1. Habemus Papam! Habemus Papam! Chúng ta đã có Giáo Hoàng
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 6:10 chiều theo giờ địa phương Rôma, tức là 11:10 theo giờ Việt Nam, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina báo hiệu các Hồng Y cử tri đã chọn được một vị Tân Giáo Hoàng. Trời vẫn còn sáng tỏ, mọi người có thể phân biệt được khói trắng hay khói đen. Thêm vào đó, chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô đổ dồn dập, khẳng định chắc chắn chúng ta đã có Giáo Hoàng.
Như thế, các Hồng Y đã chọn được người kế vị Thánh Phêrô trong cuộc bỏ phiếu lần thứ Tư như trong trường hợp đắc cử của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.
Các ngài đã bắt đầu cuộc bỏ phiếu thứ Tư vào lúc 4:30 chiều giờ địa phương hay 9:30 tối giờ Việt Nam, và đã kết thúc một giờ sau đó. Sau khi kiểm phiếu, lúc 6:10 chiều hay 11:10 giờ Việt Nam, khói trắng đã có thể được nhìn thấy tỏ tường.
Chỉ 10’ sau, ban quân nhạc của Ý đã kéo đến trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô và trỗi quốc thiều Vatican.
Trong khi đó, đông đảo anh chị em tín hữu và khách hành hương đang tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô đã reo hò và vẫy cờ các nước để chào mừng.
4 màn ảnh TV rất lớn được thiết kế ở quảng trường Thánh Phêrô cho phép anh chị em đang tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô nhìn rõ những gì đang diễn ra.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 7:13 chiều theo giờ địa phương hay 12:13 phút theo giờ Việt Nam Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng phó tế tiến ra trước ban công chính của Đền Thờ Thánh Phêrô để thông báo với Rôma và toàn thế giới.
Ngài nói:
Tôi báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao;
chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng:
vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất,
Đức Robert Francis Prevost
Là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện
người đã lấy hiệu là Lêô thứ 14.
Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost là một vị Giám Mục Mỹ, nguyên là Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giám Mục trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
2. Tiểu sử Đức Tân Giáo Hoàng Lêô 14
Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 30 tháng 9 năm 2023.
Đức Hồng Y Robert Francis Prevost là tổng trưởng Bộ Giám mục dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã dành nhiều năm làm nhà truyền giáo ở Peru trước khi được bầu làm nhà lãnh đạo Dòng Augustinô trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois, cậu Prevost vào tập viện của Dòng Thánh Augustinô năm 1977 và tuyên khấn trọng thể vào năm 1981.
Nền tảng giáo dục của ngài bao gồm Cử nhân Toán học tại Đại học Villanova năm 1977, Thạc sĩ Thần học tại Liên minh Thần học Công Giáo ở Chicago, và cả bằng cử nhân và tiến sĩ về giáo luật tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas tại Rôma. Luận án tiến sĩ của ngài là về “Vai trò của vị bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustinô.”
Sự nghiệp của ngài trong Giáo hội được đánh dấu bằng những vai trò và thành tựu quan trọng. Sau khi thụ phong linh mục năm 1982, Cha Prevost gia nhập phái bộ Augustinô tại Peru vào năm 1985 và giữ chức vụ chưởng ấn của Giáo phận Chulucanas từ năm 1985 đến năm 1986.
Ngài đã dành 2 năm 1987 và 1988 tại Hoa Kỳ với tư cách là Giám đốc ơn gọi và giám đốc truyền giáo cho Tỉnh Dòng Augustinô tại Chicago trước khi trở về Peru, nơi ngài đã dành mười năm tiếp theo để lãnh đạo chủng viện Augustinô tại Trujillo và giảng dạy giáo luật tại chủng viện giáo phận, nơi ngài cũng là giám đốc đào tạo. Ngài cũng phục vụ trong các chức vụ khác ở đó, bao gồm là cha xứ, viên chức giáo phận, giám đốc đào tạo, giáo viên chủng viện và đại diện tư pháp.
Năm 1999, ngài trở về Chicago và được bầu làm bề trên tỉnh dòng “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” trong tổng giáo phận. Hai năm rưỡi sau, ngài được bầu làm bề trên tổng quyền của dòng Augustinô và phục vụ hai nhiệm kỳ cho đến năm 2013.
Năm 2014, ngài trở về Peru khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám quản tông tòa của Giáo phận Chiclayo. Ngài được nâng lên làm Giám mục của Chiclayo vào năm 2015. Trong thời gian ở đó, ngài cũng giữ chức phó chủ tịch và thành viên của hội đồng thường trực của Hội đồng Giám mục Peru từ năm 2018 đến năm 2023.
