam Mỹ, phục vụ ở Peru và lãnh đạo một tổ chức tôn giáo toàn cầu. Khi bạn trở thành một vị bề trên tổng quyền, bạn không còn thuộc về một quốc gia duy nhất mà là thuộc toàn thế giới.

Đức Hồng Y nghĩ gì về bài phát biểu đầu tiên của ngài tại ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô?

Đức Hồng Y Vesco: Tôi không nghe hết vì tôi ở gần đó, nhưng tôi biết ngài đã nói về hòa bình và ban ơn toàn xá. Ngài cũng trích dẫn Thánh Augustinô: “Với anh em, tôi là một Kitô hữu, vì anh em, tôi là một giám mục.” Thật tuyệt!

Sau đó Đức Hồng Y có ăn tối với ngài không?

Đức Hồng Y Vesco: Vâng, tất cả chúng tôi đã dùng bữa cùng nhau. Bữa ăn đơn giản, vui vẻ và thoải mái. Ngài là một người giản dị, và điều đó thực sự tuyệt vời.

Đức Hồng Y có ngạc nhiên khi ngài chọn tên Giáo Hoàng Lêô không?

Đức Hồng Y: Vâng, khá ngạc nhiên! Đây không phải là lựa chọn phổ biến, đặc biệt là sau sự đơn giản đáng kinh ngạc của “Đức Thánh Cha Phanxicô”. Nhưng khi tôi nghe đám đông ở quảng trường Thánh Phêrô hét lên, “Lêône! Lêône!” thì cảm thấy đúng.

Đối với một Kitô hữu, việc tham gia Cơ Mật Viện có phải là một trải nghiệm cảm động không?

Đức Hồng Y Vesco: Đó là một trải nghiệm vô cùng thanh bình và đẹp đẽ. Ngày đầu tiên giống như một cuộc tĩnh tâm, thời gian cầu nguyện và suy ngẫm. Đến ngày thứ hai, chúng tôi đã cảm thấy rằng mình đã tìm được đúng người - một nhà lãnh đạo khiêm nhường, nhẹ nhàng và thanh thản.

Từ ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô, tôi nhìn thấy người dân Rôma tràn ngập quảng trường, chờ đợi để chào đón một người mà họ thậm chí còn chưa biết. Với tôi, đó chính là Giáo hội.


Source:Aleteia
 
Các Hồng Y Hoa Kỳ ca ngợi trái tim truyền giáo và kinh nghiệm quốc tế của Đức Giáo Hoàng Leo XIV
Vũ Văn An
14:37 09/05/2025

Từ trái sang, các Hồng Y Robert McElroy, Wilton Gregory, Blase Cupich, Joseph Tobin và Timothy Dolan tổ chức họp báo về Đức Giáo Hoàng Leo XIV tại hội trường của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rome vào ngày 9 tháng 5 năm 2025. Các Hồng Y Christophe Pierre v


Hannah Brockhaus của CNA, từ Vatican, ngày 9 tháng 5 năm 2025 cho hay: Các Hồng Y Hoa Kỳ tham gia mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Leo XIV, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ, vào thứ năm đã gọi ngài là "một công dân của thế giới", tiếp nối Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng với cách làm việc riêng của ngài.

Tại một cuộc họp báo ngày 9 tháng 5 tại Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ ở Rome sau cuộc bầu cử Đức Leo, bảy vị Hồng Y đã trả lời các câu hỏi về việc tham gia mật nghị, phẩm chất của Đức Giáo Hoàng Leo và tác động của việc có một giáo hoàng người Mỹ.

Trong khi Hồng Y Robert McElroy, tân tổng giám mục của Washington, D.C., bày tỏ sự ngạc nhiên trước cuộc bầu cử của một giáo hoàng sinh ra ở Hoa Kỳ, điều mà ngài cho biết ngài không bao giờ mong đợi được chứng kiến trong cuộc đời mình, những vị khác, bao gồm Hồng Y Daniel DiNardo, tổng giám mục danh dự của Galveston-Houston, nhấn mạnh rằng nơi Đức Leo phát xuất không quan trọng đối với các quyết định của các Hồng Y so với cách cư xử điềm tĩnh và kinh nghiệm truyền giáo của tân giáo hoàng.

Đức Leo XIV "là một công dân của thế giới", Hồng Y Timothy Dolan của New York nhấn mạnh, và "nơi ngài phát xuất chỉ là thứ yếu" so với những gì ngài đại diện hiện nay với tư cách là giáo hoàng và lãnh đạo của Giáo hội hoàn vũ.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, quê hương của Đức Leo, nhấn mạnh sự thống nhất và mục đích chung của các Hồng Y cử tri, những người mà ngài cho biết đã đối xử với nhau một cách tôn trọng và "gắn kết" bên trong mật nghị, cho phép ít nhất 89 con người từ nhiều quốc gia và xuất thân khác nhau đồng ý và đưa ra quyết định chỉ trong vòng 24 giờ.

ĐHY McElroy mô tả bầu không khí chiêm niệm, từ khi bước vào mật nghị đến khi đọc Kinh Cầu Các Thánh, cho đến khi đối diện với "Phán quyết cuối cùng" của Michelangelo trên bức tường Nhà nguyện Sistine.

"Mọi cảm giác chia rẽ trong thế giới đã tan biến và chúng tôi đang nhìn vào tâm hồn của nhau", suy gẫm về tâm hồn nào có khả năng trở thành đại diện của Chúa Kitô trên trái đất, ngài nói.

Giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Leo sẽ thúc đẩy tinh thần truyền giáo, ĐHY McElroy cho biết. Đức Leo "về bản chất là một nhà truyền giáo. Theo mọi cách, một nhà truyền giáo hiến dâng cuộc đời mình cho Giáo hội".

Đức Hồng Y Christophe Pierre, người gốc Pháp nhưng là sứ thần tòa thánh tại Hoa Kỳ, cũng có mặt trong buổi họp báo và ủng hộ suy nghĩ rằng mật nghị diễn ra trong bầu không khí tâm linh hơn là chính trị.

Tổng giám mục danh dự của Washington, D.C., Đức Hồng Y Wilton Gregory, đã xúc động khi kể lại lời cam kết tôn trọng, trung thành và yêu mến của mình đối với tân giáo hoàng sau khi được bầu. Ngài cho biết cựu Hồng Y Robert Prevost đã tạo ấn tượng lớn nhất với các Hồng Y khác trong những cuộc trò chuyện nhỏ bên lề trong giờ ăn trưa hoặc giờ nghỉ uống cà phê, thay vì trong một bài phát biểu lớn trước toàn thể hội đồng.

ĐHY McElroy nói thêm rằng tân giáo hoàng đã phát biểu trong các hội đồng chung trước mật nghị, nhưng không phải về những gì ngài nói mà là về cách ngài nói.

Đức Hồng Y Joseph Tobin của Tổng giáo phận Newark, New Jersey, đã chia sẻ hình ảnh gợi cảm nhất từ bên trong Nhà nguyện Sistine.

Ngài nhớ lại lúc bước lên để bỏ một trong những lá phiếu của mình, và ngay sau đó, ngài quay lại và nhìn về phía Hồng Y Prevost lúc đó, người đang ôm đầu.

"Và tôi đã cầu nguyện cho ngài, bởi vì tôi không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra với một con người khi họ phải đối mặt với điều gì đó như [trở thành giáo hoàng]", ĐHY Tobin nói. "Và sau đó khi ngài chấp nhận, [giống như] ngài được tạo ra để làm điều đó. Tất cả những đau khổ [ngài có] đã được giải quyết bằng cảm giác, tôi nghĩ, rằng đây không chỉ đơn giản là ngài nói đồng ý với một đề xuất, mà Chúa đã làm rõ điều gì đó và ngài đã đồng ý với điều đó."

ĐHY Tobin, người đã quen biết Đức Giáo Hoàng Leo XIV trong khoảng 30 năm và làm việc với ngài khi cả hai đều là bề trên của các cộng đoàn tu trì tương ứng của họ, cho biết: "Tôi không nghĩ ngài là người thích gây gổ với mọi người, nhưng ngài không phải là người dễ dàng lùi bước nếu mục đích là chính đáng."

Các Đức Hồng Y Tobin, DiNardo, Gregory, Cupich và Dolan đều khuyến khích các nhà báo để Đức Leo phát triển trong chức vụ giáo hoàng của ngài, quan sát những gì ngài làm và nói trong vai trò mới này trước khi đưa ra phán quyết.

ĐHY Gregory nói rằng "Bạn không thể nắm bắt ngày mai bằng cách nhìn vào ngày hôm qua".

ĐHY McElroy nói thêm rằng trong khi các Hồng Y đang tìm kiếm một người "đi theo con đường giống như Đức Phanxicô", các ngài không quan tâm đến việc chọn "một bản sao".
 
Đức Giáo Hoàng Leo XIV và cuộc cách mạng công nghiệp mới
Vũ Văn An
14:42 09/05/2025

AFP


Daniel Esparza của tạp chí Aleteia, ngày 08/05/25, nhận định: Việc Đức Giáo Hoàng Leo XIV chọn danh hiệu cho thấy ngài coi thời điểm hiện tại không chỉ là một thách thức về mặt kỹ thuật mà còn là một thách thức sâu sắc về mặt đạo đức.

Với việc bầu Giáo hoàng Leo XIV, Giáo Hội Công Giáo đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại công nghiệp mới. Bằng cách chọn danh hiệu Leo XIII (1810-1903), “giáo hoàng của công nhân” hiện đại đầu tiên, vị giáo hoàng mới đã thể hiện cam kết của mình trong việc giải quyết những thách thức sâu sắc về kinh tế và xã hội do sự thay đổi công nghệ nhanh chóng gây ra, đặc biệt là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo.

Cũng giống như cách Đức Giáo Hoàng Leo XIII phản ứng với các thực tại khắc nghiệt của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 bằng thông điệp mang tính bước ngoặt Rerum Novarum vào năm 1891, Đức Giáo Hoàng Leo XIV dường như đã sẵn sàng giải quyết những tình huống tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức của cuộc cách mạng công nghệ hiện tại của chúng ta.

Rerum Novarum: Phản ứng cấp tiến đối với kỷ nguyên máy móc

Khi Rerum Novarum (tiếng Latinh có nghĩa là “Những điều mới mẻ”) được công bố, thế giới đang trong cơn khủng hoảng công nghiệp lớn đầu tiên. Các nhà máy và đường sắt đã chuyển đổi nền kinh tế, nhưng phải trả giá rất lớn về nhân bản. Công nhân làm việc nhiều giờ trong điều kiện nguy hiểm để được trả lương ít ỏi, trong khi chủ nhà máy ngày càng giàu có. Các cấu trúc xã hội vốn ổn định trong nhiều thế kỷ bắt đầu rạn nứt dưới áp lực của nền kinh tế mới này.

