1. Lịch sử đằng sau làn khói trắng báo hiệu một giáo hoàng mới
Khi một giáo hoàng mới được bầu, có hai dấu hiệu đánh dấu khoảnh khắc lịch sử đó: làn khói trắng (“fumata bianca” trong tiếng Ý) bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina và câu “habemus papam” do vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế đọc lên từ ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô nhìn xuống quảng trường cùng tên.
Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện nay là Đức Hồng Y Dominique Mamberti. Ngài sẽ là người loan báo Habemus Papam trừ ra trường hợp chính ngài được chọn là Đức Tân Giáo Hoàng. Lúc đó, Hồng Y Đoàn sẽ phải chọn một vị khác trong số các Hồng Y cử tri đẳng phó tế.
Lịch sử của làn khói trắng, chỉ ra rằng các Hồng Y đã bầu ra người kế nhiệm mới của Thánh Phêrô, là rất lâu đời. Năm 1274, tại Công đồng Lyon lần thứ hai, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X, trong một văn bản có tựa đề Ubi Periculum, đã xác định thủ tục tổ chức Cơ Mật Viện.
Ở đó, ngài chỉ rõ rằng cuộc bầu cử sẽ được tiến hành một cách biệt lập và tuyệt đối bí mật. Vì lý do này, và để tránh bất kỳ sự giao tiếp nào với bên ngoài, tín hiệu khói cuối cùng đã được áp dụng như một phần của nghi lễ. Theo nhà sử học Frederic J. Baumgartner, truyền thống đốt phiếu bầu có từ ít nhất là năm 1417, và có thể là trước đó. Tuy nhiên, việc thêm màu trắng hay màu đen để thông báo về kết quả cuộc bầu cử giáo hoàng gần đây hơn. Baumgartner truy nguyên nó từ năm 1914, với cuộc bầu cử của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV.
Nếu khói bốc ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistina có màu đen, điều đó có nghĩa là không có ứng cử viên nào đạt được hai phần ba số phiếu cần thiết để được bầu. Nếu khói có màu trắng, Giáo hội có một mục tử toàn thể Hội Thánh mới.
Ban đầu, phương pháp tạo ra những màu khói này là đốt những lá phiếu dùng để bỏ phiếu với một ít rơm ướt để lá phiếu có màu đen, hoặc đốt rơm khô để thu được khói màu trắng.
Ngày nay, do một số sự việc gây nhầm lẫn nên người ta sử dụng các hợp chất hóa học đặc biệt và một quy trình bao gồm hai ống khác nhau, mỗi ống cho một màu khói.
Ngoài ra, người ta còn rung chuông, một phần của nghi lễ được thực hiện khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 được bầu, để xác nhận khói có màu trắng và một giáo hoàng mới đã được bầu.
Tưởng cũng nên biết thêm: Các Hồng Y được chia làm 3 đẳng: phó tế, linh mục, và Giám Mục. Thông thường khi các vị phục vụ trong Giáo triều Rôma được tấn phong Hồng Y, các ngài được xếp vào đẳng phó tế. Sau một thời gian, các ngài có thể thăng lên Hồng Y đẳng linh mục và sau đó là đẳng Giám Mục.
Các vị coi sóc các giáo phận khi được tấn phong Hồng Y, các ngài sẽ được xếp vào đẳng linh mục. Thí dụ, như Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh của tổng giáo phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng của Sàigòn, Đức Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên của Hà Nội. Các ngài sẽ được xếp vào Hồng Y đẳng linh mục khi được tấn phong Hồng Y.
2. Phòng Nước Mắt
Sau khi các Hồng Y bầu được vị Giáo Hoàng mới, ngài sẽ được dẫn đến một căn phòng ngay bên cạnh nhà nguyện Sistina gọi là “Stanza delle Lacrime”, nghĩa là “Phòng Nước Mắt”. Trong cuốn phim Conclave đang được đề nghị trao giải Oscar, người ta cho rằng phòng đó là để kiểm tra ngõ hầu có thể chắc chắn rằng vị mới được bầu là đàn ông chứ không phải đàn bà vì đã từng có một người phụ nữ tên là Joan được bầu nhầm.
Đó là chuyện tào lao được thêu dệt từ A đến Z. Trong lịch sử Giáo Hội không hề có bà Joan nào được bầu nhầm làm Giáo Hoàng.
Mục đích của Phòng Nước Mắt không phải là để khám nghiệm thân thể của giáo hoàng; mà là để tân giáo hoàng thay lễ phục trước khi nhận lời tuyên thệ vâng phục từ các Hồng Y và sau đó được giới thiệu với người dân Rôma và thế giới từ loggia phía trên Quảng trường Thánh Phêrô. Căn phòng có biệt danh là Phòng Nước Mắt vì các giáo hoàng mới thường bị choáng ngợp bởi cảm xúc khi nghĩ đến gánh nặng mà các ngài phải gánh vác.
3. Edward Pentin: Căng thẳng gia tăng khi Cơ Mật Viện đang đến gần
Chỉ còn vài giờ nữa là đến Cơ Mật Viện, bầu không khí tại Rôma đã lên đến đỉnh điểm, với những tin đồn lan truyền khắp nơi và chỉ một vài Hồng Y thỉnh thoảng hé lộ suy nghĩ và kỳ vọng của các ngài.
Vào rạng sáng, một số Hồng Y bắt đầu xuất hiện dọc theo các con phố khi các ngài đi bộ thay vì lái xe đến Đại hội đồng tại Hội trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Như đã xảy ra hầu như vào mỗi buổi sáng kể từ khi các cuộc họp hàng ngày bắt đầu ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời, một nhóm phóng viên và nhiếp ảnh gia đã đổ xô đến các ngài với hy vọng có được một vài hình ảnh và thông tin.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục danh dự của Vienna, mỉm cười khi ngài chậm rãi nhưng kiên quyết đi qua, từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các ký giả. Đức Hồng Y Stephanô Châu Thủ Nhân của Hương Cảng cũng làm như vậy, nhưng bước nhanh hơn, khéo léo tránh đám đông báo chí khi chúng tôi cố gắng theo kịp tốc độ nhanh nhẹn của ngài.
Nhưng một số porporati, tức là Hồng Y trong tiếng Ý, đã dừng lại để chia sẻ đôi chút về hy vọng của các ngài.
