Công luận lần này đúng, không như câu người ta thường nói: người được đoán làm giáo hoàng trước mật nghị, thì sau mật nghị vẫn là Hồng Y! Đức Tân Giáo Hoàng Leo XIV vốn được công luận coi là một trong các "papabili", tuy sau các Đức Hồng Y Parolin và Tagle.



Lý do ngài được bầu? Trước nhất xin tạ ơn Chúa Thánh Thần. Không có Người, 133 vị Hồng Y, vốn từ mọi miền thế giới, xa lạ cả với nhau, không thể nào tiến tới đồng thuận nhanh như vậy, không thua mật nghị 2013 bầu Đức Phanxicô: vòng phiếu thứ 4 hay thứ năm!

Nhưng từ vọng nhìn nhân bản, người ta thấy sự lựa chọn của các Hồng Y quả là tuyệt diệu. Trước đây, người ta thường cho rằng một người Mỹ sẽ không bao giờ được bầu làm giáo hoàng. Đức Hồng Y Prevost vốn là người Chicago, người Mỹ trăm phần trăm, không thể chối cãi. Nhưng ngài cũng là người Peru. Theo The Pillar, ngài yêu Peru đến độ nhập quốc tịch Peru. Và một điều không thể không nhấn mạnh là trong phát biểu đầu tiên, trong ngôi vị giáo hoàng, ngài không nhắc gì tới quê hương Hoa Kỳ, nhưng nhắc đến Peru! Rất có thể, khi chọn ngài, các vị Hồng Y cũng coi ngài Peru nhiều hơn Hoa Kỳ!

Thứ hai, nhiều người vẫn cho rằng vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Phanxicô sẽ có xu hướng đi ngược lại vị tiền nhiệm. Nhưng các vị Hồng Y cử tri không nghĩ vậy. Trong phát biểu đầu tiên của ngài, Đức Leo XIV nhiều lần nhắc đến vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô, và các từ khóa của vị này và đã chính thức cám ơn Đức Phanxicô. Nhưng cung cách ăn vận lúc ra mắt các tín hữu tụ tập đông đảo tại quảng trường Thánh Phêrô và các khu vực chung quanh cho người ta thấy: ngài có khác, và gần giống như cách của Đức Benedict XVI, truyền thống hơn. Ước mong của Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York: một vị giáo hoàng với cái lòng của Đức Phanxicô và cái đầu của Đức Benedict XVI rất có thể trở thành hiện thực.

Thứ ba, trước khi vào mật nghị, các vị Hồng Y được thông tri rất rõ ràng về tình trạng tài chính bi đát của Tòa Phêrô: thâm hụt khá lớn nhất là về quỹ hưu bổng và cả các lãnh vực khác, mặc dù Đức Phanxicô đã có nhiều biện pháp tu chỉnh. Sự thâm hụt này, một phần do những thất thoát "kinh doanh" của Tòa Thánh, nhưng cũng có thể là do phần đóng góp của các giáo phận hoàn cầu, nhất là giáo hội Hoa Kỳ, một giáo hội luôn dẫn đầu trong việc đóng góp cho Tòa Thánh. Với việc bầu một người Mỹ làm giáo hoàng, có thể các vị Hồng Y đã gián tiếp hy vọng rằng sự đóng góp của giáo hội Hoa Kỳ sẽ giúp giải quyết phần nào tình thế tài chính bi đát này.Chúa Thánh Thần thổi đâu tùy ý Người. Nhưng quả Người thổi đúng chỗ lần này, thay thế một vị giáo hoàng bề ngoài rõ ràng không thân thiện với Hoa Kỳ nói chung và hàng giám mục của nó cách riêng, bằng một người con của họ! Người con này đáng được giáo hội Hoa Kỳ hợp tác mạnh mẽ cả về tài chánh.