1. Habemus Papam! Habemus Papam! Chúng ta đã có Giáo Hoàng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 6:10 chiều theo giờ địa phương Rôma, tức là 11:10 theo giờ Việt Nam, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina báo hiệu các Hồng Y cử tri đã chọn được một vị Tân Giáo Hoàng. Trời vẫn còn sáng tỏ, mọi người có thể phân biệt được khói trắng hay khói đen. Thêm vào đó, chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô đổ dồn dập, khẳng định chắc chắn chúng ta đã có Giáo Hoàng.

Như thế, các Hồng Y đã chọn được người kế vị Thánh Phêrô trong cuộc bỏ phiếu lần thứ Tư như trong trường hợp đắc cử của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Các ngài đã bắt đầu cuộc bỏ phiếu thứ Tư vào lúc 4:30 chiều giờ địa phương hay 9:30 tối giờ Việt Nam, và đã kết thúc một giờ sau đó. Sau khi kiểm phiếu, lúc 6:10 chiều hay 11:10 giờ Việt Nam, khói trắng đã có thể được nhìn thấy tỏ tường.

Chỉ 10’ sau, ban quân nhạc của Ý đã kéo đến trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô và trỗi quốc thiều Vatican.

Trong khi đó, đông đảo anh chị em tín hữu và khách hành hương đang tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô đã reo hò và vẫy cờ các nước để chào mừng.

4 màn ảnh TV rất lớn được thiết kế ở quảng trường Thánh Phêrô cho phép anh chị em đang tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô nhìn rõ những gì đang diễn ra.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7:13 chiều theo giờ địa phương hay 12:13 phút theo giờ Việt Nam Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng phó tế tiến ra trước ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để thông báo với Rôma và toàn thế giới.

Ngài nói:

Tôi báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao;

chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng:

vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất,

Đức Robert Francis Prevost

Là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện

người đã lấy hiệu là Lêô thứ 14.

Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost là một vị Giám Mục Mỹ, nguyên là Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giám Mục trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

2. Tiểu sử Đức Tân Giáo Hoàng Lêô thứ 14

Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 30 tháng 9 năm 2023.

Đức Hồng Y Robert Francis Prevost là tổng trưởng Bộ Giám mục dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã dành nhiều năm làm nhà truyền giáo ở Peru trước khi được bầu làm nhà lãnh đạo Dòng Augustinô trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois, cậu Prevost vào tập viện của Dòng Thánh Augustinô năm 1977 và tuyên khấn trọng thể vào năm 1981.

Nền tảng giáo dục của ngài bao gồm Cử nhân Toán học tại Đại học Villanova năm 1977, Thạc sĩ Thần học tại Liên minh Thần học Công Giáo ở Chicago, và cả bằng cử nhân và tiến sĩ về giáo luật tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas tại Rôma. Luận án tiến sĩ của ngài là về “Vai trò của vị bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustinô.”

Sự nghiệp của ngài trong Giáo hội được đánh dấu bằng những vai trò và thành tựu quan trọng. Sau khi thụ phong linh mục năm 1982, Cha Prevost gia nhập phái bộ Augustinô tại Peru vào năm 1985 và giữ chức vụ chưởng ấn của Giáo phận Chulucanas từ năm 1985 đến năm 1986.

Ngài đã dành 2 năm 1987 và 1988 tại Hoa Kỳ với tư cách là Giám đốc ơn gọi và giám đốc truyền giáo cho Tỉnh Dòng Augustinô tại Chicago trước khi trở về Peru, nơi ngài đã dành mười năm tiếp theo để lãnh đạo chủng viện Augustinô tại Trujillo và giảng dạy giáo luật tại chủng viện giáo phận, nơi ngài cũng là giám đốc đào tạo. Ngài cũng phục vụ trong các chức vụ khác ở đó, bao gồm là cha xứ, viên chức giáo phận, giám đốc đào tạo, giáo viên chủng viện và đại diện tư pháp.

Năm 1999, ngài trở về Chicago và được bầu làm bề trên tỉnh dòng “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” trong tổng giáo phận. Hai năm rưỡi sau, ngài được bầu làm bề trên tổng quyền của dòng Augustinô và phục vụ hai nhiệm kỳ cho đến năm 2013.

Năm 2014, ngài trở về Peru khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám quản tông tòa của Giáo phận Chiclayo. Ngài được nâng lên làm Giám mục của Chiclayo vào năm 2015. Trong thời gian ở đó, ngài cũng giữ chức phó chủ tịch và thành viên của hội đồng thường trực của Hội đồng Giám mục Peru từ năm 2018 đến năm 2023.

Cũng trong thời gian này, các giám mục Peru được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định của thể chế trong suốt các cuộc khủng hoảng chính trị liên tục dẫn đến việc lật đổ các tổng thống liên tiếp.

Trong hai năm 2020 và 2021, Đức Cha Prevost đảm nhiệm vai trò giám quản tông tòa của Callao, Peru.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Prevost làm Tổng trưởng Bộ Giám mục vào Tháng Giêng năm 2023, một vị trí quyền lực chịu trách nhiệm lựa chọn giám mục, một vị trí mà ngài giữ cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4 năm 2025. Vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng Đức Cha Prevost lên hàng Hồng Y.

Trong những tháng đầu tiên làm giám mục, Tổng giám mục Prevost khi đó vẫn giữ thái độ kín đáo đặc trưng trên các phương tiện truyền thông, nhưng được cho là được đánh giá cao vì khả năng lắng nghe và sự thành thạo trong các vấn đề. Aleteia đưa tin rằng một giám mục người Pháp đã gặp ngài hai tháng sau khi ngài nhậm chức đã khen ngợi “những câu hỏi sáng suốt” và khả năng tổng hợp của ngài, nhấn mạnh rằng lần tiếp xúc đầu tiên này đã để lại cho vị Giám Mục Pháp “ấn tượng rất tốt” về ngài.

Về các chủ đề chính, Đức Hồng Y Prevost nói ít nhưng một số lập trường của ngài được biết đến. Ngài được cho là rất gần với tầm nhìn của Đức Phanxicô về môi trường, tiếp cận người nghèo và người di cư, và gặp gỡ mọi người ở nơi họ đang ở. Ngài đã nói năm ngoái rằng “giám mục không được coi là một hoàng tử nhỏ ngồi trong vương quốc của mình”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Prevost có quan điểm riêng của ngài và không tỏ ra ủng hộ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Thời gian phục vụ truyền giáo dài ngày của ngài ở Peru cho phép ngài được coi là ứng cử viên phổ quát hơn so với các Hồng Y người Mỹ khác, điều này làm giảm bớt các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn giáo hoàng từ một siêu cường trong trường hợp của ngài.

Đức Hồng Y Prevost là thành viên của bảy cơ quan của Vatican cũng như Ủy ban Quản trị của Thành quốc Vatican, cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin tưởng vị Hồng Y này và đánh giá cao khả năng quản lý của ngài như thế nào.