“Cơ Mật Viện sẽ kéo dài bao lâu?” một phóng viên hỏi Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Baghdad của người Chanđê. “Chúng tôi hy vọng khoảng ba đến bốn ngày,” vị Hồng Y người Iraq trả lời khi ngài từ từ đi qua, dọc theo hàng cột Bernini. “Ngài đang tìm kiếm một vị Giáo hoàng như thế nào?” “Một vị mục tử hướng đến sự hiệp nhất và toàn vẹn của Giáo hội,” ngài trả lời một cách nhẹ nhàng khi vẫn tiếp tục bước đi.
“Chúng tôi vẫn chưa có tên, chúng tôi chỉ đang thảo luận,” Đức Hồng Y Joseph Coutts, Tổng giám mục danh dự của Karachi, Pakistan, cho biết. “Trong các buổi họp, chúng tôi đang tìm hiểu nhau.”
Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta, Indonesia, người mới đến Rôma vào Chúa Nhật, theo hãng thông tấn Ý Adnkronos, cũng tin rằng Cơ Mật Viện sẽ diễn ra ngắn gọn, “không quá ba ngày”.
Ngài bày tỏ hy vọng rằng tân giáo hoàng sẽ “tiếp nối Đức Phanxicô”, nói rằng điều đó sẽ “phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần” và rằng ngài sẽ bước vào Nhà nguyện Sistina vào thứ Tư “với một trái tim rộng mở”.
“Không cần phải vội vàng với khói trắng; chúng ta còn thời gian,” Đức Hồng Y Jean-Paul Vesco, Tổng giám mục Algiers, Algeria, người mới được phong Hồng Y vào tháng 12 năm ngoái, cho biết. “Điều quan trọng là có một vị giáo hoàng tốt.” Ngài nói thêm rằng vị giáo hoàng tiếp theo phải là “một mục tử, một tiếng nói cho thế giới và cho hòa bình.”
Giáo hoàng tiếp theo có thể là người Pháp không? “Thậm chí là người Algeria”, Hồng Y Vesco trả lời một cách đùa cợt.
Gần như mỗi giờ, một tin đồn mới lại nổi lên. Một người nói rằng Hồng Y này nọ, cùng với hai vị khác, đang dẫn đầu. Một người khác đề xuất một danh sách khác về những vị có thể dẫn đầu. Một Hồng Y nhất định sẽ giành được 50 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm, một nguồn tin khác nói rằng thêm 30 phiếu bầu nữa. Hồng Y X đã đạt được một thỏa thuận với Hồng Y Y, nhưng hóa ra là sai.
Sự thật là không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra. Do vừa là sự kiện thiêng liêng vừa là sự kiện của con người, các Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng thường gần như không thể dự đoán được, nhưng Cơ Mật Viện này đặc biệt như vậy, vì có thể cho rằng ngoại trừ Hồng Y Pietro Parolin, không có ứng cử viên nào được coi là ứng cử viên sáng giá, các Hồng Y đến từ nhiều khu vực địa lý rất đa dạng và số lượng cử tri là lớn nhất trong lịch sử.
Do đó, nhiều thông tin cần được thu thập thông qua các cuộc họp báo hàng ngày được kiểm soát chặt chẽ do giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni thực hiện.
Ông nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng 179 Hồng Y, bao gồm 132 Hồng Y cử tri, đã tham gia vào phiên họp chung sáng nay và tất cả 133 Hồng Y cử tri hiện đã đến Rôma. Việc phân bổ phòng đã được thực hiện bằng cách rút thăm, và tất cả các Hồng Y cử tri sẽ được bố trí ở tại Casa Santa Marta và nhà khách cũ Santa Marta. Các Hồng Y sẽ có thể bắt đầu làm thủ tục nhận phòng vào sáng thứ Ba, và khi Cơ Mật Viện bắt đầu, các ngài sẽ đi một quãng đường ngắn đến Nhà nguyện Sistina, nếu các ngài thích thì đi bộ, nhưng theo một tuyến đường được bảo vệ. Bắt đầu từ sáng Thứ Tư, 07 Tháng Năm, các hệ thống gây nhiễu điện tử sẽ ngắt mọi kết nối với thế giới bên ngoài. Điện thoại của các Hồng Y cử tri không còn hoạt động được.
Bruni cho biết các Hồng Y đã có 26 bài phát biểu trong phiên họp cuối cùng của Đại Hội Đồng, và ông đã chia sẻ nhiều chi tiết hơn so với những ngày trước về các chủ đề được thảo luận. Các đề tài đã bao gồm giáo luật và vai trò của quốc gia Thành Vatican; bản chất truyền giáo của Giáo hội; và vai trò của tổ chức bác ái Caritas trong việc bảo vệ người nghèo.
Các ngài cũng nhấn mạnh đến sự hiện diện của nhiều nhà báo, coi đó là dấu hiệu cho thấy Phúc âm có ý nghĩa đối với thế giới ngày nay và là lời kêu gọi trách nhiệm. Cũng được thảo luận là lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong đại dịch COVID, “như một cánh cửa hy vọng mở ra trong thời điểm sợ hãi”.
Về tân giáo hoàng, Bruni cho biết nhiều Hồng Y đã bày tỏ hy vọng “về một vị mục tử gần gũi với mọi người, một cánh cổng dẫn đến sự hiệp thông, quy tụ mọi người trong máu Chúa Kitô, trong một thế giới mà trật tự toàn cầu đang trong cơn khủng hoảng”.
Những thách thức của “việc truyền bá đức tin, chăm sóc công trình sáng tạo, chiến tranh và một thế giới bị chia cắt; mối quan ngại về sự chia rẽ trong Giáo hội; vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, trong bối cảnh công đồng”, cũng như “ơn gọi, gia đình và giáo dục trẻ em”.
Người ta cũng tham khảo các văn kiện của Công đồng Vatican II, đặc biệt là hiến chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, “về cách lời Chúa là nguồn nuôi dưỡng cho dân Chúa”.
Nhưng không có thông tin chi tiết nào về việc ai đã nói gì, cũng như về toàn bộ các chủ đề được thảo luận. Một số lo ngại xuất hiện trong những ngày gần đây rằng các Hồng Y có thể không có đủ cơ hội để phát biểu. Đáp lại, Bruni cho biết rằng “mọi nỗ lực đang được thực hiện trong các phiên họp chung để bảo đảm rằng tất cả các Hồng Y muốn phát biểu đều có cơ hội để làm như vậy”.
Trong một tuyên bố đưa ra vào tối Thứ Ba, 06 Tháng Năm, Vatican cho biết trong phiên họp ban chiều, “di cư, chiến tranh đang diễn ra và Thượng hội đồng về tính đồng nghị” đã được thảo luận. Các ngài cũng tái khẳng định cam kết ủng hộ giáo hoàng tương lai, là vị mà các ngài mô tả là “một người hướng dẫn biết cách vượt ra ngoài ranh giới của Giáo Hội Công Giáo, thúc đẩy đối thoại và xây dựng mối quan hệ với các thế giới tôn giáo và văn hóa khác”.
Bruni trước đó đã nói rằng công tác chuẩn bị trước Cơ Mật Viện đã hoàn tất phần lớn tại Nhà nguyện Sistina, nhưng không giống như năm 2013, các nhà báo sẽ không thể vào thăm Nhà nguyện Sistina, “vì Lực lượng Hiến binh Vatican đã bảo vệ nơi này”. Ông cho biết hình ảnh của Vatican sẽ được công bố cho thấy nội thất đã được chuẩn bị thay thế.
Lần đầu tiên kể từ phiên họp chung ngày 22 tháng 4, các Hồng Y sẽ họp vào tối thứ Hai và sáng thứ Ba.
Cơn sốt truyền thông thậm chí còn lớn hơn đã bắt đầu diễn ra vào sáng Thứ Tư, 07 Tháng Năm, khi các Hồng Y thực hiện chuyến viếng thăm cuối cùng tới Vatican trước khi bị nhốt lại và được bảo vệ an ninh chặt chẽ cho đến khi khói trắng bốc lên — khoảng thời gian có thể chỉ kéo dài từ vài ngày đến cùng lắm là một tuần.
Source:National Catholic Register
4. Những câu chuyện liên quan đến Phòng Nước Mắt
Phòng Nước Mắt (tiếng Ý: Stanza delle Lacrime), còn được gọi là Phòng Khóc (tiếng Ý: Stanza del Pianto), là một tiền sảnh nhỏ bên trong Nhà nguyện Sistina ở Thành phố Vatican, nơi một giáo hoàng mới được bầu thay áo giáo hoàng lần đầu tiên.
Danh xưng Phòng Nước Mắt gợi ra nhiều chuyện lâm li bi đát nên có giai thoại cho rằng phòng đó là để kiểm tra ngõ hầu có thể chắc chắn rằng vị mới được bầu là đàn ông chứ không phải đàn bà vì đã từng có một người phụ nữ tên là Joan được bầu nhầm.
Đó là chuyện tào lao được thêu dệt từ A đến Z. Trong lịch sử Giáo Hội không hề có bà Joan nào được bầu nhầm làm Giáo Hoàng.
Phòng Nước Mắt có tên như vậy là để ám chỉ đến những giọt nước mắt mà các giáo hoàng mới đắc cử đã rơi trong đó. Theo Cha Christopher Whitehead, tên của căn phòng có thể được giải thích là “bởi vì người đàn ông tội nghiệp rõ ràng đã suy sụp khi được bầu”. Nó cũng được gọi là Phòng Khóc là vì vậy.
Căn phòng này nằm ở bên trái bàn thờ của Nhà nguyện Sistina, và chứa ba kích cỡ khác nhau của trang phục giáo hoàng (lớn, vừa và nhỏ), để tân giáo hoàng lựa chọn và mặc vào ban đầu. Những bộ lễ phục này thường được may bởi thợ may từ Gammarelli, thợ may chính thức của giáo hoàng. Nó cũng chứa bảy hộp đựng giày màu đỏ xếp chồng lên nhau, được cho là chứa nhiều kích cỡ giày của giáo hoàng. Ngoài ra, căn phòng còn chứa y phục được nhiều giáo hoàng mặc qua nhiều năm.
Đức Giáo Hoàng Leo XIII được tường trình đã khóc khi được bầu vào năm 1878. Sau khi Cơ Mật Viện giáo hoàng năm 1958 bầu Giáo hoàng Thánh Gioan XXIII, ngài đã nhìn mình trong gương, mặc áo chùng giáo hoàng. Do vóc dáng to lớn, nó không vừa vặn với giáo hoàng, khiến ngài nói đùa rằng “Người đàn ông này sẽ là thảm họa trên truyền hình!”. Sau Cơ Mật Viện giáo hoàng năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 được cho là đã bước vào phòng với vẻ mặt buồn bã, lo lắng, nhưng sau đó đã xuất hiện với tâm trạng tươi sáng hơn.
5. Các viên chức và nhân viên phục vụ Cơ Mật Viện tuyên thệ giữ bí mật tại Nhà nguyện Pauline
Vào lúc 5:30 chiều thứ Hai, ngày 5 tháng 5, tại Nhà nguyện Pauline của Điện Tông tòa, các viên chức và nhân viên tham gia vào Cơ Mật Viện sắp tới đã tuyên thệ giữ bí mật, theo quy định của tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát Của Chúa” được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị ban hành vào ngày 22 tháng 2 năm 1996.
Lời tuyên thệ, do Hồng Y Kevin Joseph Farrell, Nhiếp chính của Giáo hội Rôma, giám sát, được tất cả các cá nhân—cả giáo sĩ và giáo dân—thực hiện, được Nhiếp chính và ba trợ lý Hồng Y chấp thuận. Nhóm này bao gồm Thư ký của Hồng Y đoàn, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng, bảy trưởng ban nghi lễ của giáo hoàng, giáo sĩ do Hồng Y chọn chủ trì Cơ Mật Viện để hỗ trợ ngài, hai tu sĩ dòng Augustinô được giao nhiệm vụ tại Phòng áo của Giáo hoàng, bác sĩ và y tá, nhân viên vận hành thang máy của Điện Tông tòa, nhân viên phụ trách dịch vụ ăn uống và vệ sinh cũng như người cắm hoa, nhân viên dịch vụ kỹ thuật và những người chịu trách nhiệm vận chuyển các Hồng Y cử tri từ Casa Santa Marta đến Điện Tông tòa, đại tá và một thiếu tá của Đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng được giao nhiệm vụ giám sát gần Nhà nguyện Sistina, Giám đốc Dịch vụ An ninh và Bảo vệ Dân sự của Thành phố Vatican, cùng với một số cộng sự của ông.
Mỗi cá nhân, sau khi được hướng dẫn về ý nghĩa của lời tuyên thệ, đã đích thân tuyên thệ và ký vào công thức quy định trước sự chứng kiến của Đức Hồng Y Farrell, và hai công chứng viên tông tòa.
Lời tuyên thệ bao gồm lời hứa long trọng giữ bí mật tuyệt đối về mọi vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc bỏ phiếu và giám sát bầu Giáo hoàng Tối cao, với nghĩa vụ vĩnh viễn trừ khi được Giáo hoàng mới đắc cử hoặc những người kế nhiệm cho phép rõ ràng. Lời tuyên thệ cũng tái khẳng định lệnh cấm các thiết bị ghi âm và ghi hình, dưới hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết chỉ Tòa thánh mới giải được.
Buổi lễ này thể hiện cam kết của Giáo hội đối với tính bảo mật và thiêng liêng của quá trình bầu cử giáo hoàng, bảo đảm rằng tất cả nhân sự phụ trợ đều duy trì tính toàn vẹn của Cơ Mật Viện Hồng Y.
6. Tường trình từ Rôma của Larry Chapp
Larry Chapp, giáo sư thần học tại Đại học De Sales ở Allentown, Pennsylvania, là người dẫn chương trình podcast Gaudium et Spes 22 và là người đồng sáng lập Dorothy Day Catholic Worker Farm ở Harveys Lake, Pennsylvania.
Ông có bài tường trình sau từ Rôma trước thềm khai mạc Cơ Mật Viện.
Khi chúng ta tiến gần đến Cơ Mật Viện, tin đồn ở Rôma đang lan truyền với các hãng tin đưa tin về “ứng cử viên hàng đầu” là Hồng Y này hay Hồng Y kia. Một số người nói đó là Hồng Y Tagle của Phi Luật Tân, những người khác khăng khăng rằng đó là Hồng Y Parolin người Ý, và những người khác nữa lại tuyên bố rằng người được chọn là Hồng Y người Pháp của Marseille, Đức Tổng Giám Mục Aveline. Sự nhầm lẫn càng tăng cao hơn khi một người đi ăn tối với nhiều người ở đây tại Rôma, những người nói rằng Hồng Y Erdo của Hung Gia Lợi có cơ hội hoặc có thể sẽ là một ứng cử viên ít triển vọng như các Hồng Y người Ý Pizzaballa hoặc Zuppi. Bây giờ cũng có một làn sóng suy đoán muộn rằng đó có thể là Hồng Y Robert Prevost, sinh ra ở Chicago nhưng đã dành nhiều năm làm nhà truyền giáo ở Peru. Ngài cũng đứng đầu bộ quyền lực của Vatican chịu trách nhiệm bổ nhiệm các giám mục. Cuối cùng, một số người tự hỏi liệu đã đến lúc cần một giáo hoàng Phi Châu chưa và tên của Hồng Y Capuchin người Congo, Hồng Y Ambongo, nhà lãnh đạo Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, thường được nhắc đến.
Tất cả những suy đoán này cho thấy điều gì? Không ngoa khi nói rằng, trên thực tế, không ai thực sự biết vị nào sẽ là giáo hoàng tiếp theo. Do đó, những hãng tin bắt đầu đưa tin bằng cách nói rằng, “các nguồn tin nội bộ của Vatican cho chúng tôi biết...” nên được xem xét với mối nghi kỵ lớn vì những “nguồn tin” đó có thể không tồn tại, và có khả năng là không biết bất cứ điều gì cụ thể ngoài những tin đồn đang lan truyền. Áp lực của báo chí để công bố một cái gì đó - bất cứ điều gì - gần như bảo đảm rằng ý kiến của một viên chức giáo triều, được đưa ra trong bữa tối tại Borgo Pio, sau khi uống quá nhiều rượu vang và rượu grappa, chỉ đơn giản là một mẩu tin đồn mà sau đó phóng viên thổi phồng thành “các nguồn tin của tôi nói...”
Chính trị của tình hình cũng cần được xem xét vì ý kiến của nhiều loại người trong giáo triều tại Vatican thường chỉ là mong muốn của họ đối với một ứng cử viên cụ thể, người mà họ hy vọng sẽ được thúc đẩy bằng cách “rò rỉ” điều gì đó cho giới truyền thông. Một số người không ngần ngại công bố thông tin bị cáo buộc là gây tổn hại đến một Hồng Y mà họ muốn làm suy yếu ứng cử viên. Những thông tin như vậy thường không có căn cứ nhưng vẫn được công bố với sự hiểu biết rằng các nhà báo đang tuyệt vọng vì bất cứ điều gì có thể được sử dụng như một tin tức hấp dẫn.
Hơn nữa, tất cả những suy đoán của báo chí này đều bị cản trở bởi thực tế rằng đây có vẻ là một trong những cuộc bầu cử giáo hoàng cởi mở nhất trong một thời gian dài. Và tính chất cởi mở này là kết quả trực tiếp của thực tế là Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm nhiều Hồng Y từ những nơi trên thế giới chưa từng đội mũ đỏ trước đây (ví dụ như Mông Cổ). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không triệu tập các Hồng Y lại với nhau ở Rôma thường xuyên. Điều này càng làm tăng thêm tính chất khó đoán vì nhiều Hồng Y đơn giản là không biết nhau. Do đó, người ta cho rằng “việc tìm hiểu nhau” này là một phần của những gì đang diễn ra trong các cuộc họp trước Cơ Mật Viện. Tuy nhiên, bạn có thể học được bao nhiêu trong một tuần về các Hồng Y khác mà bạn không chia sẻ ngôn ngữ chung và những người mà bạn chỉ có thể trò chuyện trong thời gian ngắn? Theo quan điểm của tôi, đây là một yếu tố có trọng lượng rất lớn, vì sự thiếu hiểu biết như vậy về các Hồng Y có thể khiến họ bầu một người “an toàn” là một người được nhiều người biết đến, chẳng hạn như Hồng Y Parolin.
Nhưng trong tất cả những điều này, chỉ có một điều chắc chắn; tức là trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ có một giáo hoàng mới. Và người ta hy vọng rằng đến lúc đó, các Hồng Y đã tập hợp sẽ gạt bỏ những âm mưu và thủ đoạn chính trị và bỏ phiếu cho một người mà các ngài nghĩ là người giỏi nhất cho công việc này, bất kể tuổi tác hay quốc tịch.
Và điều đó đưa tôi đến điểm thực sự của bài luận nhỏ này. Đơn giản là thế này: Hãy bình tĩnh và cầu nguyện. Nếu một giáo hoàng được bầu mà bạn không thích, chỉ cần thở dài và nhớ rằng “điều này cũng sẽ qua”. Hoặc, nếu một giáo hoàng được bầu mà bạn thích, chỉ cần mỉm cười và nhớ rằng “điều này cũng sẽ qua”. Hơn nữa, chúng ta nên luôn nhớ rằng trọng tâm của Giáo hội là Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và sống lại, chứ không phải giáo hoàng. Và theo quan điểm của tôi, một trong những điều bổ ích về Đức Thánh Cha Phanxicô là chính sự bất mãn mà ngài tạo ra trong số rất nhiều người Công Giáo bảo thủ đã khiến họ không còn mê muội về sự tôn vinh sai lầm khi đưa Đức Giáo Hoàng lên một tầm quan trọng cường điệu. Các giáo hoàng đến rồi đi, một số tốt và một số xấu, nhưng cuối cùng tất cả đều “ra đi”.
Tôi vội vàng nói thêm rằng khi nói như vậy, tôi không có ý hạ thấp vai trò quan trọng của người kế nhiệm Thánh Phêrô. Chính chức thánh Phêrô đã giữ cho Giáo Hội Công Giáo không trở thành thực tại bị chia cắt của Anh giáo và Chính thống giáo Đông phương. Chúng ta cần một giáo hoàng mạnh mẽ và một giáo hoàng khôn ngoan để ngăn chặn nhiều lực ly tâm đe dọa xé nát Giáo hội và khiến các thành viên của Giáo hội, dù muốn hay không, phải tản mác khắp bốn phương trời.
Tuy nhiên, chúng ta cần sự tỉnh táo bình tĩnh ngay bây giờ. Mười hai năm qua đã tạo ra những chia rẽ sâu sắc trong Giáo hội và những chia rẽ đó cần được chữa lành. Nhưng đó là sự chữa lành mà Đức Giáo Hoàng không thể tự mình làm được. Ngài cần tất cả chúng ta hợp tác. Và khi tôi nói chúng ta cần sự tỉnh táo bình tĩnh, ý tôi là, bất kể ai được bầu, chúng ta không nên phán đoán trước về ngài chỉ dựa trên các tường thuật của phương tiện truyền thông về lập trường của ngài đối với các vấn đề gây tranh cãi của giáo hội.
Cuối cùng, Thánh Giáo hoàng Gioan 23 được cho là đã cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ rằng “Lạy Chúa, đây là Giáo hội của Chúa. Con sẽ đi ngủ ngay bây giờ.” Có lẽ đó là một lời cầu nguyện, dù có phải là ngụy thư hay không, mà tất cả chúng ta nên áp dụng trong những ngày hỗn loạn này.
Source:First Things
7. 3 Áo chùng trắng và nhiều zuchetto: Hãy xem “Căn phòng nước mắt”
Không có vị giáo hoàng “cao” nào trong hồ sơ ghi chép 2.000 năm của chúng ta. Nhưng có một vị giáo hoàng “thấp”.
Không ai biết chắc chắn vị nào sẽ bước ra khỏi Cơ Mật Viện với tư cách là Người kế vị tiếp theo của Thánh Phêrô -- và điều đó có nghĩa là đội ngũ nhân viên Vatican phải chuẩn bị cho bất kỳ vị nào đảm nhận chức vụ này.
Bộ trang phục trắng của Đức Giáo Hoàng được cung cấp theo ba kích cỡ khác nhau. Cho dù đã cẩn thận như thế, trang phục cũng có thể không vừa vặn một cách hoàn hảo, nhưng ít nhất cũng có thể tạm dùng được cho lần xuất hiện đầu tiên.
Rốt cuộc, chỉ riêng sự khác biệt về chiều cao cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về kích thước. Theo giai thoại, vị giáo hoàng thấp nhất được cho là chỉ cao 154cm. Đó là Đức Giáo Hoàng Pius thứ Chín cai quản Giáo Hội từ 1846 đến 1878. Điều thú vị là Giáo hội không có một vị giáo hoàng cao quá nào được ghi nhận. Người cao nhất mà chúng ta biết là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, người mà các nguồn tin cho biết cao khoảng 178cm.
Theo truyền thống, cùng với áo chùng trắng, áo choàng vai (mozette) và dây thắt lưng, Đức Giáo Hoàng mới đắc cử được trao cơ hội mang giày đỏ, cũng có nhiều kích cỡ. Màu đỏ tượng trưng cho máu của các vị tử đạo và đã trở thành phong tục kể từ những ngày đầu của Giáo hội. Sau khi ban đầu chọn một đôi giày vừa vặn, giáo hoàng sẽ quyết định giữ lại đôi giày đó hay thay thế bằng đôi khác, cũng như điều chỉnh chúng cho phù hợp, nếu cần!
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến mọi người ngạc nhiên khi vẫn giữ nguyên đôi giày mà ngài đang mang, một quyết định mà ngài được cho là do đôi ấy là giày chỉnh hình. Tuy nhiên, nhiều người cũng coi lựa chọn giày của ngài là biểu tượng cho mong muốn sống giản dị.
Một chiếc áo khoác trắng thường cũng nằm trong danh sách kiểm tra đầu tiên về tủ quần áo của Đức Giáo Hoàng.
Và tất nhiên, sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau của zucchettos – tức là mũ sọ giống với mũ của giám mục và Hồng Y, chỉ khác là có màu trắng.
Tất cả những bộ quần áo này sẽ được chờ đợi trong Phòng Nước Mắt, một căn phòng nhỏ cạnh Nhà nguyện Sistina. Sau khi Đức Tân Giáo Hoàng được các Hồng Y chọn và ngài chấp thuận, ngài có một khoảng thời gian trong căn phòng này để mặc quần áo, suy ngẫm và -- tất nhiên -- cầu nguyện có thể là với nước mắt.
Trong phòng, một chiếc khăn choàng bằng vàng cũng sẽ chờ sẵn, nhưng Đức Giáo Hoàng sẽ không đeo nó ngay. Thay vào đó, ngài sẽ bước ra ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô và được giới thiệu tên rửa tội của mình, và sau đó là danh hiệu giáo hoàng (hoặc “regnal”) mới được chọn của ngài. Sau đó, khăn choàng sẽ được đeo vào người ngài và ngài sẽ đối mặt với mọi người tại Quảng trường Thánh Phêrô và trên khắp thế giới để lần đầu tiên ban phước lành “Urbi et Orbi” cho thành phố và thế giới.
8. Cơ Mật Viện Hồng Y 2025: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc bầu cử Giáo hoàng
Tờ National Catholic Register có bài phân tích nhan đề “Conclave 2025: The Holy Spirit’s Role in the Papal Election”, nghĩa là “Cơ Mật Viện Hồng Y 2025: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc bầu cử Giáo hoàng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Khi các Hồng Y tập trung tại Nhà nguyện Pauline và diễn hành đến Nhà nguyện Sistina vào ngày 7 tháng 5 để bắt đầu quá trình bầu chọn giáo hoàng mới, các ngài cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần khi hát bài Veni Creator Spiritus – “Thánh Thần, khấn xin ngự đến”
Nhiều người cho rằng Chúa Thánh Thần trực tiếp tiết lộ chính xác người nào nên là giáo hoàng. Nếu đúng như vậy, sẽ có cuộc bầu cử nhanh chóng. Nhưng một số Cơ Mật Viện trong nhiều thế kỷ đã kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng — hoặc hết năm này sang năm khác — trong khi những Cơ Mật Viện khác đã bầu ra những giáo hoàng có tính cách đáng ngờ.
Mặt khác, có quan niệm cho rằng Cơ Mật Viện gần giống với kiểu thỏa thuận ngầm thường thấy ở thời kỳ đã qua của các cỗ máy chính trị.
Không có kịch bản nào trong số này là đúng.
'Hướng dẫn' là từ khóa cần chú ý
Đức Ông Roger Landry, giám đốc quốc gia của Hội Truyền giáo Giáo hoàng và là cộng tác viên thường xuyên của EWTN và Register, giải thích rằng, “Chúa Thánh Thần luôn hoạt động để cố gắng hướng dẫn Giáo hội và từng tín hữu. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta — và các Hồng Y trong các Cơ Mật Viện — có ngoan ngoãn với những nguồn cảm hứng của Người, thường rất tinh tế, giống như một làn gió nhẹ, như được mô tả trong cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô hay không. Vì vậy, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống cùng với những ân sủng của Người trên các Hồng Y — đặc biệt là những ân sủng về sự khôn ngoan, thận trọng, lòng can đảm và lòng kính sợ Chúa — và cũng ban cho các ngài những ân sủng thực sự để tìm kiếm và theo đuổi những nguồn cảm hứng của Người.”
Đức Ông Roger Landry nhắc nhớ đến một sự kiện vào năm 1997, khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khi đó được hỏi trên truyền hình Bavarian rằng Chúa Thánh Thần có chọn giáo hoàng hay không, và ngài trả lời: “Tôi sẽ không nói như vậy, theo nghĩa là Chúa Thánh Thần chọn ai là giáo hoàng. … Tôi sẽ nói rằng Chúa Thánh Thần không thực sự kiểm soát công việc, mà giống như một nhà giáo dục giỏi, để lại cho chúng ta nhiều không gian, nhiều tự do, mà không hoàn toàn từ bỏ chúng ta. Do đó, vai trò của Chúa Thánh Thần nên được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn nhiều, không phải là Người ra lệnh bầu cho một ứng cử viên nhất định nào mà người ta phải bỏ phiếu. Có lẽ sự bảo đảm duy nhất mà Người đưa ra là mọi thứ không thể bị hủy hoại hoàn toàn.”
Ralph Martin, chủ tịch của Renewal Ministries và giám đốc chương trình thần học sau đại học về Tân Phúc Âm hóa tại Đại Chủng viện Sacred Heart thuộc Tổng giáo phận Detroit, cho biết: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bị sốc khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 nói rằng không phải Chúa Thánh Thần lựa chọn Đức Giáo Hoàng, mà là các Hồng Y”.
“Nhưng khi suy ngẫm về những lời của ngài, tôi hiểu rằng ý ngài muốn nói là Chúa Thánh Thần thường hoạt động thông qua các công cụ của con người — mặc dù con người có thể bác bỏ Ngài nếu họ muốn — và rằng chúng ta, những công cụ của con người, bao gồm cả các Hồng Y, có thể 'dập tắt' hoặc 'làm buồn' Chúa Thánh Thần, như Kinh thánh cảnh báo chúng ta không được làm như thế.”
Ông nói thêm, “Rõ ràng là con người chúng ta, kể cả các Hồng Y, có thể đầu hàng trước sự đố kỵ, sợ hãi, ganh ghét, ganh đua, áp lực từ bạn bè, hèn nhát hoặc chỉ đơn thuần là sự mù quáng và thiếu hiểu biết về mặt tâm linh, và đi đến chỗ không còn khả năng vâng phục Thánh Linh nữa.”
Khi suy ngẫm thêm về “tuyên bố gây sốc ban đầu” của Đức Bênêđíctô, Martin cho biết ông đã nhận ra rằng, “Điều đó rất có lý vì trong suốt 2.000 năm qua, chúng ta đã có những vị giáo hoàng tầm thường hoặc thậm chí rất tệ - không chỉ về mặt đạo đức hay tâm linh, mà còn về mặt trí tuệ, tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, v.v. - và chắc chắn đã có những thời điểm các Hồng Y 'tự mình' lựa chọn giáo hoàng tiếp theo mà ít chú ý đến Chúa Thánh Thần”.
Như Đức Ông Landry đã giải thích, “Sẽ là phạm thượng khi nghĩ rằng mọi quyết định mà các Hồng Y đưa ra, cũng giống như mọi quyết định mà chúng ta đưa ra, đều tự động là điều mà Chúa Thánh Thần muốn. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ có một số giáo hoàng vô đạo đức đã lãnh đạo Giáo hội trong 2.000 năm qua. Trong khi Chúa Thánh Thần ngăn cản các ngài, thông qua đặc sủng bất khả ngộ, không bao giờ giảng dạy điều gì đó hoàn toàn trái ngược với kho tàng đức tin và luân lý, thì những giáo hoàng vô đạo đức này rõ ràng đã chọn sống theo xác thịt hơn là theo Chúa Thánh Thần trong cuộc sống cá nhân và trong nhiều khía cạnh khác nhau trong việc cai quản của các ngài”.
Ví dụ, vào thế kỷ 16, hai vị giáo hoàng từ gia đình Medici phù hợp với khuôn mẫu này. Đó là lý do tại sao “sự hợp tác với ân sủng của Chúa lại quan trọng đến vậy vì rất dễ rơi vào lối suy nghĩ thế tục, chủ nghĩa bè phái và tham vọng”, R. Jared Staudt, giám đốc nội dung tại tông đồ Công Giáo dành cho nam giới Exodus 90 và là thành viên hội đồng quản trị của Rosary College ở Greenville, Nam Carolina, lưu ý.
Mặt khác, ngài giải thích, “Các Hồng Y càng thánh thiện và càng hợp tác với ân sủng của Chúa thì Chúa Thánh Thần càng có thể hướng dẫn các quyết định của các ngài. … Chúng tôi hy vọng rằng các Hồng Y sẽ tiếp cận nhiệm vụ lớn lao là bầu giáo hoàng với thiện chí, tích cực tìm kiếm điều tốt nhất cho toàn thể Giáo hội chứ không chỉ cho bất kỳ phe phái cụ thể nào.”
Tuy nhiên, vì Chúa Thánh Linh không thể phạm sai lầm, vậy chúng ta nên xem xét những lựa chọn tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ như thế nào?
“Sự quan phòng của Chúa hoạt động vì lợi ích của Giáo hội thông qua mọi sự,” Staudt giải thích. “Khi giáo sĩ và giáo dân của Giáo hội thánh thiện, các kế hoạch quan phòng của Chúa sẽ diễn ra dễ dàng hơn, nhưng khi điều ngược lại xảy ra, Chúa cho phép những khó khăn để thanh lọc Giáo hội và mang lại sự đổi mới.”
Vai trò của sự phân định
Cha dòng Phanxicô Capuchin Thomas Weinandy, cựu thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican, người cũng đã giảng dạy tại Đại học Oxford ở Anh trong nhiều năm, nói với tờ Register rằng rõ ràng Chúa Thánh Thần có vai trò trong việc lựa chọn giáo hoàng mới trong Cơ Mật Viện thông qua sự phân định.
“Ngài muốn khai sáng trái tim và khối óc của các Hồng Y đang bỏ phiếu xem ai là ứng cử viên tốt nhất. Nhưng rõ ràng là Ngài đang truyền cảm hứng cho con người,” vị linh mục nói.
“Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần không ra lệnh cho các Hồng Y, mà giúp các ngài phân định xem ai có đủ tiêu chuẩn tốt nhất vào thời điểm Cơ Mật Viện, những gì cần thiết ở một giáo hoàng vào thời điểm này,” Cha Weinandy nói thêm. “Ngài có nghĩ đến một ứng cử viên cụ thể nào không? Tôi không biết. Người ta cho rằng sẽ có một số Hồng Y là ứng cử viên xuất sắc. Vì vậy, đó là sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Hồng Y, nhưng cũng là sự kết hợp giữa các Hồng Y sử dụng lý trí của riêng các ngài và đánh giá các tiêu chuẩn của các Hồng Y và nhu cầu của Giáo hội tại thời điểm giáo hoàng được bầu chọn.”
Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần không can thiệp vào ý chí tự do của con người.
“Chúa Thánh Thần có thể khai sáng lương tâm của các Hồng Y, để các Hồng Y tự do lựa chọn người mà các vị ấy nghĩ là ứng cử viên tốt nhất cho sư vụ giáo hoàng. Hy vọng rằng những gì xuất hiện vào cuối cùng, sau khi bỏ phiếu và giáo hoàng được chọn, là một người mà Chúa Thánh Thần rõ ràng đã tham gia vào.”
Cha Weinandy giải thích rằng, mỗi lần bỏ phiếu, vị Hồng Y sẽ giơ lá phiếu của mình lên bằng tay phải và “thề trước Chúa rằng, trong tâm trí mình, người mà ngài bỏ phiếu là ứng viên tốt nhất, người nên trở thành Giáo hoàng”.
“Nó giống như việc thoát khỏi mọi chính trị, định kiến để chấp nhận sự can thiệp vào những gì Chúa Thánh Thần muốn thực hiện”.
Các Hồng Y đã tập trung vào việc cầu nguyện trong những ngày trước khi diễn ra Cơ Mật Viện — và mời toàn thể Giáo hội tham gia cùng họ.
“Chắc chắn chúng ta nên cầu nguyện,” Đức Ông Charles Pope, một linh mục tại Tổng giáo phận Washington và là cộng tác viên thường xuyên của Register, khuyên. “Những lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên sự khác biệt lớn. Chúa luôn biết liệu chúng ta có cầu nguyện hay không. Chúa sẽ gia tăng ân sủng nếu chúng ta cầu nguyện. Nhưng đến cuối ngày, Người sẽ không bảo đảm kết quả theo nghĩa là điều đó sẽ cướp đi sự tự do của các Hồng Y.”
Martin nói thêm, “Lời cầu nguyện của tôi cho Cơ Mật Viện sắp tới là Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động mạnh mẽ đến nỗi ngay cả những Hồng Y thiếu chú ý nhất về mặt tâm linh hoặc những người có ham muốn vô cùng hỗn loạn cũng không thể không nghe thấy tiếng nói của Người hoặc không thấy Người đang dẫn dắt họ lựa chọn ai. Hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến!”
9. Bài Giảng trong thánh lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn
Hôm Thứ Tư, 07 Tháng Năm, tất cả các Hồng Y đã cử hành thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “Để bầu Giáo Hoàng” tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua phần trình bày của Thụy Khanh toàn văn bản dịch sang Việt Ngữ bài giảng thánh lễ của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn.
Chúng ta đọc trong Công vụ Tông đồ rằng sau khi Chúa Kitô lên trời và trong khi chờ đợi Lễ Ngũ Tuần, tất cả mọi người đều hiệp nhất và kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu (x. Công vụ 1:14).
Đây chính xác là những gì chúng ta đang làm vài giờ trước khi bắt đầu Cơ Mật Viện Hồng Y, dưới sự chứng kiến của Đức Mẹ bên cạnh bàn thờ, trong ngôi đền thờ có mộ của Thánh tông đồ Phêrô.
Chúng ta cảm thấy hiệp nhất với toàn thể dân Chúa trong đức tin, tình yêu dành cho sứ vụ Giáo Hoàng và sự trông đợi đầy tin tưởng.
Chúng ta ở đây để cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Người để Đức Tân Giáo Hoàng được bầu có thể là người mà Giáo hội và nhân loại cần đến tại thời điểm khó khăn và phức tạp này trong lịch sử.
Cầu nguyện, bằng cách khẩn cầu Chúa Thánh Thần, là thái độ đúng đắn và thích hợp duy nhất cần có, khi các Hồng Y cử tri chuẩn bị thực hiện một hành động có trách nhiệm cao nhất đối với nhân loại và Giáo hội và đưa ra một lựa chọn có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một hành động của con người mà mọi cân nhắc cá nhân phải được gạt sang một bên, chỉ ghi nhớ trong tâm trí và trái tim mình Chúa Giêsu Kitô và lợi ích của Giáo hội và nhân loại.
Trong Tin Mừng đã được công bố, những lời vang lên đưa chúng ta đến trọng tâm của sứ điệp và di chúc tối cao của Chúa Giêsu, được trao cho các Tông đồ của Người vào buổi tối Bữa Tiệc Ly tại Phòng Tiệc Ly: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” Như để làm rõ câu “như Thầy đã yêu thương các con,” và để chỉ ra tình yêu của chúng ta phải đi xa đến mức nào, Chúa Giêsu nói tiếp: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15:13).
Đây là thông điệp của tình yêu, mà Chúa Giêsu gọi là một điều răn “mới”. Nó mới vì nó biến thành một điều gì đó tích cực, và mở rộng rất xa, lời khuyên của Cựu Ước rằng, “Đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn người ta làm cho bạn.”
Tình yêu mà Chúa Giêsu mặc khải không có giới hạn và phải đặc trưng cho mọi suy nghĩ và hành động của tất cả các môn đệ của Người, những người phải luôn thể hiện tình yêu đích thực trong hành vi của mình và cam kết xây dựng một nền văn minh mới, mà Đức Phaolô Đệ Lục gọi là “nền văn minh tình yêu”. Tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng thay đổi thế giới.
Chúa Giêsu đã nêu gương về tình yêu này vào đầu Bữa Tiệc Ly bằng một cử chỉ đáng ngạc nhiên: Người hạ mình phục vụ người khác, rửa chân cho các Tông đồ, không phân biệt đối xử, và không loại trừ Giuđa, kẻ sẽ phản bội Người.
Sứ điệp này của Chúa Giêsu liên quan đến những gì chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất của Thánh lễ, trong đó tiên tri Isaia nhắc nhở chúng ta rằng phẩm chất cơ bản của người mục tử là tình yêu thương đến mức hoàn toàn hy sinh.
Do đó, các văn bản phụng vụ của buổi cử hành Thánh Thể này, mời gọi chúng ta yêu thương huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau và cam kết hiệp thông trong Giáo hội và tình huynh đệ nhân loại phổ quát. Trong số các nhiệm vụ của người kế nhiệm Thánh Phêrô có nhiệm vụ nuôi dưỡng sự hiệp thông: sự hiệp thông của tất cả các Kitô hữu với Chúa Kitô; sự hiệp thông của các Giám mục với Đức Giáo Hoàng; sự hiệp thông của các Giám mục với nhau. Đây không phải là sự hiệp thông tự tham chiếu, mà là sự hiệp thông hoàn toàn hướng đến sự hiệp thông giữa những con người, giữa các dân tộc và các nền văn hóa, với mối quan tâm rằng Giáo hội phải luôn là “ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông”.
Đây cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ để duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội trên con đường mà Chúa Kitô đã vạch ra cho các Tông đồ. Sự hiệp nhất của Giáo hội là thánh ý của Chúa Kitô; một sự hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, nhưng là một sự hiệp thông vững chắc và sâu sắc trong sự đa dạng, miễn là sự trung thành hoàn toàn với Tin Mừng được duy trì.
Mỗi vị Giáo hoàng tiếp tục hiện thân cho Thánh Phêrô và sứ mệnh của ngài và do đó đại diện cho Chúa Kitô trên trái đất; Đức Giáo Hoàng là tảng đá mà Giáo hội được xây dựng (x. Mt 16:18).
Việc bầu Tân Giáo hoàng không phải là một sự kế nhiệm đơn giản của một dòng người, nhưng luôn luôn là sự trở lại của Thánh tông đồ Phêrô.
Các Hồng Y cử tri sẽ bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistina, nơi mà theo Hiến chế Universi Dominici Gregis đã nêu, “là nơi mọi thứ đều hướng đến việc nhận thức về sự hiện diện của Chúa, Đấng mà trước mắt Người, mỗi người một ngày nào đó sẽ được phán xét”.
Trong tác phẩm Rôma Triptych, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bày tỏ hy vọng rằng trong những giờ bỏ phiếu cho quyết định quan trọng này, hình ảnh Chúa Giêsu Đấng phán xét hiện ra lờ mờ của Michelangelo sẽ nhắc nhở mọi người về trách nhiệm to lớn của việc trao “chìa khóa tối cao” vào đúng người.
Chúng ta hãy cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần, Đấng trong một trăm năm qua đã ban cho chúng ta một loạt các Giáo hoàng thực sự thánh thiện và vĩ đại, sẽ ban cho chúng ta một Giáo hoàng mới theo lòng Chúa vì lợi ích của Giáo hội và nhân loại.
Chúng ta hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội một Giáo hoàng biết cách đánh thức lương tâm của mọi người và các năng lượng đạo đức và tinh thần trong xã hội ngày nay, một xã hội đặc trưng bởi sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ nhưng lại có xu hướng lãng quên Thiên Chúa.
Thế giới ngày nay kỳ vọng rất nhiều vào Giáo hội trong việc bảo vệ những giá trị cơ bản về con người và tinh thần mà nếu không có chúng thì sự chung sống của con người sẽ không tốt hơn và cũng không mang lại điều tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội, cầu bầu bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí của các Hồng Y cử tri và giúp các ngài đồng thuận về vị Giáo hoàng mà thời đại chúng ta đang cần.