Cũng trong thời gian này, các giám mục Peru được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định của thể chế trong suốt các cuộc khủng hoảng chính trị liên tục dẫn đến việc lật đổ các tổng thống liên tiếp.
Trong hai năm 2020 và 2021, Đức Cha Prevost đảm nhiệm vai trò giám quản tông tòa của Callao, Peru.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Prevost làm Tổng trưởng Bộ Giám mục vào Tháng Giêng năm 2023, một vị trí quyền lực chịu trách nhiệm lựa chọn giám mục, một vị trí mà ngài giữ cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4 năm 2025. Vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng Đức Cha Prevost lên hàng Hồng Y.
Trong những tháng đầu tiên làm giám mục, Tổng giám mục Prevost khi đó vẫn giữ thái độ kín đáo đặc trưng trên các phương tiện truyền thông, nhưng được cho là được đánh giá cao vì khả năng lắng nghe và sự thành thạo trong các vấn đề. Aleteia đưa tin rằng một giám mục người Pháp đã gặp ngài hai tháng sau khi ngài nhậm chức đã khen ngợi “những câu hỏi sáng suốt” và khả năng tổng hợp của ngài, nhấn mạnh rằng lần tiếp xúc đầu tiên này đã để lại cho vị Giám Mục Pháp “ấn tượng rất tốt” về ngài.
Về các chủ đề chính, Đức Hồng Y Prevost nói ít nhưng một số lập trường của ngài được biết đến. Ngài được cho là rất gần với tầm nhìn của Đức Phanxicô về môi trường, tiếp cận người nghèo và người di cư, và gặp gỡ mọi người ở nơi họ đang ở. Ngài đã nói năm ngoái rằng “giám mục không được coi là một hoàng tử nhỏ ngồi trong vương quốc của mình”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Prevost có quan điểm riêng của ngài và không tỏ ra ủng hộ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.
Thời gian phục vụ truyền giáo dài ngày của ngài ở Peru cho phép ngài được coi là ứng cử viên phổ quát hơn so với các Hồng Y người Mỹ khác, điều này làm giảm bớt các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn giáo hoàng từ một siêu cường trong trường hợp của ngài.
Đức Hồng Y Prevost là thành viên của bảy cơ quan của Vatican cũng như Ủy ban Quản trị của Thành quốc Vatican, cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin tưởng vị Hồng Y này và đánh giá cao khả năng quản lý của ngài như thế nào.
3. Diễn từ đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô 14
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy toàn văn bài diễn từ đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô 14.
Bình an cho anh em! Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh, Đấng chăn chiên nhân lành đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên của Chúa. Tôi cũng muốn lời chào bình an này đi vào trái tim anh chị em, đến với gia đình anh chị em và tất cả mọi người, bất kể họ ở đâu; và tất cả mọi dân tộc, và toàn thể trái đất: Bình an cho anh chị em.
Đây là sự bình an của Chúa Kitô Phục sinh, một sự bình an khiêm nhường và bảo vệ. Nó đến từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta, không có bất kỳ giới hạn hay điều kiện nào. Chúng ta hãy giữ trong tai mình tiếng nói yếu đuối nhưng luôn dũng cảm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã chúc lành cho Rôma - Đức Giáo Hoàng đã chúc lành cho Rôma và thế giới vào sáng ngày lễ Phục sinh.
Xin cho phép tôi tiếp tục lời chúc phúc đó. Chúa yêu thương chúng ta, tất cả chúng ta, cái ác sẽ không thắng thế. Tất cả chúng ta đều nằm trong tay Chúa. Không sợ hãi, đoàn kết, tay trong tay với Chúa và giữa chúng ta, chúng ta sẽ tiến về phía trước. Chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, Chúa Kitô đi trước chúng ta, và thế giới cần ánh sáng của Người. Nhân loại cần Người như một cây cầu để đến với Chúa và tình yêu của Người. Xin Chúa giúp chúng con xây dựng những cây cầu bằng đối thoại và gặp gỡ để tất cả chúng con có thể là một dân tộc luôn sống trong hòa bình.
Cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô!
Xin cảm ơn các anh em Hồng Y đã chọn tôi làm Người kế vị Thánh Phêrô và cùng bước đi với anh em như một Giáo hội hiệp nhất cùng nhau tìm kiếm hòa bình và công lý, cùng nhau làm việc với tư cách là những người nam và người nữ, trung thành với Chúa Giêsu Kitô mà không sợ hãi, loan báo Chúa Kitô, trở thành những nhà truyền giáo, trung thành với phúc âm.