Phản ứng của Đức Giáo Hoàng Leo XIII mang tính cách mạng theo đúng nghĩa của nó. Ngài kêu gọi công nhận quyền của người lao động, bao gồm quyền được trả lương công bằng, giờ làm việc hợp lý, điều kiện an toàn và quyền thành lập công đoàn. Ngài cũng nhấn mạnh đến nhu cầu công lý xã hội và phẩm giá của mỗi con người, tuyên bố rằng nền kinh tế phải phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Đó là lời kêu gọi một cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” hơn đối với sự tiến bộ, dựa trên giá trị vốn có của mỗi con người.

Cuộc cách mạng Trí khôn Nhân tạo: Máy móc mới, câu hỏi cũ

Ngày nay, thế giới phải đối diện với một sự thay đổi công nghệ sâu xa khác. Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn hiệu quả và năng suất chưa từng có, nhưng cũng đe dọa làm đảo lộn các hình thức làm việc truyền thống. Giống như động cơ hơi nước và máy dệt chạy bằng điện của thế kỷ 19, Trí tuệ nhân tạo có khả năng định nghĩa lại lao động, xóa bỏ việc làm và làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế nếu không được kiểm soát.

Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, giải thích rằng Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã chọn tên giáo hoàng của mình như một sự công nhận đối với người lao động “trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo”. Sự lựa chọn này vừa mang tính biểu tượng vừa mang tính chiến lược, nhắc nhở chúng ta rằng trong khi công nghệ thay đổi, thì những câu hỏi cơ bản về phẩm giá và công lý của con người vẫn không đổi.

Lao động và phẩm giá trong thế giới kỹ thuật số

Ở tâm điểm của nó, Rerum Novarum nói về phẩm giá của lao động và sự thánh thiêng của nỗ lực con người. Nó tuyên bố rằng lao động không chỉ là phương tiện để sinh tồn; đó là con đường dẫn đến sự phát triển của con người và là nguồn ý nghĩa bản thân và xã hội. Theo nghĩa này, nó không chỉ là một hướng dẫn kỹ thuật về chính sách kinh tế mà còn là sự chiêm niệm sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành con người.

Khi các hệ thống Trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm những nhiệm vụ ngày càng phức tạp, từ lái xe tải đến soạn thảo hồ sơ pháp lý, Giáo hội dưới thời Đức Leo XIV có thể một lần nữa thấy mình phải bảo vệ quyền được làm việc có ý nghĩa. Điều này có thể liên quan đến việc ủng hộ mức lương công bằng, các chương trình đào tạo lại người lao động và các chính sách đảm bảo lợi ích của tự động hóa được chia sẻ rộng rãi, thay vì tập trung vào tay một số ít gã khổng lồ công nghệ.

Mối liên hệ bản thân với cuộc đấu tranh của người lao động

Những năm tháng ở Peru, một quốc gia nổi tiếng với bất bình đẳng kinh tế và các cộng đồng làm việc chăm chỉ, có thể đã giúp Đức Giáo Hoàng Leo XIV hiểu sâu sắc về những cuộc đấu tranh mà người lao động ở các nước đang phát triển phải đối diện. Công tác mục vụ của ngài ở vùng Chiclayo phía bắc, nơi nhiều người dựa vào nông nghiệp và lao động chân tay, có thể truyền cảm hứng cho một triều đại giáo hoàng tập trung vào phẩm giá của mọi lao động, từ các cánh đồng ở Peru đến các phòng lập trình ở Thung lũng Silicon.

Hướng tới một tương lai công nghệ công bằng

Trong một thế giới ngày càng bị thúc đẩy bởi các thuật toán, Giáo hội dưới thời Đức Leo XIV có thể tìm cách đổi mới lời kêu gọi đoàn kết kinh tế và đổi mới đạo đức. Giống như Đức Leo XIII đã bảo vệ quyền của công nhân nhà máy và thợ thủ công, người kế nhiệm của ngài vào thế kỷ 21 có thể sớm ủng hộ quyền của công nhân kỹ thuật số, người lao động trong nền kinh tế chia sẻ và những người bị thay thế bởi tự động hóa.

Việc Đức Giáo Hoàng Leo XIV chọn tên cho thấy ngài coi thời điểm hiện tại không chỉ là một thách thức về mặt kỹ thuật mà còn là một thách thức về mặt đạo đức sâu sắc. Giống như vị cùng tên, ngài dường như sẵn sàng kêu gọi một nền kinh tế công bằng hơn, lấy con người làm trung tâm, nơi tiến bộ công nghệ không phải trả giá bằng phẩm giá con người.
 
Thánh lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Leo XIV: ‘Chúa Giêsu là Đấng Kitô’
Vũ Văn An
15:16 09/05/2025

Đức Giáo Hoàng Leo XIV phát biểu trước các Hồng Y tại Nhà nguyện Sistine trong Thánh lễ đầu tiên của ngài với tư cách là giáo hoàng vào thứ sáu, ngày 9 tháng 5 năm 2025. | Nguồn: Vatican Media


Courtney Mares của CNA, từ Vatican, ngày 9 tháng 5 năm 2025, tường trình: Trong Thánh lễ đầu tiên của mình với tư cách là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã kêu gọi các tín hữu “làm chứng cho đức tin vui mừng của chúng ta vào Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế” trong một thế giới mà “việc thiếu đức tin thường đi kèm một cách bi thảm với việc mất đi ý nghĩa trong cuộc sống”.

Trong bài giảng tại Nhà nguyện Sistine vào ngày 9 tháng 5 trước các Hồng Y đã bầu ngài, vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ đã mở đầu bài giảng của mình bằng tiếng Anh.

“Các anh em Hồng Y của tôi, khi chúng ta cử hành sáng nay, tôi mời các anh em hãy nhìn nhận những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm, những phước lành mà Chúa tiếp tục đổ xuống cho tất cả chúng ta thông qua thừa tác vụ của Phêrô,” vị giáo hoàng mới phát biểu một cách ngẫu hứng.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV xông hương bàn thờ Nhà nguyện Sistine trong Thánh lễ đầu tiên của ngài với tư cách là giáo hoàng, thứ sáu, ngày 9 tháng 5 năm 2025. Tín dụng: Vatican Media


“Chư huynh đệ đã gọi tôi mang thập giá đó và được ban phước với sứ mệnh đó, và tôi biết tôi có thể tin tưởng vào từng người trong chư huynh đệ để cùng tôi bước đi, khi chúng ta tiếp tục là một Giáo hội, là một cộng đồng bạn hữu của Chúa Giêsu, là những người tin để loan báo tin mừng, loan báo Phúc âm.”

Ngài tiếp tục phần còn lại của bài giảng bằng tiếng Ý, suy gẫm về câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho Phêrô: “Người ta nói Con Người là ai?”

Đức Leo XIV — người Chicago bản xứ và là nhà truyền giáo dòng Augustinô Robert Prevost — cho biết phản ứng của thế giới thường từ chối Chúa Giêsu “vì những đòi hỏi về sự trung thực và những yêu cầu đạo đức nghiêm ngặt của Người.”

“Ngay cả ngày nay, vẫn có nhiều bối cảnh mà đức tin Kitô giáo bị coi là vô lý, dành cho những người yếu đuối và kém thông minh. Những bối cảnh mà các loại bảo đảm khác được ưa chuộng, như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực hoặc thú vui,” ngài nói.

“Đây là những bối cảnh không dễ để rao giảng Phúc Âm và làm chứng cho chân lý của Phúc Âm, nơi các tín đồ bị chế giễu, phản đối, khinh thường hoặc tốt nhất là được dung thứ và thương hại”, ngài nói tiếp. “Tuy nhiên, chính vì lý do này, đây là những nơi mà hoạt động truyền giáo của chúng ta vô cùng cần thiết”.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV cử hành Thánh lễ với các Hồng Y cử tri tại Nhà nguyện Sistine vào ngày 9 tháng 5 năm 2025. Tín dụng: Vatican Media


“Thiếu đức tin thường đi kèm một cách bi thảm với việc mất đi ý nghĩa trong cuộc sống, sự thờ ơ với lòng thương xót, những vi phạm khủng khiếp về phẩm giá con người, cuộc khủng hoảng gia đình và rất nhiều vết thương khác đang hành hạ xã hội chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng cho biết đây là “thế giới đã được giao phó cho chúng ta”, nơi các tín hữu được “kêu gọi làm chứng cho đức tin vui mừng của chúng ta vào Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế”.

“Điều cốt yếu là phải làm điều này, trước hết, trong mối quan hệ bản thân của chúng ta với Chúa, trong cam kết của chúng ta đối với hành trình hoán cải hằng ngày. Sau đó, thực hiện như một Giáo hội, cùng nhau trải nghiệm lòng trung thành của chúng ta với Chúa và mang tin mừng đến cho mọi người”, ngài nói.

“Trước hết, tôi nói điều này với chính mình, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, khi tôi bắt đầu sứ mệnh của mình với tư cách là giám mục của Rôma và, theo cách diễn đạt nổi tiếng của Thánh Ignatius thành Antioch, tôi được kêu gọi chủ trì trong đức ái đối với Giáo hội hoàn vũ (xem Thư gửi tín hữu Rôma, Lời mở đầu)”, ngài nói.

“Thánh Ignatius, người bị xiềng xích dẫn đến thành phố này, nơi diễn ra cuộc hy sinh sắp xảy ra của ngài, đã viết cho các Kitô hữu ở đó: ‘Khi đó, tôi sẽ thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi thế gian không còn nhìn thấy thân xác tôi nữa’ (Thư gửi tín hữu Rôma, IV, 1)”, Đức Giáo Hoàng nói.

Đức Giáo Hoàng Leo XIV giảng lễ với các Hồng Y cử tri tại Nhà nguyện Sistine vào ngày 9 tháng 5 năm 2025. Tín dụng: Vatican Media


“Thánh Ignatius đã nói về việc bị thú dữ ăn thịt trong đấu trường — và điều đó đã xảy ra — nhưng những lời của ngài áp dụng chung hơn cho một cam kết không thể thiếu đối với tất cả những người trong Giáo hội đang thực hiện một tthu72a tác vụ có thẩm quyền. Đó là tránh sang một bên để Chúa Kitô có thể ở lại, làm cho mình trở nên nhỏ bé để Người có thể được biết đến và tôn vinh (x. Ga 3:30), cống hiến hết mình để mọi người có cơ hội biết đến và yêu mến Người. Xin Chúa ban cho tôi ân sủng này, hôm nay và mãi mãi, qua sự chuyển cầu yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội.”

