Với thông báo Đức Hồng Y Robert Francis Prevost đã được chọn làm Đức Tân Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, người dân Ukraine đang tự hỏi việc bổ nhiệm bất ngờ vị giáo hoàng sinh ra ở Mỹ này sẽ có ý nghĩa gì đối với đất nước họ.

Cha Ihor Yatsiv, phát ngôn nhân của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ ra rằng những bình luận trước đây của vị Tân Giáo Hoàng, người đã lấy hiệu là Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, đã nhanh chóng xuất hiện để dư luận có thể tìm hiểu quan điểm của ngài về các vấn đề gây tranh cãi.

Cha Ihor Yatsiv chỉ ra rằng khi còn là Giám mục của Chiclayo ở Peru, Đức Cha Robert Prevost đã lên tiếng phản đối cuộc xâm lược liên tục của Nga chống lại Ukraine trong một cuộc phỏng vấn năm 2022.

Phát biểu với hãng tin Semanario Expresión của Peru, Đức Cha Prevost lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, mô tả đây là “một cuộc xâm lược thực sự, mang tính chất đế quốc, khi Nga tìm cách chinh phục lãnh thổ vì tham vọng quyền lực”.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV được các Hồng Y trong Cơ Mật Viện chọn vào ngày 8 tháng 5, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4 ở tuổi 88. Vào ngày 7 tháng 5, các Hồng Y đã chính thức khai mạc Cơ Mật Viện lịch sử tại Vatican để bầu ra nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo Hội Công Giáo.

Bằng cách nêu rõ tham vọng đế quốc của Nga ở Ukraine, những bình luận trước đây của Giáo hoàng được coi là sự thay đổi so với lập trường của người tiền nhiệm về cuộc chiến và có thể chỉ ra sự thay đổi tiềm tàng trong đường lối của Vatican.

Theo Cha Ihor Yatsiv, Đức Thánh Cha Phanxicô được coi rộng rãi là một nhà cải cách sẽ được người đời nhớ đến với lòng trắc ẩn. Tuy nhiên, phát ngôn nhân của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ghi nhận rằng di sản của ngài ở Ukraine phức tạp hơn thế.

Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga, nhiều người Ukraine coi tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô là không chỉ rõ trách nhiệm của Nga đối với cuộc chiến. Việc ngài mô tả người Ukraine và người Nga là “anh em” bị coi là lạc lõng một cách đau đớn giữa cuộc xâm lược tàn khốc của Mạc Tư Khoa. Theo Cha Ihor Yatsiv, việc Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô mô tả người Ukraine và người Nga là “anh em” gây đau đớn cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và xã hội Ukraine nói chung. Ngài chỉ ra rằng, sau thảm họa diệt chủng Holodomor, là nạn đói do người Nga gây ra giết chết đến 5 triệu người Ukraine trong hai năm 1932 và 1933, việc mô tả người Ukraine và người Nga là “anh em” có thể gây ra một phản ứng tương tự như nói Đức Quốc Xã và người Do Thái là “anh em” thân thiết với nhau. Hơn thế nữa, trong trường hợp của Ukraine, nó còn gây ra lo lắng về sự phủ nhận Ukraine là một quốc gia độc lập và là một dân tộc khác biệt với người Nga.

Ngoài ra, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục kêu gọi hòa bình, ngài cũng không gọi Nga là kẻ xâm lược hoặc lên án đích danh Putin.

Cha Ihor Yatsiv cho rằng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là vị Giáo Hoàng mang lại hy vọng cho đất nước Ukraine. Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương Cha Ihor Yatsiv bày tỏ hy vọng rằng Đức Tân Giáo Hoàng sẽ sửa chữa một thực tế dai dẳng mà ngài gọi là một “bất công” đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tổ chức 10 công nghị tấn phong 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa từng có Hồng Y trong lịch sử. Đối với nhiều quan sát viên, một trong những vị xứng đáng được tấn phong Hồng Y, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không tấn phong, có thể là vì e ngại những rắc rối với Chính Thống Giáo Nga, là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Liubomyr Huzar, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào ngày 21 Tháng Hai, 2001.

Cha Ihor Yatsiv hy vọng Đức Tân Giáo Hoàng sẽ sớm khắc phục bất công này.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy gần đây đã chúc mừng tân Giáo hoàng khi được bổ nhiệm.

Ông cho biết: “Ukraine đánh giá cao lập trường nhất quán của Tòa thánh trong việc duy trì luật pháp quốc tế, lên án hành động xâm lược quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine và bảo vệ quyền của thường dân vô tội”.

Tổng thống Zelenskiy bày tỏ hy vọng rằng “Với tư cách là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình cách thức tổ chức Giáo Hội Công Giáo ứng phó với cuộc chiến tranh lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II.”


Source:Kyiv Independent