Tôi là một người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ dòng Augustinô. Ngài đã nói, “Với anh em, tôi là một Kitô hữu, vì anh em, tôi là một giám mục.” Vì vậy, xin cho tất cả chúng ta cùng nhau bước đi về quê hương mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
Giờ đây, tôi muốn gửi đến Giáo hội Rôma lời chào đặc biệt:
Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, giống như quảng trường này, mở ra cho tất cả mọi người, cho tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta.
Sau đó, ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha:
Xin chào tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong giáo phận Chiclayo của tôi ở Peru, những người dân trung thành, tận tụy đồng hành và giúp đỡ giám mục.
Quay lại tiếng Ý, Đức Tân Giáo Hoàng nói:
Gửi đến tất cả anh chị em ở Roma, Ý, và trên toàn thế giới, chúng ta muốn trở thành một Giáo hội đồng nghị, luôn tiến bước và tìm kiếm hòa bình, bác ái, gần gũi, đặc biệt là với những người đang đau khổ.
Hôm nay là ngày cầu nguyện với Đức Mẹ Pompei.
Mẹ Maria đầy ơn phúc của chúng ta luôn muốn đồng hành với chúng ta, gần gũi với chúng ta, Mẹ luôn muốn giúp đỡ chúng ta bằng lời chuyển cầu và tình yêu của Mẹ. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sứ mệnh này, và cho toàn thể Giáo hội, và cho hòa bình trên thế giới.
Chúng ta cầu xin ơn đặc biệt này từ Đức Maria, Mẹ chúng ta.
Cùng với đám đông ở Quảng trường Thánh Phêrô và trên khắp thế giới, ngài đã đọc Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Cuối cùng, Đức Tân Giáo Hoàng đã ban phép lành Urbi et Orbi đầu tiên của ngài trong tư cách Giáo Hoàng.
4. Tường trình ngày đầu tiên trong Cơ Mật Viện
Ngày đầu tiên trong Cơ Mật Viện đã bắt đầu với thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “để bầu Giáo Hoàng”, diễn ra vào lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn đã chủ sự thánh lễ cùng với tất cả các Hồng Y cử tri. Trong bài giảng thánh lễ, ngài kêu gọi sự hiệp nhất trong Giáo Hội và cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần, Đấng trong một trăm năm qua đã ban cho chúng ta một loạt các Giáo hoàng thực sự thánh thiện và vĩ đại, sẽ ban cho chúng ta một Giáo hoàng mới theo lòng Chúa vì lợi ích của Giáo hội và nhân loại.
Ban chiều, các Hồng Y cử tri đã tập trung tại Nhà nguyện Pauline tại Điện Tông tòa lúc 4:30 chiều giờ Rôma và long trọng đi rước vào Cơ Mật Viện được tổ chức tại nhà nguyện Sistina. Các Hồng Y, theo thứ tự cấp bậc, diễn hành một đoạn ngắn vào Nhà nguyện Sistina trong tiếng hát Kinh cầu các thánh, tiếp theo là lời cầu nguyện, bao gồm lời cầu nguyện xin Chúa “ban cho Giáo hội của Người một giáo hoàng làm Người hài lòng với sự thánh thiện của cuộc đời mình” và “rằng Người đổ tràn sức mạnh của Thánh Thần của Người vào Cơ Mật Viện này”.
Bên trong Nhà nguyện Sistina, mỗi Hồng Y cử tri đứng trước chỗ ngồi được chỉ định của mình, quay mặt về phía Sách Phúc Âm, đặt trên bục giảng ở giữa phòng.
Thông thường, niên trưởng Hồng Y Đoàn là người chủ trì các cuộc họp bên trong Cơ Mật Viện, và ngài phải bảo đảm rằng mỗi Hồng Y sẽ đặt tay lên Phúc âm và tuyên thệ trung thành với các quy tắc của Cơ Mật Viện.
Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã 91 tuổi không còn quyền bầu Giáo Hoàng nên người chủ trì các cuộc họp bên trong Cơ Mật Viện lần này là Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc vụ khanh trong triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, và là Hồng Y trưởng đẳng Giám Mục.
Mở đầu các nghi thức, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã đọc kinh “Veni, Creator Spiritus” nghĩa là “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo”
Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.