Đức Leo XIV đã dâng Thánh lễ tại Nhà nguyện Sistine, nơi ngài được bầu làm người kế vị thứ 266 của Thánh Phêrô vào chiều thứ năm. Đây là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Leo XIV cầu nguyện Kinh nguyện Thánh Thể với tư cách là giám mục của Rôma, nói rằng “và con, tôi tớ bất xứng của Chúa.”

Bên dưới các bức bích họa của Michelangelo, Đức Leo đã cầu nguyện những lời cầu nguyện của Thánh lễ bằng tiếng Latinh. Hai bài đọc được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Vào cuối buổi lễ, ngài đã dẫn đầu các Hồng Y hát thánh ca Phục sinh của Đức Maria "Regina Caeli [lạy nữ vương thiên đàng]", cùng với Ca đoàn Nhà nguyện Sistine của Vatican.

Vatican thông báo rằng Đức Leo sẽ chính thức được tấn phong tại một Thánh lễ vào ngày 18 tháng 5 và sẽ chủ trì buổi tiếp kiến chung đầu tiên của mình vào ngày 21 tháng 5. Ngài dự kiến sẽ ban phước lành khi đọc kinh Regina Caeli đầu tiên của mình vào buổi trưa Chúa Nhật.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hamebus Papam: Tân Giáo Hoàng Lêo XIV
Nguyễn Trung Tây
00:38 09/05/2025
Hamebus Papam: Tân Giáo Hoàng Lêo XIV

Nguyễn Trung Tây


Đức Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, trong những phát biểu đầu tiên sau khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, đã một lần nữa mạnh mẽ khẳng định căn tính đích thực và sứ mạng không thể thay đổi của Giáo Hội, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội và văn hóa đầy biến động, bất ổn và phân hóa sâu sắc của thế giới hôm nay,

— Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.

Giáo Hội Truyền Giáo: Trước những thách đố của thời đại, từ khủng hoảng môi trường, bất bình đẳng kinh tế, xung đột xã hội, cho đến hiện tượng tục hóa ngày càng gia tăng, ngài đã kêu gọi toàn thể dân Chúa hãy trở về với căn tính nguyên thủy của Giáo Hội, đồng thời can đảm tái khám phá ơn gọi làm muối men cho trần gian.

Câu tuyên bố của ngài cũng khẳng định Giáo Hội không thể và không được phép trở thành một tổ chức khép kín, tự bảo vệ mình trong những bức tường an toàn của cơ cấu, nghi thức, hay đặc quyền. Trái lại, Giáo Hội phải luôn mang trong mình tâm thế của một người lữ hành truyền giáo, luôn trong tư thế “ra đi,” ra khỏi chính mình, ra khỏi não trạng tiện nghi, ra khỏi thái độ tự mãn thiêng liêng, để dấn thân bước vào những thực tại khó khăn, hỗn độn, và đầy thách đố của thế giới.

Sự “ra đi” mà Đức Tân Giáo Hoàng nói đến không chỉ là một chuyển động vật lý, nhưng là một hành trình nội tâm, một cuộc hoán cải thiêng liêng, trong đó mỗi thành phần của Giáo Hội, từ giáo dân đến giáo sĩ, đều được mời gọi bước ra khỏi cái tôi ích kỷ, để mở lòng trước nỗi đau, khát vọng và nhu cầu thiêng liêng của nhân loại hôm nay. Những “vùng ngoại biên” mà ngài nhắc tới không chỉ là những nơi nghèo đói về vật chất, mà còn là những biên giới văn hóa, xã hội, tâm linh, nơi có những con người bị tổn thương, bị loại trừ, và đang khao khát một tình yêu cứu độ, khao khát một ánh sáng soi đường, khao khát một niềm hy vọng đích thực. Đó chính là niềm vui Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng đã chết, nhưng phục sinh.

Giáo Hội, theo tầm nhìn của Đức Lêo XIV, phải là một Giáo Hội đi ra để gặp gỡ, để phục vụ và để đồng hành với những người đang sống trong hoàn cảnh bị lãng quên, bị bên lề hóa. Chỉ khi nào Giáo Hội dám ra đi như Đức Kitô đã ra đi, từ trời xuống thế, từ an toàn đến hiểm nguy, từ cao sang đến nghèo khó, thì Giáo Hội mới thực sự sống đúng căn tính của mình. Nói một cách khác, Giáo Hội phải là dấu chỉ sống động và công cụ hiệu quả của lòng thương xót Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

Hồng Y Robert Prevost: Đời sống của Hồng Y Robert Prevost, tu sĩ dòng Augustinô, thực sự là biểu tượng rõ nét và đầy sức thuyết phục về chiều kích truyền giáo của Giáo Hội trong thế kỷ XXI. Trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa nhưng cũng đầy chia rẽ, ngài thể hiện một lối sống Tin Mừng cụ thể, âm thầm nhưng mạnh mẽ, trở thành mẫu gương cho một Giáo Hội biết vượt qua biên giới văn hóa, ngôn ngữ, và cả căn tính quốc gia để yêu thương và phục vụ như Đức Kitô đã yêu và phục vụ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình di dân tại Hoa Kỳ, cậu thanh niên Robert Prevost không thể không cảm nghiệm được sự mong manh, bấp bênh và khát vọng hội nhập của những người di dân hoặc những người sống bên lề xã hội. Hoàn cảnh di dân của gia đình ngài đã trở thành nền tảng cho một ơn gọi đặc biệt: ơn gọi bước ra khỏi chính mình để đến với người khác, nhất là những ai bị bỏ rơi và quên lãng. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài lên đường, đến với đất nước Peru, một nơi xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa và khí hậu, để dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Sự hiện diện của ngài tại Peru không phải chỉ là một cuộc viếng thăm ngắn hạn hay một sứ vụ tạm thời, mà là một hành trình gắn bó sâu xa và trọn vẹn. Trong suốt nhiều năm sống giữa những cộng đoàn nghèo khổ, những người bị lãng quên ở nông thôn Peru, ngài không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng sự hiện diện yêu thương, sự sẻ chia không điều kiện, và đời sống gương mẫu đậm chất Phúc Âm. Ngài học tiếng Tây Ban Nha, tìm hiểu văn hóa bản địa, sống như một người con của đất nước ấy. Không chỉ về mặt pháp lý khi nhập quốc tịch Peru, mà sâu xa hơn, trong tâm hồn, ngài đã trở thành người Peru, mang trong mình nỗi đau và niềm hy vọng của dân tộc ấy.

Tình yêu và sự dấn thân truyền giáo của Đức Hồng Y Prevost không phải là kết quả của lý thuyết hay lý tưởng, mà là hoa trái của một đời sống bước chân theo Đức Giêsu Truyền Giáo. Chính điều này làm nổi bật một chiều kích quan trọng mà Đức Tân Giáo Hoàng Lêo XIV cũng nhấn mạnh: Giáo Hội truyền giáo không thể chỉ dừng lại ở những chương trình hay chiến lược, mà phải được khơi nguồn từ sự hoán cải và lòng thương xót. Đó là thứ truyền giáo “bằng con tim,” bằng cuộc sống nhập thể, và bằng tình yêu trọn vẹn, tương tự như Đức Kitô đã sống và yêu cho đến giây phút cuối trên cây thập tự.

Tông Hiệu Lêo XIV: Việc chọn tông hiệu “Lêo XIV” của Đức Tân Giáo Hoàng không hề là điều ngẫu nhiên hay mang tính biểu tượng đơn thuần, nhưng là một lựa chọn đầy ý nghĩa và chiều sâu, hàm chứa một định hướng mục vụ rõ ràng cho triều đại giáo hoàng của ngài. Tông hiệu Lêo XIV gợi nhớ đến hình ảnh uyên bác, can đảm và cải cách của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII. Vị giáo hoàng tiên phong đã khai mở con đường cho nền thần học xã hội hiện đại qua thông điệp lịch sử Rerum Novarum (1891), vốn được xem là viên đá nền đầu tiên của Học thuyết Xã hội Công Giáo.

Bằng việc phục hồi tông hiệu “Lêo,” Đức Tân Giáo Hoàng cho thấy ý định rõ ràng là tiếp nối và làm mới lại sứ mạng xã hội của Giáo Hội giữa lòng một thế giới đang bị phân hóa bởi bất công, nghèo đói, và chiến tranh. Ngài muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể đứng bên lề các vấn đề cấp bách của thời đại, nhưng phải là một tiếng nói tiên tri cho công lý và hòa bình, là nơi nương náu cho người nghèo, người di dân, người bị loại trừ, đúng như tinh thần mà Lêo XIII đã nêu cao trong thời đại công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX.

Chọn tông hiệu này cũng là một lời mời gọi của Tân Giáo Hoàng tới Giáo Hội toàn cầu. Đó là, hãy bước ra khỏi thái độ thụ động hay chỉ chăm lo cho nội bộ, để can đảm dấn thân vào các cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay, từ biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đến tình trạng mất phương hướng của con người trong kỷ nguyên công nghệ và tiêu dùng. Đây chính là một sự tiếp nối sống động tinh thần của thông điệp Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, trong đó nhấn mạnh đến một “Giáo Hội biết đi ra,” một Giáo Hội nghèo vì người nghèo.

Tông hiệu “Lêo XIV” không chỉ là sự hồi tưởng về một triều đại quá khứ, mà là một lời tuyên bố tiên tri cho hiện tại và tương lai. Giáo Hội thế kỷ XXI phải can đảm làm muối và ánh sáng giữa trần gian, trung thành với Tin Mừng và đồng hành với nhân loại trong mọi bước thăng trầm.

Hồng Y Đoàn: Chỉ trong vòng hai ngày, một thời gian ngắn, Hồng Y đoàn đã bày tỏ sự đồng thuận trong việc chọn lựa người kế vị Thánh Phêrô. Đây chính là một lời xác quyết tập thể rằng: đã đến lúc Giáo Hội phải bước ra khỏi sự an toàn, từ bỏ những hình thức quyền lực trần thế vốn từng gây nên không ít tổn thương và khép kín, để trở về với căn tính đích thực của mình. Đó là một Giáo Hội của sứ vụ truyền giáo, của lòng thương xót, và của sự hiện diện khiêm tốn giữa những người bị lãng quên.

Giáo Hội ấy được kêu gọi sống theo gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã “trở nên xác phàm, cư ngụ và đồng hành giữa chúng ta” (Gioan 1:14). Ngôi Lời đã không chọn ở lại trên trời trong vinh quang, nhưng đã bước xuống, mang lấy thân phận con người (Philippians 2:6-7), để sống gần gũi với người nghèo, người bệnh tật, người bị xã hội ruồng bỏ. Đức Giêsu đã mở ra một thời kỳ mới, “Năm Hồng Ân của Thiên Chúa” (Luca 4:18-19), nơi mà lòng thương xót, sự tha thứ và công lý được trao ban cách nhưng không cho những ai bị loại trừ khỏi cộng đồng xã hội hay tôn giáo.

Quá trình ngắn chọn lựa Tân Giáo Hoàng của Hồng Y đoàn, và qua sự lựa chọn tông hiệu, phát biểu đầu tiên của Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, cả hai điều này đang mạnh mẽ công bố tới thế giới và tín hữu Kitô toàn cầu một tuyên ngôn rõ ràng và dứt khoái: Giáo Hội ngày hôm nay phải lên đường, không sợ bị vấy bẩn bởi những thực tại của thế giới, nhưng can đảm hiện diện giữa trần thế như men, như muối và như ánh sáng (Matt 5:13-16) cho Đức Kitô, Đấng đã tới để trở nên Bạn của Người Nghèo.

Giáo Hội ấy được kêu gọi sống theo gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã “trở nên xác phàm, cư ngụ và đồng hành giữa chúng ta” (Gioan 1:14). Ngôi Lời đã không chọn ở lại trên trời trong vinh quang, nhưng đã bước xuống, mang lấy thân phận con người (Philippians 2:6-7), để sống gần gũi với người nghèo, người bệnh tật, người bị xã hội ruồng bỏ. Đức Giêsu đã mở ra một thời kỳ mới, “Năm Hồng Ân của Thiên Chúa” (Luca 4:18-19), nơi mà lòng thương xót, sự tha thứ và công lý được trao ban cách nhưng không cho những ai bị loại trừ khỏi cộng đồng xã hội hay tôn giáo.

Quá trình ngắn chọn lựa Tân Giáo Hoàng của Hồng Y đoàn, và qua sự lựa chọn tông hiệu, phát biểu đầu tiên của Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, cả hai điều này đang mạnh mẽ công bố tới thế giới và tín hữu Kitô toàn cầu rằng: Giáo Hội hôm nay phải trở nên một Giáo Hội lên đường, không sợ bị vấy bẩn bởi những thực tại của thế giới, nhưng can đảm hiện diện trong đó như men, như muối và như ánh sáng (Matt 5:13-16).
 
Khuôn mặt tiếng người chăn chiên
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
02:34 09/05/2025
Khuôn mặt tiếng người chăn chiên

Trong đời sống nhất là vùng có đồng cỏ xanh non cùng suối vũng nước, thường xuất hiện đàn xúc vật chiên cừu. Chúng được một hai người chăn cầm gậy dẫn lùa đi, và có vài con chó chạy sủa hai bên cạnh, ở đầu đàn và cuối đàn. Những con chó chạy theo sủa vang trời có nhiệm vụ canh giữ bảo vệ đàn xúc vật theo chỉ dẫn của người chăn đàn, đi gọn theo đúng hướng, chiến đấu săn xua đuổi thú dữ lăm le tấn công chiên cừu.

Những con vật chiên cừu ngoan ngoãn đi theo sự hướng dẫn của người chăn chiên và tiếng chó sủa sn lùa không cho đi ra khỏi đàn. Chúng theo trực gíac nghe nhận ra tiếng quát bảo của người chăn nuôi chúng, và của những con chó đi theo chúng.

Những con vật trong đàn chiên cừu không nghe theo tiếng hiệu lệnh của người khác, của những con vật khác, mà chỉ những tiếng nói chúng đã quen thuộc nhận ra. Vì người chăn nuôi chúng và những con chó hằng đi theo canh giữ bảo vệ chúng ngày đêm.

Một em bé từ khi mở mắt chào đời, chưa biết nói, mắt nhìn chưa rõ, tâm trí em chưa có thể suy hiểu. Nhưng em nhận ra tiếng nói mẹ cha em, khi họ gọi nói gì với em. Tình yêu và sự gần gũi của cha mẹ luôn sát cạnh bên em đã mang lại cho em sự an toàn tin tưởng, tạo nên thói quen cho nhịp sống, và điều đó khắc ghi vào tâm trí, vào bản năng trực giác của em.

Mối tương quan tuy là sợi giây vô hình. Nhưng lại có sức truyền đi tín hiệu rất mạnh cùng hiệu qủa tốt đẹp tuyệt vời.

Vào thời Chúa Jesu Kitô rao giảng nước tình yêu Thiên Chúa, cách đây hơn hai ngàn năm bên xã hội vùng Trung Đông, nghề chăn nuôi chiên cừu từng bầy đàn có chỗ đứng địa vị quan trọng. Chính vì thế, Chúa Jesu đã lấy hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên vào bài gỉang giáo lý, Ngài nói: Chiên của tôi, nghe biết tiếng tôi!

Vì sao chúng ta những người tín hữu Chúa Kito, chúng ta những người tín hữu Chúa vẫn còn nghe những Lời, tiếng Chúa được rầng Chúa Giêsu đã nói như vậy?

Những con thú vật đàn chiên cừu nghe nhận ra tiếng nói của người chăn dắt săn sóc chúng luôn hằng đi theo sát bên cạnh chúng qua mọi đồng cỏ vũng nước cùng lúc nghỉ ngơi. Cũng vậy các Tông đồ ( 12 vị) đầu tiên được Chúa kêu ngọi tuyển chọn, suốt ba năm trời hằng đi theo Chúa nghe và nhìn xem Ngài giảng dạy giáo lý. Ba năm trời Thầy trò sống bên nhau, họ nhận biết tiếng của Ngài và gìn giữ Lời Ngài trong tâm hồn. Sau khi Chúa Giesu chịu chết và trở về trời, các Tông đồ theo mệnh lệnh của Chúa ra đi rao giảng làm chứng cho Ngài trong dòng sông đời sống xã hội. Các ngài nhớ lại hoặc viết ra thành văn bản sách Kinh Thánh, hoặc bằng lời nói rao giảng những điều đã nghe, đã học hỏi nơi Chúa Giêsu khi xưa.

Chính vì thế, ngày nay Giáo hội Chúa ở trần gian, chúng ta những người tín hữu Chúa Kito cũng vẫn có thể nghe được tiếng, được lời của Chúa: Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".( Ga 10,27-30).

Có thắc mắc : Chúa Giêsu làm gì cho chúng ta, vì chúng ta ngày nay không thể nhìn thấy Ngài bằng con mắt chúng ta?

Một câu chuyện dụ ngôn ngắn giúp cắt nghĩ cho thắc mắc này: Câu chuyện đối thoại giữa con chó và con chiên cừu.

“ Có chuyện kể thuật lại vào thời xa xưa lúc những con thú vật còn có thể nói chuyện thông thương với nhau. Chú chiên cừu nói với chủ nuôi nó: Ông đối xử không đúng. Ông biết không, ông nuôi dưỡng chúng tôi từ lúc còn nhỏ. Nhưng khi trưởng thành khôn lớn chúng tôi là nguồn mang lại lợi nhuận kinh tế cho ông rất nhiều: lông làm vải may mặc, sữa, Phómát, Bơ, thịt, và sinh sản đẻ tặng cho ông những con chiên con, làm cho đàn xúc vật của ông càng ngày càng thịnh vượng lớn thêm, không bị gián đoạn… Thật là tuyệt vời. Chúng tôi phải cật lực hằng ngày, cúi đầu xuống tận mặt đất tự mình kiếm thức ăn gặm cỏ mà sinh sống…Còn chú Chó không mang gì như thế cho ông, mà ông lại cho nó thức ăn ngon từ nhà bếp, từ bàn ăn của ông…

Khi chú Chó nghe thấy thế liền chen vào: Dạ phải rồi, khi các bạn ra đồng thư thả ăn gặm cỏ, thì tôi phải chạy tới lui cất tiếng sủa vang trời kêu gọi canh gác gìn giữ các bạn. Như thế các bạn có an ninh không bị chó sói, thú dữ đến tấn công làm các bạn bị thương chẩy máu, hay bị chúng ăn thịt giết chết lôi mang đi... Tôi có thể nói với các Bạn, nếu tôi mà không canh chừng các Bạn, các Bạn sẽ không có thề thư thả an toàn mà gặm cỏ được đâu.

Nghe chú Chó biện mình có tâm có lý, các chú chiên cừu thấy thật là thuyết phục, và im lặng để cho chú Chó có được vị trí địa vị ưu tiên trước họ.”

Cũng vậy chúng ta cũng được phép hiểu theo ý nghĩa tâm linh tinh thần về Chúa Giesu Kitô: Dù chúng ta không nhìn thấy Ngài bằng con mắt mình, nhưng Ngài hằng theo dõi chăm sóc cho đời sống tinh thần tâm linh chúng ta còn nhiều hơn chú chó canh giữ đàn chiên cừu.

Vì thế Ngài nói: Ta là người chăn chiên tốt lành. Chiên của ta biết Ta và nghe theo tiếng Ta.

“Chúa lo chăn dắt đời con,
Đâu còn thiếu thốn, đâu còn sợ chi!” ( Tv 23,1)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long



 
Chúng ta đã có Giáo Hoàng
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
02:35 09/05/2025
CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG
Habemus Papam! Chúng ta đã có Giáo Hoàng.

Lúc 18 giờ10 phút chiều, giờ Rôma - tức 23 giờ 10 phút, khi mà ngày đã về cuối và trời đã khuya khoắt, theo giờ Việt Nam, bất chợt một niềm vui khôn tả tràn về: Khói trắng từ ống khói trên nóc nhà nguyện Sistine bốc lên nghi ngút.

Đây là làn khói huyền thoại, làn khói nhiệm mầu thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng cũng là làn khói của mong đợi, làn khói hy vọng của cả thế giới loài người, đánh dấu thời khắc lịch sử, thời khắc mãi ghi sâu trong lòng người: Giáo Hội trần thế đã có chủ chăn, thế giới lại có mục tử, Thiên Chúa có thêm một dụng cụ tuyệt vời để thể hiện tình yêu xót thương, tình yêu bao dung, tình yêu chiến thắng, tình yêu hy vọng.

Bên cạnh làn khói dày phung trào như muốn nổ tung chiếc ống khói, tiếng chuông của Đền thờ Thánh Phêrô ngân vang dồn dập, khẳng định chắc chắn, chúng ta đã có Giáo Hoàng, Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ đã có Đấng nhân danh Chúa mà đến với mình và Tông tòa không còn trống vắng!

Mật Viện lại tiếp tục thành công. Không mất nhiều thời gian, chỉ sau bốn vòng bầu phiếu, chỉ với hai ngày đối với một công nghị cao cả, trọng đại và thiêng thánh, các Hồng Y đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc cho một trách vụ nặng nề: Đi tìm và mang về cho đoàn dân của Thiên Chúa nơi trần thế người Cha vỹ đại, người chủ của ngai tòa tiếp nối hành trình Tông truyền của thánh Phêrô, người sẽ làm cho triều đại và nền tảng vững chắc của thánh Phêrô tiếp tục trường tồn, tiếp tục vững mạnh; người sẽ thay mặt Chúa Kitô thể hiện tình yêu mục tử như chính Chúa Kitô mục tử.

Không gian Quảng trường thánh Phêrô mênh mông, nhưng đêm nay đầy ứ người. Tất cả cùng chung một hy vọng, chung một tình yêu, chung một hạnh phúc: Đó là đợi chờ tin vui từ cột khói huyền diệu.

Cái cột khói tưởng chừng chẳng là gì, lại đáng yêu quá đỗi, lại quan trọng quá đỗi, lại mang sứ mạng - không đơn thuần chuyển tải thông tin ở đây, lúc này - nhưng là sứ mạng truyền tin lịch sử.

Cái cột khói, bình thường chỉ là cột khói, nhưng đêm nay, đêm của ánh sáng đợi chờ và hy vọng, lại trở thành biểu tượng của tin mừng, biểu tượng của háo hức đợi trông, biểu tượng của sức sống ngàn năm mà Giáo Hội dù có thăng trầm đến đâu vẫn vững chãi, vẫn bền bỉ vượt qua, vẫn vươn tới.

Cái cột khói, tưởng chỉ là cột khói, lại trở thành trung tâm hướng về từ khắp mọi ngóc ngách của cả hành tinh, bất chấp là tư tưởng, là ý thức hệ, là giai tầng, là niềm tin, là đón nhận hay thù nghịch, là phe nhóm hay đảng phái, là đối kháng hay ưng thuận...

Ôi, cái cột khói. Một sáng kiến bé nhỏ, nhẹ nhàng, lại trở thành lớn lao không thể tưởng, trở thành sự diệu kỳ mang tầm vóc ngàn năm...
Nhưng đâu chỉ có những anh chị em trực tiếp ngắm nhìn cột khói từ Quảng trường thánh Phêrô mới cảm nhận những tình cảm lạ lùng, có phần lộn xộn, nhưng nao nức và hạnh phúc, một tình cảm khó diễn tả.

Còn biết bao nhiêu sinh linh khác trên mọi ngã đường thế giới cùng chung một chữ "đồng tâm" hướng về.

Tại Việt Nam, nơi xa xôi về không gian đối với Vatican, lại nên gần gũi trong trái tim, trong cùng một tình yêu Hội Thánh của Chúa Kitô, cùng một lòng tin nơi Thiên Chúa – để một đêm không ngủ, một đêm cùng cảm nhận thứ tình cảm lâng lâng chạy khấp châu thân.

Thứ tình cảm vừa sung sướng, vừa nao nức, vừa hồi hộp, vừa mạnh mẽ, vừa vỡ òa… cứ dồn dập đổ về trong tâm hồn như muốn bay cao lên, như muốn la to lên: HỘI THÁNH CHÚA KITÔ, MỘT LẦN NỮA LẠI CÓ TÂN GIÁO HOÀNG.

Trong khi tâm hồn còn đang dâng trào theo làn khói biếc, thì thật hay và đúng lúc, chỉ trong vòng 10 phút, ban Quân nhạc của Ý rầm rập kéo đến phía trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô trỗi vang quốc thiều Vatican, bài ca muôn thuở: Hành khúc Giáo hoàng:
"Roma muôn năm, nơi bất tử của mọi ký ức. Một ngàn cành cọ và một ngàn bệ thờ hát bài ngợi ca. Ôi thành phố của những vị tông đồ, người mẹ và người dẫn lối lên thiên đàng. Ánh sáng của nhân loại và niềm hy vọng của thế giới. Ôi Roma! Ánh sáng của Người sẽ không bao giờ phai nhạt. Nét lộng lẫy trong vẻ đẹp của Người xua tan đi sự ô nhục và lòng oán hận. Ôi thành phố của những vị tông đồ, người mẹ và người dẫn lối lên thiên đàng. Ánh sáng của nhân loại và niềm hi vọng của thế giới".

Cả tình cảm cùng nhịp với lời bài ca khấp khởi, trang trọng, hào hùng cứ dâng trào, dâng trào y như có gì thiêng liêng khôn tả thúc bách cuồn cuộn chảy, cuồn cuộn trôi, cuồn cuộn tuôn đổ... Cứ thế mà cuồn cuộn... cuồn cuộn...

Cảm xúc cứ đi từ thăng hoa này đến thăng hoa khác. Đúng 19 giờ 13 phút (hay 0 giờ 13 phút, giờ Việt Nam), cả thế giới đi từ hồi hộp rồi vỡ òa theo từng lời của Hồng Y Dominique Mamberti, Hồng Y trưởng đẳng phó tế, người đang xuất hiện trên ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để ngỏ với Rôma và toàn thế giới:
"Tôi báo cho anh chị em một tin vui lớn lao: Habemus Papam! Chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và đáng trọng, Đức Robert Francis Prevost, là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện. Người đã chọn cho mình tông hiệu là Lêô XIV".

Sung sướng quá đỗi. Hạnh phúc đổ dồn. Hòa cùng rừng người trên Quảng trường kéo căng mọi loại cờ của quốc gia mình, cùng nhều giọt lệ tuôn, nhiều nụ cười mãn nguyện, kẻ ở xa cũng đang tận hưởng, đang thấy mình như gần gũi với vạn vạn con tim đang có mặt trên Quảng trường.

Tôi đã quỳ xuống. Quỳ mà cầu nguyện. Quỳ mà dâng lên Thiên Chúa nỗi vui mừng không dễ gì có được. Xin mượn lời bài ca Ngợi Khen của Đức Nữ Trinh Maria mà chúc khen danh Chúa. Xin hợp cùng Đức Nữ Vương bàu chữa Hội Thánh mà dâng lên Chúa muôn điều kỳ diệu, muôn ân ban quá sức nhiệm mầu, muôn hạnh phúc ngập đầy mà chính Chúa đã tặng thưởng qua muôn muôn lớp lớp thời gian, dọc dài cả dòng lịch sử bất tận.
 
VietCatholic TV
Ukraine tấn công nhà máy sản xuất cáp quang. TT Zelenskiy chế giễu cuộc diễn hành sợ hãi của Putin
VietCatholic Media
15:49 09/05/2025


1. Ukraine phản ứng trước báo cáo Tổng thống Trump ‘không biết’ về lệnh ngừng viện trợ của Pete Hegseth

Một nhà lập pháp cao cấp của Ukraine chia sẻ với Newsweek rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth được tường trình đã dừng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine trong những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Trump, mà không có lệnh trực tiếp từ Tổng thống Trump, là điều “đáng kinh ngạc”.

Reuters đưa tin vào thời điểm đó, các chuyến hàng vũ khí của Mỹ tới Ukraine đã dừng lại trong thời gian ngắn vào đầu tháng 2. Điều này đã khiến Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, quyết định rút quân khỏi tỉnh Kursk của Nga để tránh bị bao vây do tình trạng khan hiếm đạn dược.

Hãng thông tấn này sau đó đưa tin vào thứ Ba rằng văn phòng của Hegseth đã ra lệnh bằng lời yêu cầu dừng 11 chuyến bay chở vũ khí và thiết bị đến Ukraine ngay sau khi chính quyền Tổng thống Trump nhậm chức.

Kyiv phụ thuộc rất nhiều vào Washington về nguồn cung cấp quân sự cho tiền tuyến, mặc dù hiện tại ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ hơn so với những tháng đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022. Chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm đã công bố khoản viện trợ gần 1 tỷ đô la cho Ukraine vào tháng 12, và khoản tiền này vẫn đang được gửi đến quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Theo nguồn tin ẩn danh nói với hãng tin này, Tổng thống Trump không biết về lệnh của Hegseth, và các quan chức an ninh quốc gia cao cấp cũng không có mặt tại cuộc họp tại Phòng Bầu dục với tổng thống vào ngày 30 Tháng Giêng có sự tham gia của Hegseth.

Ý tưởng ngừng viện trợ cho Ukraine đã được đưa ra trong cuộc họp, nhưng Tổng thống Trump không ra lệnh ngừng viện trợ, hai người hiểu biết về vấn đề này nói với hãng thông tấn.

Không rõ lệnh này được đưa ra khi nào, nhưng hai nguồn tin cho Reuters biết các quan chức Ukraine và Âu Châu đã bắt đầu đặt câu hỏi về lệnh tạm dừng này vào ngày 2 tháng 2, với hồ sơ cho thấy các chuyến bay đã được nối lại vào ngày 5 tháng 2.

Một quan chức Ukraine hiểu rõ tình hình cho biết, Ukraine đã phải vật lộn để có được thông tin rõ ràng từ chính quyền, mặc dù đã liên hệ thông qua “nhiều kênh”.

“Thật là một mớ hỗn độn,” Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, phát biểu với Newsweek hôm thứ Tư.

Merezhko cho biết dường như có một “khoảng cách giao tiếp nghiêm trọng” trong chính quyền và nói thêm: “Nói một cách đơn giản thì điều đó thật đáng sợ”.

Ngũ Giác Đài đã chuyển các câu hỏi đến Tòa Bạch Ốc. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Karoline Leavitt, nói với Reuters rằng Hegseth đã tuân theo chỉ thị của Tổng thống Trump về việc tạm dừng viện trợ cho Ukraine. Bà cho biết chính quyền sẽ không “trình bày chi tiết mọi cuộc trò chuyện giữa các quan chức chính quyền cao cấp trong suốt quá trình” cố gắng chấm dứt chiến tranh.

Thời gian Hegseth nắm quyền lãnh đạo Bộ Quốc phòng đầy rẫy những câu chuyện về đấu đá nội bộ và ngày càng có nhiều lời kêu gọi sa thải ông vào thời điểm thế giới đang theo dõi chặt chẽ cách chính quyền Tổng thống Trump điều hành chính sách quốc phòng.

Hegseth đổ lỗi cho “những nhân viên cũ bất mãn” và “những kẻ tiết lộ thông tin”.

Bốn nguồn tin ẩn danh được thông báo về tình hình này nói với Reuters rằng một nhóm nhỏ nhân viên Ngũ Giác Đài vốn phản đối viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine nhưng chưa bao giờ giữ chức vụ nào trong chính phủ đã yêu cầu Hegseth cân nhắc việc tạm dừng cung cấp viện trợ.

Hoa Kỳ chính thức dừng viện trợ quân sự cho Ukraine vào đầu tháng 3, cắt đứt quyền tiếp cận của Kyiv với thông tin tình báo có nguồn gốc từ Hoa Kỳ trong nỗ lực rõ ràng nhằm buộc Ukraine phải đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn.

Việc dừng đột ngột việc chia sẻ thông tin tình báo và tiếp tế quân sự mới diễn ra khi Ukraine vật lộn để giữ một phần lãnh thổ của Nga tại khu vực Kursk của nước này, nơi Kyiv đã bất ngờ tấn công vào mùa hè năm ngoái. Động thái tiến vào Kursk được thiết kế để rút các nguồn tài nguyên của Nga khỏi khu vực Donetsk phía đông Ukraine và đưa ra một con bài mặc cả cho người Ukraine cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Nga đã nới lỏng sự kiểm soát của Ukraine tại Kursk khi viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo tạm dừng.

[Newsweek: Ukraine Reacts to Report Trump 'Unaware' of Pete Hegseth Order to Halt Aid]

2. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine được cho là đã tấn công nhà máy cáp quang của Nga ở Saransk

Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công nhà máy Optic Fiber Systems ở Saransk, Cộng hòa Mordovia, hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin hôm Thứ Năm, 08 Tháng Năm.

Hai vụ cháy đã xảy ra ở Saransk sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa. Một vụ cháy xảy ra tại nhà máy Optic Fiber Systems, trong khi vụ cháy thứ hai bùng phát cách đó vài km, được cho là tại nhà máy Saranskkabel.

Người dân địa phương nói với kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh Shot rằng một số vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển khu công nghiệp của thành phố vào khoảng 6 giờ sáng

“Nhà máy hệ thống cáp quang ở Saransk đã bị hư hại rất nghiêm trọng sau cuộc tấn công”, Andrii Kovalenko, một quan chức tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết vào ngày 7 tháng 5.

Kovalenko tuyên bố nhà máy đã cung cấp cho quân đội Nga vật liệu sản xuất máy bay điều khiển từ xa bằng sợi quang, có khả năng chống nhiễu tác chiến điện tử, và cho biết khả năng đóng cửa nhà máy hiện là có thể xảy ra.

Tờ Kyiv Independent không thể xác minh các khiếu nại. Hậu quả tiềm tàng của cuộc tấn công vào nhà máy Saranskkabel vẫn chưa được biết.

[Kyiv Independent: Ukrainian drones reportedly hit Russian fiber optic plant in Saransk]

3. Vance cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng ‘bỏ đi’ nếu Nga đàm phán thiếu thiện chí

Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance phát biểu với Fox News vào ngày 8 tháng 5 rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng “rời khỏi” bàn đàm phán nếu không thấy Nga đạt được tiến triển trong đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh.

“Điều khiến tôi bận tâm là nếu chúng tôi phải đi đến kết luận rằng người Nga không tham gia đàm phán một cách thiện chí. Và nếu điều đó xảy ra, vâng, chúng tôi sẽ bỏ đi”, Vance nói trong một cuộc phỏng vấn.

Hoa Kỳ được cho là đã trở nên thất vọng vì không có tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Vào ngày 26 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói rằng Putin có thể đang “dụ dỗ tôi” trong các cuộc đàm phán.

Bất chấp sự thất vọng ngày càng tăng từ Tòa Bạch Ốc, Vance cho biết việc các bên đưa ra đề xuất cho nhau là dấu hiệu của “tiến bộ”.

“Chúng tôi biết rằng Nga sẽ đòi hỏi quá nhiều vì quan điểm của Nga trên thực tế là họ đang chiến thắng”, Vance nói. “Thái độ của chúng tôi là chúng tôi không muốn Ukraine sụp đổ. Rõ ràng là chúng tôi muốn Ukraine vẫn là một quốc gia có chủ quyền. Nga không thể mong đợi được trao lãnh thổ mà họ thậm chí còn chưa chinh phục được”.

“Chúng tôi biết rằng lời đề nghị đầu tiên của người Nga sẽ là quá nhiều. Chúng tôi biết rằng họ sẽ yêu cầu nhiều hơn mức hợp lý để đưa ra, đó là cách đàm phán thường diễn ra,” Vance nói tiếp.

Vance cảnh báo rằng Nga và Ukraine “sẽ phải tự giải quyết vấn đề này mà không có trung gian hòa giải của Hoa Kỳ” nếu Mạc Tư Khoa tiếp tục trì hoãn các cuộc đàm phán.

Bất chấp bình luận của Vance, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Tổng thống Trump dường như đã phản bác lại Vance khi nói rằng ông “cam kết” bảo đảm một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga.

“Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ tiếp tục cam kết bảo đảm hòa bình giữa Nga và Ukraine, cùng với người Âu Châu, và đó sẽ là một nền hòa bình lâu dài”, Tổng thống Trump nói.

“Hy vọng rằng một lệnh ngừng bắn có thể chấp nhận được sẽ được tuân thủ và cả hai quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm tôn trọng tính thiêng liêng của các cuộc đàm phán trực tiếp này. Nếu lệnh ngừng bắn không được tôn trọng, Hoa Kỳ và các đối tác của mình sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt”, Tổng thống Trump nói thêm.

Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ được cho là đã chuẩn bị một gói trừng phạt mới đối với Nga, mặc dù Tổng thống Trump vẫn chưa có động thái thực hiện các biện pháp này.

[Kyiv Independent: US ready to 'walk away' if Russia negotiates in bad faith, Vance says]

4. Tổng thống Zelenskiy chế giễu “Cuộc diễn hành sợ hãi” của Putin trong video thách thức Kyiv

Tổng thống Ukraine Volodymr Tổng thống Zelenskiy đã lên án lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 được lên kế hoạch tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa là một “cuộc diễn hành trong sợ hãi”.

Trong bài phát biểu trên video, Tổng thống Zelenskiy đã so sánh các sự kiện ở thủ đô Ukraine trước lễ kỷ niệm 80 năm ngày đánh bại Đức Quốc xã với “những đoàn xe tăng và khối sát thủ diễn hành” được trưng bày ở Mạc Tư Khoa.

Bình luận của ông vào thứ năm được đưa ra sau bài phát biểu hàng đêm của ông, trong đó ông đề cập đến máy bay điều khiển từ xa nhắm vào Mạc Tư Khoa và các khu vực khác của Nga, đồng thời nói rằng “hoàn toàn công bằng” khi bầu trời Nga không bình yên.

Bình luận mới nhất của Tổng thống Zelenskiy được đưa ra sau lời kêu gọi ngừng bắn trong 30 ngày của ông đã được đồng ý với Hoa Kỳ nhưng bị Putin bác bỏ.

Tổng thống Nga đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đây sẽ là sự kiện tuyên truyền quan trọng của Điện Cẩm Linh sau hành động xâm lược của nước này tại Ukraine.

Nhưng một loạt máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã đóng cửa các phi trường ở Mạc Tư Khoa và nhắm vào các cơ sở quân sự của Nga. Những bình luận trước đó của Tổng thống Zelenskiy về việc bầu trời Nga không bình yên sẽ làm tăng thêm suy đoán rằng Kyiv có ý định phá hoại sự kiện này.

Trong đoạn clip, ông cho biết muốn so sánh những gì đang diễn ra tại Quảng trường Độc lập của Kyiv với những gì đang diễn ra tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa, nơi diễn ra các cuộc diễn tập có sự tham gia của xe quân sự và quân đội.

Đoạn video chuyển sang cảnh quay không có ngày tháng từ Quảng trường Đỏ, nơi quân đội và thiết bị quân sự đi qua, khi ông nhắc đến các đoàn xe tăng cũng như “những khối sát thủ diễn hành” và “đám đông dàn dựng”.

Tổng thống Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa đã lặp lại tội ác của Hitler ở Ukraine khi so sánh giữa hành động tàn bạo của Đức Quốc xã và những gì đã xảy ra trong cuộc xâm lược toàn diện.

Tổng thống Zelenskiy cho biết sự kiện diễn ra vào thứ Sáu tại Quảng trường Đỏ sẽ là một “cuộc diễn hành của sự hoài nghi... của sự cay đắng và dối trá” như thể Putin là người đã đích thân đánh bại chủ nghĩa Quốc xã.

Nhưng điều này đã bỏ qua những hy sinh của nhiều người, bao gồm cả người Ukraine, trong Thế chiến II, trong khi ngày nay hầu như mọi gia đình Ukraine đều có một anh hùng đang chiến đấu chống lại một thế lực tà ác mới, ông nói thêm.

Vào đêm thứ Tư, Tổng thống Zelenskiy đã đề cập đến các máy bay điều khiển từ xa đã làm gián đoạn các chuyến bay ở thủ đô Nga và nhắm vào các cơ sở quân sự và cho biết “hoàn toàn công bằng” khi bầu trời Nga không bình yên trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Trước đó, Tổng thống Zelenskiy đã nói rằng Ukraine không thể bảo đảm an ninh cho các nhà lãnh đạo thế giới tham dự lễ kỷ niệm tại Mạc Tư Khoa. Kể từ đó, Kyiv đã đưa ra những lời đe dọa ngấm ngầm, với nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Tướng Kyrylo Budanov nói rằng những người Nga theo dõi bầu trời vào thứ Sáu nên “mang theo nút tai”.

Hôm thứ năm, nhóm du kích Atesh cho biết họ đã làm gián đoạn thông tin liên lạc tại một số cơ sở quân sự của Nga và phá hủy thiết bị tại một trạm biến áp ở khu vực Mạc Tư Khoa.

[Newsweek: Zelensky Scorches Putin's 'Parade of Fear' in Defiant Kyiv Video]

5. ‘Những người bạn thép’ — Tập Cận Bình, Putin thề sẽ tăng cường hợp tác trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, chỉ trích giới lãnh đạo Hoa Kỳ

Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước vào ngày 8 tháng 5, cam kết tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả quan hệ quân sự.

Trong tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa trong bối cảnh diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9 tháng 5, hai nước đã hứa sẽ “tăng cường phối hợp để phản đối quyết liệt chính sách 'kiềm chế kép' của Washington đối với Nga và Trung Quốc”.

Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết chống lại Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, hai nước đã lên án “việc thúc đẩy các biện pháp thù địch đối với Nga và Trung Quốc của các nước thứ ba ở nhiều khu vực trên thế giới, cũng như việc làm mất uy tín của sự hợp tác Nga-Trung”.

Hai nước cũng cam kết “góp phần thiết lập hòa bình tại Ukraine”, đồng thời giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc chiến.

Tuyên bố về cuộc chiến tranh Ukraine ám chỉ đến cách diễn đạt mà Nga thường sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược toàn diện của mình, tuyên bố sai sự thật rằng nước này bị đẩy vào cuộc chiến với Ukraine vì sự mở rộng của NATO.

Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Nga kể từ khi Điện Cẩm Linh phát động cuộc chiến toàn diện với Ukraine, trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Mạc Tư Khoa các loại hàng hóa có mục đích sử dụng kép giúp củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trong khi Trung Quốc tự định vị mình là một bên trung gian tiềm năng trong cuộc chiến, họ đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ và các đồng minh vì đã “làm trầm trọng thêm” cuộc chiến bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. NATO đã cáo buộc Trung Quốc là “bên tiếp tay quyết định” cho hành động xâm lược của Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào ngày 17 tháng 4 rằng Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho quân đội Nga. Tuyên bố của ông đánh dấu lần đầu tiên Kyiv xác nhận rằng Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách cung cấp vũ khí.

Trước đó vào ngày 8 tháng 5, Tập Cận Bình phát biểu rằng ông rất vui khi được tham gia lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng và rằng “Trung Quốc và Nga sẵn sàng bảo vệ sự thật về lịch sử Thế chiến thứ II”.

Chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 10 tháng 5. Trong thời gian này, phía Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức các cuộc hội đàm theo nhiều hình thức khác nhau, cả giữa hai nhà lãnh đạo và giữa các phái đoàn, theo phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov.

Trong cuộc gặp kéo dài ba tiếng rưỡi với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Putin bày tỏ mong muốn thực hiện chuyến thăm chính thức lần nữa tới Trung Quốc và nhấn mạnh rằng chính phủ hai nước đang nỗ lực phát triển toàn diện quan hệ song phương.

Sự hiện diện của Tập Cận Bình tại Mạc Tư Khoa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy Putin trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra do Hoa Kỳ làm trung gian nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump ban đầu tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, Tổng thống Trump được cho là ngày càng thất vọng vì không có tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Vào ngày 26 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã viết rằng Putin có thể đang “kéo tôi theo” trong các cuộc đàm phán.

Vào ngày 8 tháng 5, Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance nói với Fox News rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng “rời khỏi” bàn đàm phán nếu không thấy Nga đạt được tiến triển trong đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh.

[Kyiv Independent: 'Friends of steel' — Xi, Putin vow to strengthen cooperation ahead of Victory Day celebrations, slam US leadership]

6. Âu Châu chuẩn bị đòn mới vào Hạm đội bóng tối của Putin

Các tàu mà Nga sử dụng để né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này sẽ là mục tiêu trong một loạt biện pháp của Liên minh Âu Châu, theo như đưa tin.

Ủy ban Âu Châu đang tìm cách bổ sung hơn 100 tàu từ “hạm đội bóng tối” của Nga vào gói trừng phạt mới nhất nhằm trừng phạt Vladimir Putin vì cuộc xâm lược toàn diện của ông vào Ukraine.

Nhóm vận động người Ukraine Razom We Stand nói với Newsweek rằng họ hoan nghênh các biện pháp này nhưng chúng chưa đủ mạnh. Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để bình luận.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các lệnh trừng phạt đã nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên quan trọng của Nga nhưng ngân khố của Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tràn ngập doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây muốn kiềm chế cỗ máy chiến tranh của Putin.

Mạc Tư Khoa đã phản ứng lại mức giá trần 60 đô la cho dầu vận chuyển bằng đường biển bằng cách xây dựng một đội tàu ngầm có mối liên hệ bí mật với Nga, cho phép việc bán mặt hàng xuất khẩu chính của nước này cho những khách hàng chính là Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra nhanh chóng.

Dự thảo các biện pháp của Liên Hiệp Âu Châu sẽ được bỏ phiếu trong tháng này sẽ mở rộng danh sách các tàu Nga bị trừng phạt lên 300 và cũng sẽ bao gồm hàng chục cá nhân và tổ chức, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, có khả năng thắt chặt vòng vây hỗ trợ cho quân đội Nga.

Các nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu nói với Reuters rằng Ủy ban Âu Châu đã đề xuất bổ sung hơn 100 tàu có liên quan đến hạm đội ngầm của Nga vào gói trừng phạt thứ 17 đối với Mạc Tư Khoa.

Các biện pháp này cũng sẽ nhắm tới hơn 60 cá nhân và tổ chức, bao gồm khoảng 50 công ty, năm công ty Trung Quốc và 31 doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Nga hoặc giúp vượt qua các hạn chế thương mại hiện hành, cơ quan này đưa tin.

Ngoài ra, việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép và công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ quân đội Nga cũng sẽ được thắt chặt.

Gói này sẽ bao gồm miễn trừ cho dự án LNG Sakhalin-2 ở Viễn Đông của Nga do tầm quan trọng của dự án này đối với Nhật Bản.

Cơ quan này cho biết các cuộc thảo luận đầu tiên về đề xuất này sẽ diễn ra vào thứ Tư và gói này đã được đưa ra sớm hơn dự kiến, với các quốc gia thành viên không được tham khảo ý kiến trước một cách không chính thức như các gói trước đây.

Svitlana Romanko, người sáng lập và giám đốc điều hành của Razom We Stand, hoan nghênh các lệnh trừng phạt được đề xuất nhưng cho biết chúng vẫn chưa đủ mạnh.

Bà nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng với 1.000 tàu ngầm có thể vận chuyển nhiên liệu hóa thạch của Nga, cần phải có một cơ cấu toàn diện để giám sát và cập nhật thông tin về tất cả các tàu, đồng thời áp dụng các lệnh trừng phạt được phối hợp quốc tế đối với toàn bộ đội tàu.

Romanko cho biết các lệnh trừng phạt mạnh mẽ phải được phối hợp giữa các thực thể chủ chốt như Liên Hiệp Âu Châu, Anh, Hoa Kỳ và Canada để bảo đảm các lệnh trừng phạt được áp dụng trên quy mô lớn.

Bà cũng cho biết thêm, cần có thêm các hành động về chính sách thương mại và luật pháp để thực hiện lộ trình mới nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga.

[Newsweek: Europe Prepares New Blow to Putin's Shadow Fleet]

7. Liên lạc quân sự ở Mạc Tư Khoa bị phá hoại trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga

Nhóm du kích Atesh tuyên bố đã làm gián đoạn liên lạc tại một số cơ sở quân sự của Nga khi phá hủy thiết bị tại một trạm biến áp ở Tỉnh Mạc Tư Khoa của Nga vào ngày 8 tháng 5.

Điện Cẩm Linh đã mời nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đến dự lễ diễn hành Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 khi Nga phải đối mặt với sự cô lập từ phương Tây do cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Mạc Tư Khoa từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 5.

“Một thành viên của phong trào Atesh đã thực hiện thành công hoạt động phá hoại tại thị trấn Mogiltsy, Tỉnh Mạc Tư Khoa, phá hủy thiết bị tại một trạm biến áp cung cấp cơ sở hạ tầng điện và viễn thông cho khu vực”, nhóm này cho biết như trên.

Mogiltsy nằm cách Mạc Tư Khoa khoảng 45 km, hay 28 dặm, về phía đông bắc, nơi các quan chức nước ngoài được mời đến dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9 tháng 5.

Nhóm Atesh tuyên bố: “Các gián đoạn liên lạc đã xảy ra tại một số cơ sở quân sự quan trọng, bao gồm: Trung đoàn hỏa tiễn phòng không 629 (đơn vị quân đội 51857), Lữ đoàn tác chiến độc lập số 21 (đơn vị quân đội 3641), cũng như thị trấn quân sự nơi các đơn vị quân đội 20007, 03523 và 51084 đóng quân”.

Nhóm du kích Atesh thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công phá hoại ở Nga và các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 3 tháng 5 tuyên bố Ukraine không thể bảo đảm an toàn cho các quan chức nước ngoài có kế hoạch tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga tại Mạc Tư Khoa.

Ông Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga có trách nhiệm bảo đảm an toàn và an ninh trên lãnh thổ của mình.

“Họ chịu trách nhiệm về sự an toàn của các bạn. Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào, vì chúng tôi không biết Nga có thể làm gì vào những ngày đó”, ông nói thêm.

Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người ủng hộ Putin, sẽ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, bất chấp cuộc chiến của Nga với Ukraine.

[Kyiv Independent: Military communications in Moscow Oblast sabotaged amid Russia's Victory Day celebrations, partisans claim]

8. Thủ tướng Đức Merz có kế hoạch thăm Ukraine

Thủ tướng Đức Friedrich Merz có kế hoạch sớm thăm Ukraine như một phần trong nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn lâu dài với Nga, đài truyền hình Đức Tagesschau đưa tin vào ngày 7 tháng 5.

Merz cho biết chuyến đi hiện đang được điều phối và nhấn mạnh rằng Liên minh Âu Châu phải làm “mọi thứ có thể” để giúp bảo đảm lệnh ngừng bắn lâu dài sau cuối tuần sắp tới.

“Câu hỏi chính là liệu Nga có sẵn sàng cho lệnh ngừng bắn 30 ngày hay không”, Merz nói, theo Tagesschau. Ông cũng liên kết triển vọng bảo đảm an ninh của Đức cho Ukraine với việc thiết lập một lệnh ngừng bắn bền vững, mà ông cho biết sẽ mở đường cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với Mạc Tư Khoa.

Nhận xét của Merz được đưa ra khi Nga chuẩn bị cho lệnh ngừng bắn đơn phương, được công bố vào thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng hàng năm. Điện Cẩm Linh tuyên bố “lệnh ngừng bắn nhân đạo” từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 11 tháng 5, tuyên bố sẽ dừng các hoạt động quân sự trong thời gian đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ động thái này là “màn trình diễn sân khấu” nhằm mục đích giảm bớt sự cô lập quốc tế của Nga. Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của lệnh ngừng bắn, cảnh báo rằng nó thiếu các điều khoản được thỏa thuận chung hoặc cơ chế giám sát.

Lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng là sáng kiến ngừng bắn mới nhất trong một loạt các sáng kiến do Mạc Tư Khoa công bố, tất cả đều bị Nga vi phạm.

Vào tháng 4, Nga tuyên bố ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Ukraine cáo buộc Mạc Tư Khoa đã vi phạm gần 3.000 lần từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 21 tháng 4.

Ukraine cũng cho biết lực lượng Nga đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần về các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng được thỏa thuận vào ngày 25 tháng 3.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình trong khi đồng thời thúc đẩy các yêu cầu tối đa. Kyiv đã bác bỏ những tuyên bố này là một chiêu trò tuyên truyền, lưu ý rằng lực lượng Nga chỉ tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố và thị trấn của Ukraine.

Ukraine đã chấp nhận lệnh ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất cách đây hơn 50 ngày, nhưng Mạc Tư Khoa đã từ chối lời đề nghị này, yêu cầu phương Tây ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.

[Kyiv Independent: German Chancellor Merz plans visit to Ukraine]

9. Tân Ngoại trưởng Đức mới Wadephul cho biết Ukraine có thể tin tưởng vào Âu Châu.

Tân Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul đã cam kết Âu Châu sẽ hỗ trợ Ukraine sau chuyến thăm Warsaw vào ngày 7 tháng 5.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 6 tháng 5, Wadephul nhậm chức cùng ngày cùng với một nội các mới. Các quan chức Đức mới đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra của Nga.

Wadephul đã gặp các quan chức Ba Lan tại bảo tàng Quân đội Ba Lan ở Warsaw, nơi họ thảo luận về an ninh Âu Châu trong bối cảnh Nga tiến hành chiến tranh với Ukraine.

Ông cho biết: “Chúng ta hiện đang cùng nhau làm nhiều hơn cho an ninh Âu Châu, bao gồm cả về nguồn lực tài chính”.

Wadephul cảnh báo Điện Cẩm Linh rằng Đức và Âu Châu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi Nga vẫn tiếp tục chiến tranh.

“Mọi người ở Mạc Tư Khoa phải biết rằng họ phải tính đến chúng tôi. Âu Châu sẽ ủng hộ Ukraine,” Wadephul nói.

Merz trước đó đã ám chỉ rằng ông sẵn sàng tăng cường sự hỗ trợ của Đức cho Ukraine, bao gồm cả việc gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus tới Kyiv.

Cựu Thủ tướng Olaf Scholz đã nhiều lần ngăn chặn việc chuyển giao hỏa tiễn Taurus vì lo ngại căng thẳng với Nga.

[Kyiv Independent: Ukraine can rely on Europe, new German FM Wadephul says.]

10. Reuters đưa tin Ukraine cân nhắc chuyển sang sử dụng đồng euro thay vì đồng đô la

Reuters đưa tin ngày 7 tháng 5, trích lời Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Andrii Pyshnyi, Ukraine đang cân nhắc chuyển hướng khỏi đồng đô la Mỹ và tiến gần hơn đến đồng euro làm chuẩn mực cho đồng hryvnia.

Những lời đe dọa áp thuế trên quy mô lớn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây sốc cho thị trường và gây ra sự chỉ trích trên toàn thế giới. Trong khi đó, Ukraine đang tiến gần hơn đến Liên Hiệp Âu Châu khi nước này đang trong quá trình đàm phán gia nhập khối.

Ông Pyshnyi cho biết “vai trò của Liên Hiệp Âu Châu trong việc bảo đảm năng lực quốc phòng của chúng ta ngày càng được tăng cường, thị trường toàn cầu biến động mạnh hơn và khả năng phân mảnh thương mại toàn cầu” là những lý do khiến Ukraine cân nhắc sử dụng đồng euro thay vì đồng đô la.

Một số nước Âu Châu không sử dụng đồng euro, bao gồm Đan Mạch, neo tiền tệ của họ vào đồng euro bằng cơ chế tỷ giá hối đoái Âu Châu như một phần của Liên minh kinh tế và tiền tệ Liên Hiệp Âu Châu.

“Công việc này rất phức tạp và đòi hỏi sự chuẩn bị đa dạng, phẩm chất cao”, Pyshnyi nói với Reuters.

Ngày 9 tháng 4, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết Ukraine đã thực hiện 81% cam kết theo Hiệp định liên kết với Liên minh Âu Châu.

“Một lần nữa, chúng tôi chứng minh rằng chúng tôi có thể tiến tới tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu mở cả sáu cụm trong các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và tăng cường hội nhập theo ngành”, ông nói.

Vào ngày 1 tháng 4, các quan chức Âu Châu đã công bố chương trình Ukraine2EU trị giá 16,7 triệu euro, hay 19 triệu đô la, để hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

[Kyiv Independent: Ukraine considers moving closer to euro rather than dollar, Reuters reports]

11. Lithuania có kế hoạch xây dựng thuyền điều khiển từ xa với Ukraine trong nỗ lực chung

Thứ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovile Sakaliene trả lời hãng thông tấn Militarnyi của Ukraine vào ngày 6 tháng 5 rằng Lithuania đang xem xét điều động sản xuất thuyền điều khiển từ xa trong nước với sự hợp tác của Ukraine.

Theo mô hình “1+1”, Lithuania sẽ tài trợ cho việc sản xuất hai máy bay điều khiển từ xa, giữ lại một chiếc để phòng thủ và gửi chiếc còn lại cho Ukraine. Quốc gia này đặc biệt quan tâm đến thuyền điều khiển từ xa trên biển lớp Magura của Ukraine, loại máy bay đã được sử dụng thành công chống lại Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Sakaliene cho biết: “Theo quan điểm của tôi, Magura là một sản phẩm quân sự tuyệt vời”.

Sáng kiến được đề xuất sẽ bao gồm việc sản xuất vũ khí chung trên đất Lithuania, trong đó Vilnius sẽ chi trả chi phí.

“Tức là chúng tôi trả tiền để sản xuất hai thiết bị, một thiết bị được chuyển đến Ukraine và thiết bị còn lại ở lại Lithuania, nhưng chúng tôi chi trả chi phí cho cả hai thiết bị”, bà giải thích.

Đầu năm nay, Lithuania đã phân bổ 20 triệu euro, hay 21 triệu đô la, để mua vũ khí cho Kyiv từ các nhà sản xuất Ukraine. Sakaliene nhấn mạnh rằng Lithuania thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác chặt chẽ hơn về các công nghệ như hỏa tiễn và thuyền điều khiển từ xa của hải quân.

Bà cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự hợp tác trong một số lĩnh vực liên quan đến máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn, thuyền điều khiển từ xa trên biển và các công nghệ khác thực sự rất hứa hẹn”.

Thuyền điều khiển từ xa Magura là tàu nổi nhỏ, điều khiển từ xa do Ukraine phát triển và đã trở thành tài sản quan trọng trong chiến tranh hải quân của nước này. Mặc dù có kích thước nhỏ, chúng đã chứng minh được hiệu quả chống lại các tàu chiến lớn hơn, giúp Hạm đội Hắc Hải của Nga bị mắc kẹt trong cảng.

Vào ngày 2 tháng 5, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR đã sử dụng thuyền điều khiển từ xa Magura-7 được trang bị hỏa tiễn không đối không để bắn hạ hai chiến đấu cơ Su-30 của Nga gần thành phố cảng Novorossiysk, giám đốc HUR Kyrylo Budanov nói với The War Zone vào ngày 3 tháng 5.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến binh bị thuyền điều khiển từ xa của hải quân bắn hạ.

[Kyiv Independent: Lithuania plans to build naval drones with Ukraine in joint effort]

12. Bessent đồng ý Putin là tội phạm chiến tranh, nhưng ông cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tiếp tục

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đồng ý khi được hỏi liệu ông có coi Putin là tội phạm chiến tranh vào ngày 7 tháng 5 hay không.

Khi được Dân biểu đảng Dân chủ Juan Vargas hỏi: “Ông có coi Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh không?”, Bessent trả lời: “Có”.

Bessent trước đây đã chỉ trích giới lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Vào ngày 1 tháng 5, Bessent đã đề xuất thiết lập lại quan hệ giữa Ukraine và Hoa Kỳ sau khi ký kết thỏa thuận khoáng sản song phương vào ngày 30 tháng 4.

Những bình luận này được đưa ra khi Bessent phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ và đưa ra lời khai thường niên trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ.

Khi Vargas hỏi, “Ông có đàm phán với một tội phạm chiến tranh không?” Bessent trả lời, “Tôi nghĩ đó là bản chất của ngoại giao, người ta phải đàm phán với cả hai bên, thưa ngài.”

Bessent nói thêm: “Tôi tin rằng cần phải đàm phán với Nhật Bản sau Thế chiến thứ II”.

Ông Bessent cho biết chính quyền trước đây do cựu Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đứng đầu đã cung cấp viện trợ cho Ukraine nhưng áp đặt các lệnh trừng phạt “rất yếu” đối với Nga.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết vào tháng 4 rằng thỏa thuận khoáng sản sẽ nhấn mạnh cam kết của Washington với Ukraine với tư cách là đối tác kinh tế và có thể được sử dụng làm đòn bẩy để khuyến khích Nga đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Thỏa thuận khoáng sản này thiết lập một quỹ đầu tư chung 50-50 tập trung vào các dự án năng lượng và khoáng sản quan trọng mới.

Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Yulia Svyrydenko, quỹ này sẽ thu doanh thu từ các dự án mới được cấp phép, trong khi các dự án hiện tại và thu nhập theo ngân sách vẫn nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận.

Thỏa thuận đã được đàm phán trong nhiều tháng và trở thành điểm căng thẳng giữa Tổng thống Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã xảy ra tranh cãi nảy lửa tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 28 tháng 2 khi thỏa thuận sắp được hai nhà lãnh đạo ký kết.

[Kyiv Independent: Bessent agrees Putin is a war criminal, but peace talks should continue, he says]