Sau đó, với tư cách là người chủ trì nghi lễ, đã cầu nguyện: “Lạy Cha, Đấng hướng dẫn và bảo vệ Giáo hội của Cha, xin ban cho các tôi tớ Cha Thần trí tuệ, chân lý, bình an, để họ có thể nỗ lực hiểu biết ý muốn của Cha và phục vụ Cha với sự tận tụy hoàn toàn. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
Một phút mặc niệm trước khi Đức Hồng Y Parolin đọc lời tuyên thệ mà mỗi Hồng Y phải thực hiện: “Chúng tôi hứa, bắt buộc và tuyên thệ rằng chúng tôi sẽ trung thành và cẩn thận tuân thủ mọi quy định có trong tông hiến của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Universi Dominus Gregis… Tương tự như vậy, chúng tôi hứa, bắt buộc và tuyên thệ rằng bất kỳ ai trong chúng tôi, theo sự sắp đặt của Chúa, được bầu làm giáo hoàng Rôma, sẽ cam kết thực hiện trung thành “munus Petrinum” – sứ vụ Phêrô - của mục tử toàn thể Hội Thánh và sẽ không thất bại trong việc khẳng định và bảo vệ mạnh mẽ các quyền và tự do về tinh thần và thế tục của Tòa thánh. Trên hết, chúng tôi hứa và tuyên thệ sẽ nghiêm cẩn gìn giữ với sự trung thành cao nhất và với tất cả mọi người, cả giáo sĩ và giáo dân, bí mật về mọi thứ theo bất kỳ cách nào liên quan đến cuộc bầu cử giáo hoàng Rôma và về những gì diễn ra tại nơi bầu cử, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc bỏ phiếu; không vi phạm theo bất kỳ cách nào bí mật này trong hoặc sau cuộc bầu cử giáo hoàng mới, trừ khi đã được cấp phép rõ ràng bởi chính Đức Giáo Hoàng; không bao giờ hỗ trợ hoặc ưu ái bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác mà chính quyền thế tục ở bất kỳ cấp bậc và mức độ nào, hoặc bất kỳ nhóm người hoặc cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử giáo hoàng Rôma.”
Sau đó, mỗi vị trong số 133 vị Hồng Y đã lần lượt bước lên bục giảng và đặt tay lên Sách Phúc Âm và nói: “Xin Chúa và những Sách Phúc Âm thánh thiện, mà con chạm tay vào, giúp con”.
Sau đó Đức Tổng Giám Mục Ravelli, Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma, tức là vị phụ trách nghi lễ của Đức Giáo Hoàng, tuyên bố “extra omnes”, tất cả các trợ lý, ca đoàn và nhân viên phục vụ rời khỏi phòng và chương trình phát trực tiếp tắt đi.
Với lời tuyên bố “extra omnes” (“tất cả ra ngoài”) vào chiều ngày 7 tháng 5, những cánh cửa gỗ dày của Nhà nguyện Sistina đã được đóng lại và được lính gác Thụy Sĩ canh gác ở mọi lối vào trong khi 133 Hồng Y cử tri bắt đầu công việc trọng đại là bầu giáo hoàng mới và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Ngồi thành những dãy bàn dưới ánh nhìn chăm chú vào bức tranh Ngày Phán xét cuối cùng đầy sức mạnh của Michelangelo, trước các cuộc thảo luận và cuộc bỏ phiếu đầu tiên, các Hồng Y cử tri đã lắng nghe bài suy niệm của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 90 tuổi, cựu giảng thuyết viên của phủ Giáo Hoàng trong 44 năm.
Theo nghi thức của Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y Cantalamessa — được Hồng Y đoàn bầu vào tuần trước — đã thuyết giảng cho các Hồng Y cử tri về bản chất rất nghiêm trọng liên quan đến nhiệm vụ của các ngài và sự cần thiết phải hành động với ý định đúng đắn, cố gắng hết sức để thực hiện thánh ý Chúa và mong muốn điều tốt đẹp cho toàn thể Giáo hội, trong nhiệm vụ bầu ra Giáo hoàng Rôma tiếp theo.
Sau đó, Đức Hồng Y Cantalamessa và Tổng giám mục Diego Ravelli, phụ trách nghi lễ của giáo hoàng, đã là hai người cuối cùng rời khỏi Nhà nguyện Sistina trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu. Cảnh tượng đầu tiên của khói từ ống khói Nhà nguyện Sistina đã xuất hiện vào buổi tối theo giờ Rôma, và như chúng tôi dự đoán, đó là khói đen, nghĩa là chưa bầu được Giáo Hoàng mới.
Phiên họp đã kết thúc bằng lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ, hát bài “Sub tuum praesidium,” là bài thánh ca về Đức Mẹ lâu đời nhất của Giáo hội. Người Công Giáo Việt Nam gọi kinh Sub tuum praesidium là Kinh Trông Cậy.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng.